Lâm Đồng tiến hành tinh gọn bộ máy đúng tinh thần chỉ đạo là một cuộc cách mạng
Chiều 11/12, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai việc đổi mới, sắp xếp bộ máy theo Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18–NQ/TW.
Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học - Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW; cùng các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo; Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các đồng chí Tỉnh ủy viên, trưởng, phó các Ban của Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy; giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó các sở, ngành cấp tỉnh, các đồng chí Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND, Trưởng phòng Nội vụ các huyện, thành phố, Bí thư Đảng ủy và Trưởng Ban Tổ chức các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Trưởng các phòng và tương đương các Ban của Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy...
Các đại biểu tham dự đã được nghe đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, thông tin về quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, quán triệt về kế hoạch một số nội dung định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Theo đó, để việc tổng kết gắn với các sắp xếp tinh gọn tổ chức đảng, tổ chức bộ máy đúng định hướng, bảo đảm đồng bộ với thời gian tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; trên cơ sở định hướng của Trung ương, đề xuất của các cơ quan, đơn vị, cấp ủy địa phương và thực tiễn của tỉnh; nội dung ý kiến góp ý, chỉ đạo kết luận tại Phiên họp lần thứ nhất, Ban Chỉ đạo của tỉnh báo cáo Kế hoạch một số định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Về chủ trương chung, đây là cuộc cách mạng trong Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, vì vậy khi tổ chức thực hiện cần phải quyết liệt, triệt để, đồng bộ và phát triển. Thực hiện với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, thống nhất “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Là cơ hội để sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy; sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Về mục tiêu, khi tiến hành sắp xếp, tổ chức bộ máy phải tinh gọn; cán bộ phải tinh thông, chọn đúng người, giao đúng việc. Tháo gỡ được khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đúng định hướng và tổ chức, bộ máy cần sắp xếp lại. Sắp xếp phải trên tinh thần hiệu lực, hiệu quả, chất lượng tốt nhất.
Về phạm vi, thực hiện trong tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; trọng tâm, trọng điểm là theo định hướng của Trung ương; thực tiễn của tỉnh (nhất là các đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị). Quá trình thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, thận trọng, khách quan, công bằng, khẩn trương, hiệu quả, đặc biệt là trong công tác sắp xếp cán bộ.
Về phương pháp thực hiện phải gắn chặt chủ trương, định hướng của Trung ương với thực tiễn của Lâm Đồng trong quá trỉnh thực hiện. Gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân năm 2024 với sắp xếp, kiện toàn công tác cán bộ (đánh giá đúng thực chất, bằng sản phẩm cụ thể …).
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị khi được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm về đề xuất định hướng sắp xếp; đề án (phương án) sắp xếp của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Song song với việc xây dựng đề án, phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức đảng, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có chủ trương của Trung ương. Tổ chức đảng, tổ chức bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để gián đoạn công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...
Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết, xây dựng các đề án, phương án đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đồng thời phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị sau sắp xếp…
Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm ngay công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức đảng, tổ chức bộ máy để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chế độ chính sách cho cán bộ, đảng viên trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức đảng, tổ chức bộ máy.
Sau khi nghe nội dung quán triệt, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, phát biểu ý kiến bày tỏ sự đồng tình đối với chủ trương của Trung ương và của tỉnh về công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên những băn khoăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai cho rằng: Định hướng sắp xếp rõ, cụ thể, thể hiện quyết tâm của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ. Nội dung quán triệt theo đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu, khẳng định thực sự đây là cuộc cách mạng của Đảng. Đồng chí đề xuất nên thống nhất cho các địa phương thành lập như bộ máy của tỉnh, giảm tổ chức Đảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Sau khi sắp xếp thì đề nghị HĐND, Ban Thường vụ quan tâm đến chế độ chính sách, đề xuất Trung ương nên nâng mức hỗ trợ từ 6 tháng lên 12 tháng cho số cán bộ dôi dư hoặc xin nghỉ khi sắp xếp.
Có tổng cộng 9 ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Các ý kiến cơ bản đồng tình, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và bày tỏ sự đồng thuận, triển khai thực hiện nghiêm túc theo tinh thần mà Hội nghị quán triệt đã đề ra. Đồng thời, đề xuất một số nội dung để công tác sắp xếp trong thời gian tới triển khai được thuận lợi và đúng tinh thần, đúng định hướng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: Hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí nêu lên 8 nội dung để triển khai có hiệu quả công tác quán triệt, triển khai việc đổi mới, sắp xếp bộ máy theo Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18–NQ/TW.
Trong đó, về chủ trương, đồng chí khẳng định triển khai với tinh thần “đoàn kết - thống nhất - quyết tâm”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, không chỉ ở những cơ quan, tổ chức theo gợi ý, chỉ đạo của Trung ương mà tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, địa phương. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước phù hợp với bối cảnh, thực tiễn của tỉnh Lâm Đồng. Chúng ta đang triển khai quyết liệt việc củng cố, sắp xếp đội ngũ cán bộ các cấp, mở ra một chặng đường phát triển mới cho địa phương sau thời gian khó khăn vừa qua. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng bước vào kỷ nguyên mới, mà dấu mốc mà đồng chí Tổng Bí thư đã quán triệt là bắt đầu từ năm 2026, ngay sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy nêu lên 4 mục tiêu, trong đó, nhấn mạnh: Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức ngang tầm nhiệm vụ, chọn đúng người, giao đúng việc; triển khai hết sức dân chủ, khách quan, không được để ảnh hưởng đến tâm tư, gây bức xúc, dự luận xấu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và phát sinh đơn thư. Đây là một bước sắp xếp, rà soát quan trọng chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải khắc phục cho được những bất cập, khó khăn, hạn chế… trong tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phù hợp với thực tiễn địa phương. Đây chính là lúc để củng cố, sắp xếp, kiện toàn để lựa chọn cán bộ thực sự có năng lực… hướng đến tổ chức bộ máy sau sáp nhập phải tinh, phải gọn; đội ngũ cán bộ sau sắp xếp phải tinh thông; tổ chức bộ máy, con người sau sắp xếp phải hoạt động phải hiệu lực, hiệu quả, không gián đoạn, không đứt quãng, chất lượng tốt hơn; phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp – đây là vấn đề cần quan tâm.
Về phạm vi thực hiện, xác định tất cả các cơ quan, địa phương, đơn vị đều phải rà soát, đánh giá lại tổng kết Nghị quyết 18; trọng tâm, trọng điểm là theo định hướng của Trung ương. Tuy nhiên, đối với các cơ quan, đơn vị không nằm trong diện định hướng sắp xếp của Trung ương cũng phải chủ động rà soát, xác định những khó khăn, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bố trí nhân sự, xác định rõ nguyên nhân để chủ động sắp xếp hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy lưu ý trong quá trình thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan, không áp đặt, chỉ định hướng; phải thận trọng, chắc chắn khi thực hiện sắp xếp; phải công khai, minh bạch, công tâm và công bằng…
Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Tinh thần là làm phải khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.
Về phương pháp và cách thức tiến hành, Quyền Bí thư Tỉnh ủy nêu 5 nội dung căn bản. Đó là dựa trên tinh thần nghị quyết, kết luận của Trung ương, các cơ quan sẽ rà soát, đánh giá, đề xuất phương án kiện toàn, củng cố. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo, đề xuất Trung ương. Việc đề xuất phương án phải đảm bảo khoa học, phù hợp thực tiễn; phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa Nghị quyết 18 và thực tiễn địa phương Lâm Đồng; phải gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân năm 2024 với sắp xếp, kiện toàn công tác cán bộ.
Đối với cách thức tiến hành, Quyền Bí thư Tỉnh ủy lưu ý phải quán triệt, triển khai từ tỉnh đến cơ sở, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm thực hiện quán triệt nghiêm túc Nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh về vấn đề này, từng cơ quan phải có báo cáo về Ban Chỉ đạo; từng cơ quan, đơn vị phải tổng kết Nghị quyết 18 và đề xuất phương án gửi về Ban Tổ chức Tỉnh trước ngày 20/12/2024, Tổ giúp việc sẽ xây dựng báo cáo và trình cho Ban Chỉ đạo.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy lưu ý cấp tỉnh có Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc, Cơ quan Thường trực là Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Cấp huyện, thánh phố không thành lập Ban Chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm chủ trì phối hợp người đứng đầu chính quyền thực hiện đánh giá tổng kết Nghị quyết 18 và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo của tỉnh về nhiệm vụ quan trọng này; đồng thời, các cơ quan sáp nhập phải phân công người chủ trì để thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết; thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm công tác tác sắp xếp của cơ quan, đơn vị, địa phương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ được phân công phụ trách đơn vị, địa phương nào thì chịu trách nhiệm về đơn vi, địa phương đó.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng chức năng, nhiệm vụ ở các địa bàn, cơ quan được phân công, phụ trách, theo dõi; chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp.
Trong quá trình triển khai có những vướng mắc, khó khăn, bất cập, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo; Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo; các thành viên của Ban Chỉ đạo để xem xét, giải quyết. Mọi phát sinh, cần trao đổi, hỏi ý kiến thì các đồng chí sẽ làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: Hội nghị quán triệt hôm nay hoàn toàn mang tính chất định hướng, gợi mở, chưa bắt buộc phải thực hiện theo mô hình nào, yêu cầu nào; mà từ thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương mình các đồng chí sẽ đề xuất phương án kiện toàn, sắp xếp bộ máy và tổ chức cán bộ. Rất mong từ Hội nghị này toàn hệ thống chính trị phát huy tinh thần trách nhiệm với Trung ương, trách nhiệm với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân để chúng ta tổ chức thực hiện thành công cuộc cách mạng này trên địa bàn Lâm Đồng; hướng đến mang lại hiệu quả cao nhất, tốt nhất trong kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.