Lãi suất huy động tăng: Chưa lo lãi suất cho vay tăng theo

Trong khi tăng trưởng tín dụng còn thấp nhưng lãi suất huy động đồng loạt tăng đã khiến thị trường, đặc biệt các doanh nghiệp, quan ngại lãi suất cho vay tăng theo, sẽ càng khó tiếp cận vốn, ngân hàng cũng khó đẩy vốn ra nền kinh tế.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

Cụ thể, ABBank tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6%/năm; OCB tăng lãi suất kỳ hạn 36 tháng lên cao nhất là 6%/năm; NCB, OceanBank và HDBank có mức lãi suất kỳ hạn 18 tháng cao nhất lên đến 6,1%/năm… Không chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM) tư nhân, hiện các NHTM Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) cũng đang có mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng 4,98%/năm (đầu tháng 4-2024 là 4,68%/năm).

 Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi. Ảnh: MINH HUY

Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi. Ảnh: MINH HUY

Theo thống kê từ các công ty chứng khoán, mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,3%-0,5% trong quý 2-2024 và dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng trong quý 3, 4-2024. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, khó tạo ra “cuộc đua” lãi suất tiền gửi trên toàn thị trường và kỳ vọng cả năm 2024 lãi suất có thể tăng 0,5%-1%. Giám đốc Chiến lược Dragon Capital Lê Anh Tuấn cũng cho rằng, áp lực tỷ giá là một trong các yếu tố khiến các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,5%-1,5%/năm trong thời gian còn lại của năm. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 5%. Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá, chính sách tiền tệ sẽ được cơ quan quản lý duy trì tình trạng nới lỏng và mặt bằng lãi suất huy động thời gian tới chỉ thay đổi từ mức cực thấp sang mức thấp chứ chưa có gì đáng lo.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm tăng vì các NHTM phải chuẩn bị thanh khoản đón đầu cầu tín dụng tăng trong các quý còn lại của năm. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến giữa tháng 6-2024, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Mặc dù tăng trưởng tín dụng chưa cao nhưng tốc độ tăng trưởng cải thiện dần qua các tháng và doanh số tín dụng của các ngân hàng cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn so với cùng kỳ của 3 năm trước.

Tính từ đầu tháng 6-2024 đến nay, đã có hơn 20 NHTM tăng lãi suất tiền gửi. Sau khi lãi suất tiết kiệm chạm đáy quanh 4% vào tháng 3-2024, hiện trên thị trường đã xuất hiện mức lãi suất hơn 6%/năm tại một số NHTM.

Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Mặc dù tín dụng đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều NHTM có mức tăng trưởng tín dụng âm trong 6 tháng đầu năm. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm, NHNN đã đề nghị các NHTM tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Tuy nhiên, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi đã tăng, thị trường lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo trong thời gian tới.

Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup, cho rằng, diễn biến lãi suất huy động tăng trở lại không có nhiều bất ngờ vì đã được giới chuyên môn dự báo từ cách đây 3-6 tháng và sẽ chỉ tăng khoảng 0,5%-1%/năm, sau đó duy trì hoặc giảm vào năm sau.

Tuy nhiên, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động. Theo ông Trần Ngọc Báu, lãi suất duy trì thấp quá lâu sẽ để lại những hệ lụy cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế về sau, nên giải pháp phù hợp là tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đa kênh hơn; đảm bảo sự ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ và tỷ giá. Còn về việc gây sức ép lên hệ thống ngân hàng để lãi suất cho vay không tăng sẽ có thể để lại hậu quả là ngân hàng cho vay chậm lại và bóp méo cơ chế thị trường.

 Khách hàng giao dịch tại ABBank Ảnh: MINH HUY

Khách hàng giao dịch tại ABBank Ảnh: MINH HUY

Về phía các NHTM, ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở Ngân hàng Shinhan Việt Nam, cho biết, nền kinh tế trong nước đã dần khởi sắc trong quý 2-2024, nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đã dần tăng. “Xu hướng lãi suất cho vay khả năng sẽ duy trì mức thấp hiện nay ít nhất đến quý 4-2024 nhằm kích thích cầu vốn tín dụng của khách hàng trở lại các quý tới. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng nói chung và Shinhan Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm duy trì lãi suất cho vay thấp để đẩy vốn ra hỗ trợ nền kinh tế trong những tháng cuối năm”, ông Lâm cho hay.

Lãnh đạo một NHTM vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất hấp dẫn cũng cho biết: “Nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn tương đối yếu nên để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong 2 quý còn lại của năm, ngân hàng sẽ khó tăng lãi suất cho vay vì phải đảm bảo lãi suất cạnh tranh nhằm hấp dẫn các doanh nghiệp vay”.

Trong khi đó, đại diện VietinBank cho rằng, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã 8 lần giảm lãi suất cho vay và hiện có những khách hàng được cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. VietinBank sẽ cố gắng tối đa duy trì mức lãi suất thấp để tiếp tục hỗ trợ tín dụng hiệu quả cho doanh nghiệp và cá nhân trong thời gian tới. Lãnh đạo Agribank cũng thông tin, thời gian tới, Agribank tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Trong đó, tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng, qua đó cũng giúp ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

HẠNH NHUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lai-suat-huy-dong-tang-chua-lo-lai-suat-cho-vay-tang-theo-post747470.html
Zalo