Lãi suất tiết kiệm bật tăng mạnh từ đáy

Suốt quý II/2024, lãi suất huy động đã tăng mạnh và đường đua tăng lãi suất tiết kiệm ngày càng trở nên sôi động. Các dự báo cho thấy tới cuối 2024, lãi suất huy động sẽ trở lại mức trung bình trước đây.

Bật tăng từ đáy

Từ đầu quý II/2024, hàng loạt ngân hàng đã bắt đầu tăng mạnh lãi tiết kiệm ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm khởi động từ Techcombank, Sacombank, BVBank và ACB khi 4 ngân hàng tiến hành nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,1 - 0,5%/năm ngay sau Tết. Đến nửa cuối tháng 3, thị trường ghi nhận 4 ngân hàng là VPBank, Eximbank, SHB và Saigonbank điều chỉnh tăng lãi suất.

Bước ngoặt lớn nhất là đầu tháng 4, có 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Mức tăng lãi suất huy động trong tháng 4 phổ biến là 0,2 - 0,3%/năm. Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là đơn vị điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả kỳ hạn trong tháng 4 với mức tăng trung bình 0,1 - 0,9%/năm.

Trong tháng 5, có tới 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 0,1 - 0,5%/năm. Trong đó, có những ngân hàng như ABBank và VIB có 4 lần tăng lãi suất; các ngân hàng CB, SeABank, NCB, Techcombank, Bac A Bank, BVBank, PGBank và HDBank có hai lần tăng lãi suất trong tháng này.

Sang tháng 6, chỉ trong tuần đầu tiên đã ghi nhận 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức phổ biến 0,1 - 0,5%/năm, thậm chí có nơi tăng mạnh 1,6%/năm. Đây cũng là tuần có số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhiều nhất trong vòng một năm qua.

Hiện, hầu hết ngân hàng thương mại đều đã tăng lãi suất huy động với mức trung bình khoảng 30 - 100 điểm cơ bản so với vùng đáy xác nhận vào tháng 3. Xu hướng tăng mạnh chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng vừa và nhỏ ở hầu hết kỳ hạn. Còn nhóm ngân hàng lớn chỉ điều chỉnh tăng nhẹ ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Mức lãi suất từ 5%/năm ngày càng xuất hiện dày đặc trên biểu lãi suất của các ngân hàng, đặc biệt tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Các kỳ hạn tiền gửi vốn đã được ngân hàng niêm yết mức lãi suất trên 5%/năm thì nay đã gần hơn với mức 6%/năm. HDBank, OCB và OceanBank đang dẫn đầu thị trường ở các kỳ hạn dài với lãi suất 6-6,2%/năm.

Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, VietinBank là ngân hàng duy nhất hiện duy trì mức lãi suất tiết kiệm 5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng. Vietcombank, Agribank và BIDV đều đang niêm yết lãi suất huy động dưới 5%/năm ở các kỳ hạn. Thậm chí, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 3 tháng tại Vietcombank và Agribank còn được niêm yết dưới 2%/năm.

Theo giới phân tích, động thái "quay xe" của lãi suất tiết kiệm đến từ việc tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây khá nhanh trong khi nguồn huy động lại giảm. Đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,41%, trong khi 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm. Tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, nhất là khi hạn mức tín dụng cả năm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết quý I/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.

Trong quý I/2024, giá các tài sản như vàng, chứng khoán và bất động sản đều tăng mạnh. Điều này khiến người dân đổ tiền dư thừa vào các tài sản tài chính thay vì tiền gửi ngân hàng, trong tương quan so sánh giữa lãi suất huy động với lợi tức từ đầu tư. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động nhằm tăng sức cạnh tranh và thu hút nguồn vốn từ dân cư.

Thực tế, dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại hệ thống ngân hàng. Theo thống kê của NHNN, tiền gửi dân cư đã hồi phục từ tháng 2, đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng đầu năm.

Trong tháng 1, tiền gửi của dân cư đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm hơn 34.600 tỷ đồng, tương đương giảm 0,53%. Đây là lần đầu tiên lượng tiền gửi của người dân giảm trong vòng hơn 2 năm qua. Trước đó, từ cuối năm 2021, dòng tiền gửi của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng, trung bình hơn 50.000 tỷ đồng/tháng.

Hơn nữa, lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng. Từ đầu năm đến nay, đồng VND đã mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm 2024. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, nhận định lãi suất tăng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá. Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô, cụ thể là tỷ giá tăng và lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác. Do đó, việc tăng lãi suất này chắc chắn sẽ là xu hướng dài hạn.

Bao giờ trở lại đỉnh cũ?

Theo nhiều dự báo, mức tăng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ không lớn. Lãi suất sẽ nhích dần lên theo từng quý. Thời điểm cuối 2024, lãi suất huy động có thể trở lại mức trung bình trước đây.

Chứng khoán MB (MBS) cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 0,5-0,7%, quay về mức 5,1-5,3%/năm trong nửa sau năm 2024. Còn UOB dự báo lãi suất huy động còn xu hướng tăng từ nay đến cuối năm 2024, với mức tăng 0,5-1%. Công ty Chứng khoán SSI cho hay, lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, trong 6 tháng cuối năm 2024, lãi suất của các ngân hàng cho vay sẽ tăng lên, khiến cho lãi suất huy động tăng theo. Với khoảng thời gian còn lại của năm 2024, dự báo lãi suất huy động sẽ tăng tối đa 1% tùy kỳ hạn.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5-1% từ vùng đáy. Còn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn, chỉ khoảng 0,5 - 1%. Và đà tăng lãi suất huy động như hiện nay, một cuộc chạy đua lãi suất huy động toàn thị trường là điều khó xảy ra. Dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.

Lãi suất huy động đi lên khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sớm tăng trở lại. Tuy nhiên, gần đây, dù lãi suất gửi tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Hiện lãi suất cho vay của một số gói tín dụng chỉ 2,5 - 3%/năm cho vay ngắn hạn và 5-6%/năm cho vay trung - dài hạn.

Các ngân hàng cho biết, dù lãi suất tín dụng đã ấm dần nhưng so với nhiều năm trước vẫn chậm và chưa đạt kế hoạch. Chính các ngân hàng cũng phải chịu áp lực cạnh tranh cho vay. Vì vậy, các ngân hàng muốn tăng lãi suất cho vay ở thời điểm này cũng không dễ. Hơn nữa, NHNN lại đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. NHNN vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí nhằm giảm 1 - 2% lãi suất cho vay.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong nửa sau của năm 2024, hoạt động tín dụng sẽ trở nên sôi động hơn, khi đó lãi suất cho vay có thể tăng trở lại, cùng nhịp tăng với lãi suất huy động.

Minh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/lai-suat-tiet-kiem-bat-tang-manh-tu-day-d112385.html
Zalo