'Lá chắn' bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Ngày nay, trẻ em sớm tiếp cận, sử dụng mạng xã hội (MXH) để tìm hiểu kiến thức, phục vụ học tập, vui chơi giải trí. Bên cạnh mặt tích cực thì không gian mạng cũng tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực. Để trẻ sử dụng MXH an toàn, cha mẹ cần quan tâm giám sát, có biện pháp bảo vệ con trẻ.

Mối nguy tiềm ẩn

Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng MXH, chiếm hơn 79% dân số cả nước. Có 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 và 93% trẻ em từ 14-15 tuổi tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối Internet. Tham gia MXH, bên cạnh mặt tích cực như tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích hay tương tác phục vụ học tập, mở mang kiến thức, trẻ em đối diện với không ít nguy cơ. Riêng từ đầu năm đến nay, liên quan đến việc trẻ em sử dụng MXH, Công an tỉnh đã khởi tố 9 vụ, 14 bị can với các tội: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, xâm hại tình dục trẻ em, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của trẻ em, gây rối trật tự công cộng. Cùng đó cảnh cáo, nhắc nhở, răn đe 3 cá nhân có hành vi đăng tải nội dung gây ảnh hưởng đến trẻ em trên MXH.

 Vợ chồng anh Nguyễn Chí Cao, thôn Kỳ Sơn, xã Song Vân (Tân Yên) khuyến khích con đọc sách để hạn chế sử dụng mạng xã hội. Ảnh: ĐÀO QUANG PHƯƠNG.

Vợ chồng anh Nguyễn Chí Cao, thôn Kỳ Sơn, xã Song Vân (Tân Yên) khuyến khích con đọc sách để hạn chế sử dụng mạng xã hội. Ảnh: ĐÀO QUANG PHƯƠNG.

Đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết: Các vụ việc xảy ra chủ yếu với những hành vi như: Thông qua mạng xã hội, kẻ xấu kết bạn, làm quen, dụ dỗ quan hệ, xâm hại tình dục trẻ em; thực hiện các hành vi như: Đánh đập, xé quần áo nơi công cộng... rồi quay và đăng tải lên MXH; xâm phạm quyền riêng tư; đăng tải, truyền bá các loại văn hóa phẩm đồi trụy, các thông tin xấu độc cổ súy lối sống buông thả, bạo lực, tệ nạn trong học đường. Đơn cử như tháng 3/2024, nhóm học sinh một trường THCS tại huyện Lục Nam đánh nhau. Một học sinh dùng điện thoại quay lại và đăng lên facebook thu hút nhiều lượt xem, tương tác, bình luận gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em.

Nghe lời rủ rê trên mạng, một nữ sinh 15 tuổi ở xã Vĩnh An (Sơn Động) bỏ nhà lên Lạng Sơn tìm việc song không được tuyển nên tạm thời xin vào làm tại quán karaoke. Gia đình phải mất nhiều công sức tìm kiếm để đưa con về. Trước đó, năm 2022, 4 nữ sinh tuổi từ 14 đến 16 ở xã Tiến Dũng (Yên Dũng) lên MXH tìm kiếm việc làm trong dịp hè. Một đối tượng không quen biết nhắn tin hứa tìm việc cho các nữ sinh trong miền Nam. Điều kiện đối tượng này đưa ra chỉ cần biết sử dụng máy tính, được bố trí công việc với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt sẽ trả cao hơn. Không biết cạm bẫy đang giăng sẵn, 4 nữ sinh rủ nhau đi khỏi nhà. Rất may, công an các địa phương phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý vụ việc, nếu không những nữ sinh có thể bị đưa sang Campuchia phục vụ mục đích xấu.

Những thông tin, hình ảnh bạo lực, ứng xử thiếu văn hóa trên MXH sẽ tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm, đạo đức, tinh thần của trẻ; hình thành thói quen không tốt. Do hiếu kỳ, trẻ em dễ bị rủ rê, lôi kéo vào tệ nạn xã hội, hút thuốc lá điện tử, sử dụng ma túy và chơi cờ bạc. Hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện nhiều trang web, ứng dụng cho phép người chơi dễ dàng tiếp cận. Các ứng dụng này được quảng cáo tràn lan trên MXH kèm theo những lời mời hấp dẫn. Thanh thiếu niên, học sinh dễ bị rơi vào những canh bạc online dẫn đến nợ nần, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới việc học tập.

Gia đình định hướng, giám sát

Thực tế hiện nay, không ít bậc cha mẹ bận rộn công việc hoặc nuông chiều để con tự do sử dụng MXH mà không hướng dẫn, quản lý. Vì vậy, một số em truy cập vào các trang, các kênh thông tin không lành mạnh, trò chơi bạo lực...

 Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Đồng Tâm (Yên Thế) hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn.

Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Đồng Tâm (Yên Thế) hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn.

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và kỹ năng cho các bậc cha mẹ, trẻ em trong sử dụng MXH. Qua đó từng bước góp phần bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng; có giải pháp hỗ trợ phù hợp giúp trẻ em phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ MXH.

Cùng với cơ quan chức năng và địa phương, gia đình chính là “lá chắn” quan trọng nhất giúp trẻ chống lại những cạm bẫy trên không gian mạng. Theo bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, khi con ở lứa tuổi học sinh, cha mẹ cần có kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn giúp trẻ hiểu về những mặt trái để các em sử dụng MXH hiệu quả, an toàn. Đặc biệt, phụ huynh nên nêu gương, bám sát tâm lý con em để hỗ trợ, định hướng cho trẻ vượt qua những cám dỗ trên không gian mạng. Trong thời đại công nghệ số, không thể cấm trẻ em tham gia vào MXH bởi như vậy sẽ hạn chế trẻ tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, mỗi phụ huynh cần đồng hành, thể hiện vai trò tích cực trong việc chia sẻ và giáo dục con em mình khi tham gia MXH.

Xác định vai trò quan trọng của gia đình, chị Nguyễn Thị Hiền, xã Đồng Tâm (Yên Thế) chia sẻ: "Tôi quy định thời gian con sử dụng MXH trong mỗi ngày, mỗi tuần hợp lý để cân bằng với việc học cũng như các hoạt động thể chất khác. Đồng thời hướng dẫn con lựa chọn nội dung bổ ích, lành mạnh để xem".

Nhiều ý kiến cho rằng, cha mẹ cần giám sát việc sử dụng MXH của trẻ, nội dung tìm kiếm, ứng dụng sử dụng và mối quan hệ của trẻ. Thường xuyên kiểm soát lịch sử tra cứu của con trên MXH để kịp thời phát hiện, ngăn chặn trẻ tiếp cận với nội dung xấu; cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung xấu, độc, không phù hợp với trẻ em. Tích cực phối hợp với nhà trường, đơn vị chức năng định hướng, tạo cho trẻ những kỹ năng cần thiết khi sử dụng MXH.

Khuyến cáo con không truy cập vào các đường dẫn lạ, những nội dung không lành mạnh, trò chơi bạo lực; không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân, gia đình và kết bạn, giao lưu với người lạ trên MXH. Cha mẹ quan tâm, gần gũi để con em mạnh dạn chia sẻ, trò chuyện, nếu xảy ra những sự việc tiêu cực liên quan đến MXH sẽ kịp thời có biện pháp tháo gỡ, động viên, giúp đỡ và bảo vệ trẻ.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/la-chan-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-072858.bbg
Zalo