Làm giàu trên đất Khánh Sơn

Trên hành trình đưa Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo, đã có nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trẻ tuổi biết cách làm ăn, có cuộc sống khấm khá. Họ là những “hạt nhân” khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương.

Những triệu phú trẻ

Ngược ngàn lên Khánh Sơn mùa này, từ đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra xa, thấp thoáng bản làng, những con đường quanh co nép mình bên những vườn cây ăn trái xanh biếc sau một vụ mùa bội thu. Trong những vườn sầu riêng bạt ngàn khắp huyện, xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà to đẹp, vững chãi của những triệu phú ĐBDTTS. Đến thôn đặc biệt khó khăn Ko Róa (xã Sơn Lâm), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước căn nhà bề thế kiểu biệt thự vừa được xây xong của gia đình anh Cao Thanh Hải - một triệu phú nông dân người Raglai sinh năm 1989.

Ông Nguyễn Khắc Toàn khảo sát mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Mấu Thị Hiểm ở thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung.

Ông Nguyễn Khắc Toàn khảo sát mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Mấu Thị Hiểm ở thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung.

Anh Hải bộc bạch, trước đây, gia đình anh thuộc diện nghèo khó của địa phương, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng sầu riêng, gia đình đã vươn lên có cuộc sống khá giả như hôm nay. “Gia đình tôi có 3ha sầu riêng. Đến nay, có hơn 300 cây đã cho thu hoạch. Vụ vừa qua, gia đình tôi thu được hơn 2 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí lãi gần 1,5 tỷ đồng. Nhờ trồng sầu riêng mà cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn trước nhiều, qua 2 vụ, gia đình đã tích góp xây được nhà ở ổn định. Gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cây sầu riêng theo hướng hữu cơ trên toàn bộ 3ha để nâng giá cao giá bán, xuất khẩu được” anh Hải nói.

Nghe giới thiệu ở xã Sơn Trung cũng có nhiều triệu phú trẻ người Raglai, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Mấu Thị Hiểm (sinh năm 1990, thôn Tà Nĩa). Tiếp chúng tôi, vợ chồng chị Hiểm lạc quan và luôn tin tưởng bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, sự cần cù, hăng say lao động của mình, gia đình chị sẽ sớm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Nhà tôi có 1ha sầu riêng đang cho thu hoạch, vụ vừa rồi thu nhập được gần 400 triệu đồng. Ngoài trồng sầu riêng, vợ chồng tôi còn đào ao thả cá chép, cá mè; nuôi heo đen… mỗi năm thu thêm hơn 100 triệu đồng nữa. Sinh kế đã ổn định hơn, bây giờ vợ chồng cùng cố gắng lao động, học hỏi thêm kinh nghiệm của các hộ biết cách làm ăn để tiếp tục vươn lên”, chị Hiểm vui mừng nói.

Cách nhà chị Hiểm không xa là nhà chị Tro Thị Hợp (sinh năm 1991, ở thôn Chi Chay, xã Sơn Trung), có tiếng làm kinh tế giỏi của thôn, xã. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Hợp nhớ lại: Năm 2009, chị lập gia đình, ở cùng bố mẹ ruột. Thời gian đầu, gia đình chị thường xuyên túng thiếu. Vợ chồng đi làm thuê dành dụm từng đồng, cộng với tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng, chị mượn thêm người thân 20 triệu đồng để khởi nghiệp, làm chuồng trại và mua 10 con heo giống. Thấy cây sầu riêng là “chìa khóa” để làm giàu, chị đã mạnh dạn chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng sầu riêng, rồi tiếp tục phát triển chăn nuôi, kinh doanh tạp hóa và làm rượu cần truyền thống, mỗi năm thu nhập của gia đình chị lên đến hơn 600 triệu đồng.

“Hạt nhân” thúc đẩy giảm nghèo

Ngoài những tấm gương nêu trên, hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có rất nhiều hộ ĐBDTTS sản xuất, kinh doanh giỏi, với thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm. Trò chuyện với họ, chúng tôi nghiệm ra rằng: Hầu hết họ có tuổi đời còn trẻ. Họ không có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà giàu nghị lực, ham học hỏi, chăm chỉ làm ăn và có khát vọng làm giàu trên quê hương mình. Như chuyện của anh Hải, khi có đoàn từ thiện về địa phương tặng quà anh không nhận, chỉ nhận giống cây sầu riêng để trồng phát triển kinh tế và anh chọn trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ để cây phát triển bền vững, chất lượng, giá bán cũng cao hơn.

Một góc thị trấn Tô Hạp. Ảnh: M.Phương

Một góc thị trấn Tô Hạp. Ảnh: M.Phương

Bên cạnh làm giàu cho gia đình, những triệu phú này còn là những “hạt nhân” thúc đẩy giảm nghèo ở mỗi địa phương. Họ là những tấm gương ĐBDTTS trong dòng họ, thôn xóm học tập, noi theo để tự lực vươn lên trong cuộc sống. Cũng chính họ đã quan tâm, hỗ trợ cho các hộ nghèo khác từ kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thậm chí hỗ trợ vốn, tạo việc làm… cho các hộ khác làm ăn để cùng thoát nghèo bền vững. Vì lẽ ấy, ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn khẳng định: “Để đưa Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2024, có một phần rất lớn là nhờ ý chí tự lực vươn lên của chính người dân; trong đó “hạt nhân” là những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã lan tỏa, khơi dậy được ý chí vươn lên của cả cộng đồng, giúp nhiều hộ ĐBDTTS khác vượt qua tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều này quan trọng lắm, bởi Khánh Sơn là địa phương có đến 73% dân số là ĐBDTTS, lại có xuất phát điểm rất thấp nên cứ mỗi hộ thoát nghèo bền vững là 1 thành công lớn”.

Chúng tôi khấp khởi mừng khi được ông Nguyễn Quốc Đông chia sẻ, trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp công nhận thì có đến hơn 50% là hộ ĐBDTTS. So sánh năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hơn 44%, đến nay chỉ còn khoảng 25%, dự kiến đến cuối năm nay còn dưới 23%. Cùng với các tiêu chí khác, Khánh Sơn sẽ về đích thoát khỏi huyện nghèo sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chúng tôi rời Khánh Sơn khi trời đã hửng nắng sau cơn mưa bất chợt, nhớ đến những điều anh Cao Thanh Hải chia sẻ về việc phát triển cây sầu riêng theo hướng hữu cơ để phục vụ xuất khẩu hay chuyện chị Tro Thị Hợp ấp ủ đưa sản phẩm rượu cần truyền thống của mình tham gia Chương trình OCOP… Với họ, con đường làm giàu vẫn đang ở phía trước và những câu chuyện ấy là nguồn động viên cho khát vọng vươn lên làm giàu của cả cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng cao Khánh Sơn, vốn đi lên từ gian khó.

Khi đến thăm các mô hình sản xuất hiệu quả, giúp thoát nghèo bền vững của các hộ ĐBDTTS nghèo ở huyện Khánh Sơn mới đây, ông NGUYỄN KHẮC TOÀN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã bày tỏ niềm vui khi nghe về cách thức làm ăn, thu nhập, chất lượng cuộc sống của các hộ ĐBDTTS trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao. Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn đã biểu dương các hộ ĐBDTTS đã vượt qua tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đã cần cù lao động, ham học hỏi và nỗ lực vươn lên, tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp hơn. “Các địa phương ở huyện Khánh Sơn cần phải tiếp tục sát sao, quan tâm hơn đến đời sống của ĐBDTTS trên địa bàn; phải khơi dậy được ý chí vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là ĐBDTTS để cùng với các chính sách hỗ trợ được Trung ương, tỉnh triển khai, các hộ sẽ thoát nghèo bền vững. Bằng kinh nghiệm của mình, hộ khá giả quan tâm, giúp đỡ thêm đối với các hộ nghèo trong thôn, trong xã để cùng vươn lên, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…”, đồng chí Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh.

HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202409/lam-giau-tren-dat-khanh-son-bdf19c6/
Zalo