Lạm phát Mỹ hạ nhiệt trong tháng 5, gia tăng triển vọng cắt giảm lãi suất

Lạm phát Mỹ 'đi ngang' trong tháng 5 do chi phí dịch vụ tăng khiêm tốn còn giá hàng hóa giảm mạnh nhất 6 tháng qua, nhờ đó gia tăng triển vọng Fed cắt giảm lãi suất vào cuối năm.

Biến động chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tính đến ngày 28/6/2024. Nguồn: Cơ quan Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ

Biến động chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tính đến ngày 28/6/2024. Nguồn: Cơ quan Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ

Báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 28/6 cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng nước này tăng nhẹ trong tháng 5. Giá cả các mặt hàng cơ bản tăng với tốc độ chậm nhất trong 6 tháng qua, làm tăng sự lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tạo ra một cuộc "hạ cánh mềm" như mong muốn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, tức là hạ nhiệt lạm phát nhưng không gây ra suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Các nhà giao dịch đã tăng đặt cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính BMO Capital Markets (Canada), nhận xét: "Đây là một báo cáo (lạm phát - BTV) rất dễ chịu đối với Fed, giúp họ duy trì việc cắt giảm lãi suất đến tháng 9, đồng thời làm tăng niềm tin của nhà đầu tư rằng tăng trưởng kinh tế vừa phải có thể được duy trì ngay cả khi lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn".

"Lạm phát lõi giảm mạnh chính là điều mà ‘vị bác sĩ’ (Fed - BTV) cần thấy để giữ cho nền kinh tế tiếp tục hạ cánh mềm", ông Anderson bình luận.

Cơ quan Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 đã không thay đổi sau mức tăng 0,3% chưa được điều chỉnh trong tháng 4. Đây là lần đầu tiên sau 6 tháng chỉ số PCE không thay đổi. Trong khi chi phí dịch vụ tăng ở mức khiêm tốn trong tháng 5 thì giá cả hàng hóa giảm 0,4%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2023. Cụ thể, giá của các mặt hàng và phương tiện giải trí cũng như đồ đạc và thiết bị gia dụng lâu bền đều đã giảm mạnh.

Giá xăng và các mặt hàng năng lượng khác giảm 3,4%, mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua.

Trong khi đó, chi phí dịch vụ tăng 0,2%, do giá nhà ở, tiện ích cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng cao. Chi phí dịch vụ tài chính và bảo hiểm giảm 0,3% trong tháng 5, sau khi tăng 5 tháng liên tiếp. Những chi phí này, cùng với nhà ở, là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát các dịch vụ.

Trong 12 tháng tính đến tháng 5/2024, chỉ số PCE đã tăng 2,6% sau khi tăng 2,7% trong tháng 4. Kết quả chỉ số PCE tháng 5 phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế.

Lạm phát Mỹ đang giảm dần sau khi tăng đột biến do Fed tăng lãi suất 525 điểm cơ bản kể từ năm 2022, làm giảm nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, lạm phát vẫn tiếp tục neo cao trên mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Các thị trường tài chính nhận thấy khoảng 68% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, cao hơn mức 64% trước khi có số liệu lạm phát tháng 5, mặc dù các quan chức Fed gần đây đưa ra quan điểm "diều hâu" hơn đối với chính sách tiền tệ. Fed hiện đang duy trì lãi suất qua đêm cơ bản ở mức 5,25 - 5,50% kể từ tháng 7 năm ngoái.

Các nhà kinh tế đang có những quan điểm trái chiều về việc liệu Fed có cắt giảm lãi suất cơ bản 2 lần trong năm nay trong bối cảnh tiền lương tăng trưởng vững chắc hay không. Việc công bố báo cáo việc làm của Mỹ vào tháng 6 vào tuần tới có thể làm sáng tỏ hơn về triển vọng chính sách tiền tệ của Fed.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lam-phat-my-ha-nhiet-trong-thang-5-gia-tang-trien-vong-cat-giam-lai-suat-d218865.html
Zalo