Lãi suất giảm nhanh, tín dụng lại tăng chậm

Đầu tháng 6, thêm nhiều ngân hàng thực hiện tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm. Tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại nhưng chưa như kỳ vọng dù lãi suất cho vay đã giảm.

Đồng loạt công bố giảm lãi suất

Một số ngân hàng mới đây đã công bố lãi suất cho vay bình quân mới giải ngân trong tháng 5 ở mức giảm nhẹ so với tháng trước. Vietcombank công bố lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 5 giảm 0,2% so với tháng trước đó, ở mức 5,9%/năm, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng giảm từ 3,3%/năm về 3,2%/năm và chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn từ 1,6%/năm về 1,5%/năm.

Hoạt động nghiệp vụ tại VPBank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Việt Dũng

Hoạt động nghiệp vụ tại VPBank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Việt Dũng

VietinBank giảm lãi suất cho vay bình quân chung còn 6,1%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bình quân chỉ còn 2,4%/năm. Tại Agribank, lãi suất cho vay bình quân giảm còn 7,26%/năm, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay đưa về 1,43%/năm.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, OCB vừa công bố lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân giảm từ 7,98%/năm xuống 7,76%/năm. Sacombank có lãi suất cho vay bình quân tháng 5 giảm từ 7,63%/năm xuống còn 7,53%/năm.

VIB áp dụng giảm lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân từ 7,47%/năm xuống còn 7,33%/năm, khách hàng DN từ 6,98%/năm xuống 6,34%/năm, chênh lệch huy động và cho vay bình quân 3,47%/năm.

Lãi suất cho vay bình quân giảm trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Lãi suất tiết kiệm từ tháng 5 đến nay đã đồng loạt tăng ở các ngân hàng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng trong quý I/2024 đã giảm xuống 3,4% từ mức 3,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng giảm NIM hiện tại chủ yếu do tăng trưởng tín dụng thấp và việc các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là khách hàng DN, vốn đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền và thanh khoản. Theo ước tính NIM của 27 ngân hàng thương mại niêm yết, có hơn 15 ngân hàng giảm NIM so với quý IV/2023, trong khi phần còn lại có NIM tăng nhẹ.

Doanh nghiệp vẫn mong vay vốn dễ hơn

Thời điểm này, nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm so với mức lãi suất thông thường và cùng kỳ năm trước. Nhóm ngân hàng Big 4 cũng triển khai gói vay vốn mua nhà ở và phục vụ sản xuất kinh doanh cho các khách hàng cá nhân, DN vừa và nhỏ.

"Chúng tôi đang vay ngân hàng lãi suất bình quân là 3,3 - 3,5%, lãi suất USD là từ 3,5 - 3,8%. Chi phí vốn vay ngân hàng rất rẻ, đấy cũng là một trong các tiền đề mà các DN khi đã có đơn hàng thì có thể mạnh dạn làm lớn mà xuất khẩu" - Tổng Giám đốc Công ty CP Prosi Thăng Long Đỗ Thị Mai Dung chia sẻ.

Dù được vay với lãi suất ưu đãi nhưng bà Mai Trang - Giám đốc Công ty Sơn Trang chuyên về dệt may cho biết, DN mong muốn lãi suất duy trì ổn định để tính toán bài toán kinh doanh. Ngược lại, nếu lãi suất chỉ thấp trong một thời gian ngắn rồi "giật cục" sẽ rất khó cho DN.

Chị Nguyễn Thu Hồng (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, nếu lãi suất chỉ thấp trong thời gian ưu đãi rồi đến kỳ điều chỉnh lại tăng, rất khó cho người vay khi tính kế hoạch tài chính.

Trong khi đó, một số DN vừa và nhỏ kinh doanh lĩnh vực thực phẩm cho biết, vẫn khó tiếp cận được vốn tín dụng, do cạn tài sản để thế chấp. TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay, qua tiếp xúc với nhiều DN được biết, họ vẫn khó tiếp cận vốn, trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận DN.

“Tuy nhiên, lý do nhiều DN nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số các DN có khó khăn về tài sản bảo đảm, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém” - ông Mạc Quốc Anh nói.

Theo GS.TS Phạm Thị Thanh Xuân - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế - Luật, lãi suất trên thị trường đã thấp nhưng cần duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế, nhất là khi nền kinh tế đã bước vào pha phục hồi.

Vị chuyên gia cũng lý giải, các ngân hàng đều đưa ra lưu ý các mức lãi suất trên mang tính chất tham khảo. Mức lãi suất cho vay thực tế được áp dụng cho mỗi khách hàng và phụ thuộc vào mức độ rủi ro, năng lực tài chính và tài sản bảo đảm.

Room dư thừa, tín dụng vẫn nghẽn

Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng cần tăng cường thúc đẩy số hóa, thiết kế các sản phẩm phù hợp với từng đối tượng và nắn dòng tín dụng vào các lĩnh vực đang là động lực tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam

Theo số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đến ngày 20/5 chỉ mới tăng 2,41% so với đầu năm, xấp xỉ số tuyệt đối là 327.000 tỷ đồng. Như vậy, tín dụng đã tăng trưởng trở lại sau khi ghi nhận giảm trong 2 tháng đầu năm. Nhưng nếu so sánh với mức tăng trưởng 1,34% đạt được vào cuối quí I, có thể thấy gần hai tháng qua tín dụng chỉ tăng thêm chưa đến 1,1%, tương đương với gần 145.200 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, hệ thống ngân hàng rất muốn cho vay, lãi suất cho vay hiện nay tốt hơn rất nhiều so với cách đây 1 năm.

Bình quân mức cho vay sàn khoảng 3%/năm. Sức cầu tiêu dùng, bởi tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 20% tổng tín dụng. Điển hình, với lĩnh vực cho vay bất động sản, cho vay kinh doanh lĩnh vực này chiếm 35%; cho vay mua nhà, sửa nhà chiếm khoảng 62%, nhưng thời gian qua cho vay mua, sửa nhà chỉ tăng có 1,1%.

Theo ông Lực, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của bên đi vay vốn như: tài sản đảm bảo, năng lực tài chính, chứng minh khả thi của dự án… sẽ suy giảm. Trong khi bản thân các ngân hàng khi nợ xấu tăng lên sẽ thận trọng cho vay hơn. Vì vậy cả về phía cung và cầu đều có rào cản nhất định.

Lãnh đạo 1 số ngân hàng cổ phần chia sẻ, luôn mong muốn được phục vụ những DN có phương án kinh doanh khả thi, báo cáo tài chính minh bạch và lành mạnh bảo đảm các khoản vay không bị biến thành nợ xấu. Các ngân hàng đang tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, DN có dòng tiền, có doanh thu để tăng cung ứng vốn chất lượng ra nền kinh tế.

NHNN mới đây có Văn bản 4462/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.

Cụ thể, bên cạnh mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% theo định hướng của Chính phủ, cơ quan này yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng và phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5-6%.

Mục tiêu không dễ trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng hơn là phải đẩy nhanh cải cách các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn vay vốn đầu tư.

Với các hoạt động cho vay, cần phải nhanh chóng cải cách các điều kiện tín dụng, hạn chế dần việc cho vay mà chỉ nhìn vào tài sản bảo đảm. Phát triển tài chính vi mô, các khoản vay nhỏ lẻ để hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh. Đại diện các Hiệp hội DN và DN đều bày tỏ mong muốn các ngân hàng nghiên cứu cơ chế cho vay tín chấp phù hợp hoặc cho vay dựa theo phương án kinh doanh khả thi cho họ được thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn.

Để đẩy nhanh hơn nguồn vốn tín dụng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực, việc tiếp tục đề xuất và áp dụng các giải pháp kích cầu là cần thiết, cùng với đó là giải pháp giảm thuế, phí. Bộ Tài chính đã đề xuất việc giảm thuế giá trị gia tăng đến cuối năm 2024 và giảm một số loại phí nhưng yếu tố có thể tác động ngay đến kích cầu là giảm thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa được xem xét. Việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ.

TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lai-suat-giam-nhanh-tin-dung-lai-tang-cham.html
Zalo