Kỳ vọng về cuốn lịch sử Quốc hội hấp dẫn
Việc biên soạn cuốn sách 'Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026)' không chỉ là nhiệm vụ khoa học chính trị quan trọng, mà còn mang kỳ vọng lớn lao về một tác phẩm vừa bảo đảm tính chính xác, khoa học, vừa phản ánh được bức tranh sinh động, đầy tinh thần đổi mới của Quốc hội trong 15 năm qua.
Thể hiện tầm nhìn, trách nhiệm của lãnh đạo Quốc hội
Tiếp nối 4 tập trước, sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V mang sứ mệnh tổng kết hành trình hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong ba Khóa XIII, XIV và XV. Đây không chỉ là công trình khoa học đơn thuần mà thể hiện tầm nhìn, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo Quốc hội. Như nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc tại Hội thảo góp ý dự thảo sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026)" sáng 11/7: “Việc tổng kết lịch sử để rút ra bài học kinh nghiệm đã là một nếp tốt đẹp, thể hiện ý thức từ rất sớm của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhớ thời điểm năm 1946, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Tổng Bí thư Trường Chinh đã yêu cầu làm ngay một bộ sử về Cách mạng tháng Tám để nêu ra bài học lúc bấy giờ. Tôi thấy tinh thần ấy một lần nữa thể hiện rất rõ ở lần này”.

Sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V" được kỳ vọng phải thể hiện được hơi thở thời đại, phản ánh sự đổi mới của Quốc hội trong 15 năm qua. Ảnh: Phạm Thắng
Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ, việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026) là sự tiếp tục ghi nhận và khẳng định đóng góp của Quốc hội đối với đất nước. “Nhìn lại lịch sử, riêng với ba Khóa XIII, XIV, XV, Quốc hội Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí và liên tục đổi mới để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, với niềm tin của Đảng và nhân dân”, PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ nhận định.
Khẳng định giá trị và sự cần thiết của cuốn sách, tuy nhiên làm thế nào để ấn phẩm thực sự sinh động, hấp dẫn, thể hiện hơi thở thời đại, phản ánh sự đổi mới của Quốc hội... là điều không dễ. Các chuyên gia cho rằng, cốt lõi là phải nắm bắt và thể hiện được cái "hồn", sự khác biệt trong mỗi nhiệm kỳ Quốc hội. Từ kinh nghiệm làm đại biểu Quốc hội các Khóa XI, XII, XIII, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội), GS.VS.TS Đào Trọng Thi thấy rõ bước đổi mới của Quốc hội.

GS.VS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) góp ý dự thảo sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026)”. Ảnh: Hồ Long
“Trước đó, các hoạt động được triển khai gắn với kế hoạch chuẩn bị rất kỹ, có lộ trình rõ ràng. Để thông qua một dự thảo luật phải trải qua rất nhiều năm, nhiều dự án luật bị chuyển từ khóa này sang khóa kia, thậm chí như Luật Nhà giáo trải qua 4 - 5 khóa Quốc hội… Quốc hội Khóa XIII, tinh thần đổi mới trở nên mạnh mẽ. Đến Quốc hội Khóa XIV, XV, đổi mới thực sự quyết liệt, không có trì trệ, không có độ lùi, nhiều kỳ họp bất thường/kỳ họp không thường lệ được tổ chức xuất phát từ yêu cầu thực tế… Đặc biệt Quốc hội Khóa XV với phong cách làm việc khẩn trương, hiệu quả, đúng tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng. Cuốn sách phản ánh được sự khẩn trương, quyết liệt ấy sẽ cho thấy rõ tiến trình phát triển của Quốc hội”, GS.VS.TS. Đào Trọng Thi chỉ ra.
Nắm bắt cái “hồn” của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội
Nắm bắt được tinh thần của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội là một thách thức, làm thế nào để thể hiện cái "hồn" đó một cách hấp dẫn cũng thách thức không kém. Với kinh nghiệm 4 nhiệm kỳ liên tiếp làm đại biểu Quốc hội (Khóa XI, XII, XIII, XIV), nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, viết về lịch sử Quốc hội Việt Nam không nên bó trong khuôn khổ kỳ họp mà cần mở rộng ra những câu chuyện bên lề nhưng thể hiện dấu ấn đặc biệt của Quốc hội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội 4 khóa (từ Khóa XI đến Khóa XIV) cho rằng, viết lịch sử Quốc hội Việt Nam cần mở rộng ra những câu chuyện bên lề nhưng thể hiện dấu ấn đặc biệt của Quốc hội Ảnh: Hồ Long
“Như câu chuyện Quốc hội khóa XIII có trụ sở Quốc hội mới. Bấy giờ, chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội đã có đấu tranh rất lớn gắn với việc xây dựng trên nền di sản Hoàng thành Thăng Long, nhưng chúng ta đã giải quyết rất tốt, hài hòa mối quan hệ giữa tạo lập kiến trúc hiện đại của Nhà Quốc hội với phát huy di sản. Kể cả câu chuyện liên quan đến lãnh đạo Quốc hội các nhiệm kỳ, gắn với phong cách điều hành khác nhau cũng ảnh hưởng đến cách thức sinh hoạt Quốc hội, tạo ra hiệu quả mới… Các yếu tố ấy nếu phản ánh phù hợp sẽ làm cho cuốn sách lịch sử sống động, hấp dẫn hơn”, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Trần Đức Cường nêu thêm: sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V sẽ sinh động hơn nếu lồng ghép được hơi thở nghị trường với những cuộc thảo luận sôi nổi, đa chiều về các vấn đề nóng, mang tính chiến lược như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…
“Cách đây vài năm, một học giả nước ngoài nói với tôi rằng, không biết đến bao giờ họ mới thấy hình ảnh đại biểu Quốc hội nước họ chất vấn từ Bộ trưởng đến Thủ tướng Chính phủ, công khai trên truyền thông cả nước… Từ những chi tiết như vậy, qua cuốn sách để thấy Quốc hội Việt Nam có tính dân chủ, minh bạch rất cao, một Quốc hội gần dân và thực sự năng động”, PGS.TS. Trần Đức Cường nói.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Việt Nga góp ý, từng khóa Quốc hội cần nghiên cứu viết kỹ hơn, nêu bật tình hình trong nước, quốc tế tác động đến hoạt động của Quốc hội Ảnh: Thái Minh
Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Việt Nga, công việc viết sử từ trước đến nay chưa bao giờ dễ dàng, viết về lịch sử Quốc hội càng khó vì phải rất khoa học nhưng lại phải thể hiện được đặc trưng của Quốc hội. “Về tổng thể, dự thảo cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu, kết cấu tương đồng với các cuốn lịch sử Quốc hội đã xuất bản cũng như nêu bật đặc điểm của từng khóa. Tuy nhiên, cần nghiên cứu viết kỹ hơn bối cảnh của từng khóa, vì 3 nhiệm kỳ Quốc hội XIII, XIV, XV, bối cảnh trong nước, quốc tế chuyển biến liên tục, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen”.