Làm gì khi bạn bị cúm?
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính diễn ra ở đường hô hấp với các biểu hiện điển hình như đau đầu, đau cơ, sốt cao, ho, đau họng, khó thở,… Các triệu chứng này thường giống với bệnh thông thường như cảm lạnh nên tương đối khó nhận biết.
Cúm thông thường có diễn biến nhẹ của bệnh thường thấy và có thể nhanh chóng phục hồi sau từ 2 ngày đến 1 tuần. Tuy nhiên, đối với các trường hợp ở trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, người lớn mắc bệnh mạn tính về đường hô hấp, rối loạn chức năng phổi, tim, thận hay người thiếu máu, bị suy giảm hệ miễn dịch, cúm có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, viêm não, viêm phế quản,… và có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, việc chăm sóc, điều trị cúm đúng là vô cùng quan trọng.
Cách xử trí khi mắc bệnh cúm
Hiện tại vẫn chưa có cách điều trị bệnh cúm triệt để, chỉ có các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn. Khi bị cúm tại nhà cần chú ý:
Nghỉ ngơi
Thông thường bệnh cúm có thể tự khỏi sau thời gian ngắn khi người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi và uống nhiều nước để cơ thể dần chống lại sự nhiễm trùng. Không nên hút thuốc lá hoặc uống rượu trong thời gian này; cũng nên hạn chế trà, cà phê, các đồ uống có chất kích thích,… để tránh làm cơ thể thêm mệt mỏi.
Về dinh dưỡng, người bệnh cúm nên tăng cường, bổ sung các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Chăm sóc bệnh nhân cúm A nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Dùng thuốc
Nếu bệnh nhân cúm có biểu hiện sốt, khi sốt ≥ 38,5độC cần: Nới rộng quần áo, chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Sau đó uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu có sốt ≥ 38,5 độ C.
Việc uống các thuốc giảm đau không kê đơn cần phải cân nhắc. Trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau những triệu chứng gần giống cúm không nên dùng aspirin để phòng ngừa nguy cơ mắc hội chứng Reye – tình trạng tổn thương não cấp tính, gan thoái hóa mỡ sau khi nhiễm virus cấp tính.
Người bệnh cúm có thể sử dụng các loại thuốc trị cảm, thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt không kê đơn để giảm bớt một số triệu chứng khó chịu như ho, sổ mũi, nhức đầu,…
Vệ sinh
Việc vệ sinh mũi họng cần được chú ý, dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn).
Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng.
Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Hiện tại, một số chủng cúm mùa đã có vaccine, vì vậy người dân nên chủ động tiêm phòng đầy đủ
Dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc cúm
Cần chú ý ăn uống đủ chất, cần tăng cường ăn rau quả, uống nhiều nước. Khi bị cúm, cơ thể người bệnh sẽ rơi vào trạng thái mất nước vì sốt, đổ mồ hôi, ớn lạnh và kén ăn hơn nên cơ thể luôn cảm thấy háo nước, thiếu năng lượng, mệt mỏi và khó chịu. Lúc này, cần cung cấp một lượng nước nhiều hơn bình thường để đáp ứng lại sự thiếu hụt nước và năng lượng của cơ thể.
Giữ đủ nước là điều quan trọng nhất khi bị cúm, đặc biệt nếu bị sốt và đổ mồ hôi. Nước lọc là loại nước bổ sung nhanh chóng, đơn giản và dễ thực hiện nhất với người bệnh lúc này. Uống nước đủ lượng mà cơ thể cần sẽ hỗ trợ thải độc cho cơ thể, làm loãng đờm nhầy gây nghẹt mũi, khó thở và bổ sung lượng chất điện giải đã mất trong quá trình thoát chất nhầy. Ngoài nước lọc có thể uống nước hoa quả như nước dừa, nước cam, nước chanh cũng rất tốt cho bệnh nhân cúm.
Các thức ăn cho người bệnh cúm cần giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả giúp có sức đề kháng để người bệnh cúm nhanh khỏi.
Khi nào cần đến cơ sở y tế ngay?
Khi bệnh nhân cúm có những biểu hiện sau cần đưa tới ngay cơ sở y tế cụ thể như: Sốt cao liên tục ≥ 39ºC, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Xuất hiện tình trạng sốt rét run, co giật. Người bệnh mệt mỏi, mê sảng, nếu là trẻ em thì li bì, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh. Người bệnh khó thở, thở nhanh.
Tóm lại: Bệnh cúm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được phòng ngừa và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, với những biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Hãy nhớ luôn duy trì thói quen vệ sinh cá nhân, tiêm vaccine cúm định kỳ và xây dựng lối sống lành mạnh để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tránh xa bệnh cúm.