Lâm Đồng triển khai loạt chính sách mới tạo đà phát triển cho doanh nghiệp tư nhân
Lâm Đồng đang triển khai loạt chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp tư nhân, từ hạ tầng, tín dụng đến cải cách thủ tục, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.
Đòn bẩy từ quy mô mới
Việc sáp nhập giúp Lâm Đồng trở thành tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam – hơn 24.000 km², dân số gần 3,9 triệu người. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 320.000 tỷ đồng, xếp thứ 8 cả nước. Đây không chỉ là những con số mang tính hình thức, mà còn phản ánh tiềm năng to lớn về thị trường tiêu dùng, lực lượng lao động và cơ hội đầu tư, sản xuất.
Vừa qua, tại chương trình “Điểm hẹn doanh nhân 2025”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – ông Đinh Văn Tuấn khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân là động lực then chốt để Lâm Đồng bứt phá. Chính quyền cam kết tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn phát biểu, khẳng định cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chủ trương này được cụ thể hóa thông qua việc triển khai các nghị quyết lớn của Trung ương, trong đó có Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 33.000 doanh nghiệp và con số này tăng lên 78.000 vào năm 2045 – một bước nhảy vọt về số lượng và kỳ vọng về chất lượng.
Chính sách “trải thảm” cho doanh nghiệp
Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai đồng bộ tám nhóm chính sách trọng tâm, tạo nền tảng thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Một trong những ưu tiên hàng đầu là phát triển hạ tầng và mặt bằng sản xuất. Chính quyền yêu cầu mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh dành ít nhất 5% quỹ đất sạch trong các khu, cụm công nghiệp để phục vụ doanh nghiệp nhỏ và các dự án khởi nghiệp. Song song đó, tỉnh áp dụng chính sách miễn, giảm tới 30% tiền thuê đất trong vòng năm năm đầu tiên nhằm giảm gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư.
Lâm Đồng cũng chú trọng mở rộng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua việc thiết lập kênh tín dụng riêng, dành cho các startup, doanh nghiệp mới thành lập hoặc hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo. Giải pháp này nhằm khơi thông nguồn lực tài chính cho những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhưng còn hạn chế về vốn ban đầu.

Lâm Đồng hiện đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, tỉnh đặt mục tiêu rút ngắn ít nhất 30% thời gian xử lý các thủ tục đầu tư, đồng thời từng bước loại bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Việc số hóa toàn bộ quy trình cấp phép, đăng ký doanh nghiệp và kết nối liên thông giữa các cơ quan chức năng đang được đẩy nhanh, góp phần tạo môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Lâm Đồng đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý liên quan đến quy hoạch, đất đai và thủ tục đầu tư. Đây là bước đi cần thiết để huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là trong các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về dài hạn, tỉnh định hướng hình thành những doanh nghiệp đầu tàu có năng lực cạnh tranh cao, đủ sức dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Những tập đoàn này sẽ là hạt nhân trong chuỗi liên kết sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và hướng tới thị trường khu vực và quốc tế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới, tỉnh cũng tăng cường đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mục tiêu là nâng cao năng suất lao động, cải thiện kỹ năng nghề và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục, đào tạo – từ đó tạo ra lực lượng lao động đủ trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới công nghệ.
Đặc biệt, cơ chế đối thoại định kỳ giữa chính quyền và doanh nghiệp được duy trì thường xuyên, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn và tôn vinh các mô hình kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế địa phương.
Doanh nghiệp cần chuyển mình mạnh mẽ
Song song với sự hỗ trợ từ phía chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp được khuyến khích chủ động thay đổi để thích nghi và phát triển bền vững. Chính quyền tỉnh kêu gọi các hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn chuyển đổi thành doanh nghiệp chính thức, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao năng lực quản trị, phát triển thương hiệu và thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị.
Một hướng đi quan trọng khác là đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và các đối tác trong – ngoài nước. Mạng lưới liên kết chặt chẽ sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh, đồng thời mở rộng thị trường và cơ hội hợp tác.

Đại diện các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng hợp tác kết nối phát triển kinh tế. Ảnh Nguyễn Nghĩa.
Ngoài hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cũng được khuyến khích tham gia các chương trình an sinh xã hội như phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, cải thiện điều kiện sống cho người dân và đảm bảo tiếp cận bình đẳng các dịch vụ công thiết yếu.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu tiếp tục giữ vững đà này, Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện vào năm 2030 và tiến tới là thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, bản sắc vào năm 2050”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Với lợi thế quy mô, vị trí chiến lược và định hướng phát triển rõ ràng, Lâm Đồng đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế – xã hội mới của khu vực Tây Nguyên mở rộng. Sự kết hợp giữa nỗ lực cải cách từ chính quyền và tinh thần chủ động từ doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng phát triển mới.