Kỳ vọng 'bức tranh mới' tươi sáng cho các khu công nghiệp sau tái cấu trúc

Nhìn từ sức hút mới trong phát triển khu công nghiệp tại Tp.HCM sau sáp nhập, đến việc chuyển mình 'đón sóng' đầu tư, có thể kỳ vọng vào 'bức tranh mới' tươi sáng cho các khu công nghiệp trên cả nước. Giữa bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng và sau sáp nhập tỉnh thành, việc tái cấu trúc khu công nghiệp theo nhu cầu thực tế là rất cần thiết, cũng như nỗ lực nắm bắt các cơ hội từ những lợi thế vốn có.

Tại hội thảo bàn về phát triển khu công nghiệp tại Tp.HCM hôm 17/7, ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp.HCM, cho biết sau sáp nhập, Tp.HCM mới hiện nay có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha.

Từ sức hút mới ở Tp.HCM sau sáp nhập…

Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Tp.HCM sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia.

Các khu vực thuhút dòngvốn FDI mạnh như Tp.HCM sau sáp nhậpcó thể tiếp tục mở rộng hoặc tái cấu trúc khu công nghiệp theo nhu cầu thực tế, tối đa lợi ích các khu vực có sức hút đầu tư cao.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, các khu chế xuất và khu công nghiệp Tp.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20 tỷ USD đến 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 triệu USD/ha đến 10 triệu USD/ha; giải ngân 70% tổng vốn đầu tư đăng ký theo tiến độ.

“Chúng tôi tập trung thu hút 4 ngành công nghiệp chủ lực, tập trung phát triển các phân khúc có hàm lượng công nghệ cao và giá trị tăng trưởng lớn, thân thiện môi trường; các ngành công nghiệp tiềm năng và các ngành công nghiệp mới, có tính chiến lược như: điện tử - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghiệp môi trường”, ông Hà thông tin.

Còn theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS, sau sáp nhập các địa phương cũ là Tp.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành Tp.HCM mới đang tạo ra lợi thế kết nối mạnh các trục: cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, vành đai 3-4, QL51, cảng Cái Mép – Tân Cảng Cát Lái. Bên cạnh đó là việc hình thành vùng công nghiệp – hậu cần – xuất khẩu xuyên tỉnh miền Nam, trong đó cảng Cái Mép Thị Vải trở thành cửa ngõ chính xuất khẩu cho toàn cụm.

Không chỉ vậy, việc sáp nhập này còn tối ưu chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp. Nếu như địa bàn Tp.HCM trước đây không còn chỉ tiêu phát triển khu công nghiệp thì có thể chuyển dự án sang địa bàn Bình Dương (cũ) hay Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ).

Mặt khác, sau sáp nhập càng tạo động lực cho các đơn vị mạnh hơn tăng cường đầu tư các dự án hạ tầng kết nối đến các đơn vị yếu hơn. Điều đó tránh được tình trạng dự án giao thông dừng ở ranh giới hành chính. Nhờ vậy tăng hiệu quả vận hành logistics, cảng, và chuỗi cung ứng giữa các khu công nghiệp phân tán trước đây.

Ngoài ra, sau khi sáp nhập, chỉ tiêu khu công nghiệp được tính gộp toàn vùng, tạo dư địa linh hoạt hơn. Các khu vực thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh (như Tp.HCM sau sáp nhập) có thể tiếp tục mở rộng hoặc tái cấu trúc khu công nghiệp theo nhu cầu thực tế, tối đa lợi ích các khu vực có sức hút đầu tư cao, đặc biệt các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp cung ứng xoay quanh các “Queen bee” (những nhà đầu tư lớn). Hơn thế nữa, đó là việc giảm chồng chéo thủ tục, nhà đầu tư không còn “kẹt giữa 2 địa bàn” khi làm thủ tục đầu tư.

Bên cạnh đó, như thông tin từ bà Cao Xuân Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), sau khi sáp nhập, Tp.HCM mới sở hữu đồng thời các năng lực tài chính, thương mại của trung tâm quốc gia, động lực công nghiệp tiên tiến từ Bình Dương và hệ sinh thái logistics cảng biển cùng với tiềm năng nông nghiệp và du lịch biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Sự hội tụ này có thể tạo ra chuỗi giá trị nội vùng khép kín từ sản xuất, logistics, tài chính đến tiêu dùng và dịch vụ, giúp giảm chi phí giao dịch và gia tăng năng lực cạnh tranh của toàn vùng”, bà Vân phân tích.

Tuy vậy, Phó giám đốc ITPC cũng chỉ ra thách thức trước khác biệt về cấu trúc kinh tế, trình độ phát triển hạ tầng và văn hóa quản trị giữa ba địa phương cũ có thể gây khó khăn trong xây dựng chiến lược thống nhất và hiệu quả. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần dung hòa các ưu tiên phát triển, nhất là trong phân bổ đầu tư công, quản lý đất đai và kết nối hạ tầng, sẽ cần một cơ chế điều phối vùng linh hoạt và hiệu quả.

…Đến chuyển mình “đón sóng” đầu tư

Xét về triển vọng phát triển của các khu công nghiệp trong cả nước trong thời gian tới, giới chuyên gia nhấn mạnh ở việc chuyển mình “đón sóng” đầu tư. Trong đó, một trong những yếu tố trọng yếu giúp Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới là chiến lược Trung Quốc +1 (các DN đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng các lợi thế về chi phí và môi trường kinh doanh).

Song song đó, hạ tầng phát triển cũng là một yếu tố quan trọng. Cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ giúp nâng cao giá trị khu công nghiệp. Hơn nữa, xét về chính sách hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và các biện pháp khuyến khích khác để thu hút FDI.

Cũng nên nhắc thêm, theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng giảm thiểu rủi ro phụ thuộc của các tập đoàn, công ty, đặc biệt do thương chiến, tạo ra cơ hội cho những nước như Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam đang có những lợi thế vốn có, như: Vị trí địa lý, sự ổn định chính trị, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiêu dùng lớn, chi phí sản xuất (như giá điện, giá thuê kho bãi) tương đối thấp, và chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao của Chính phủ.

Đó còn là nỗ lực nắm bắt cơ hội. Cụ thể, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn cung điện (Quy hoạch Điện 8), và thực hiện chính sách thu hút FDI vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (thành lập Quỹ Hỗ trợ Đầu tư vào cuối năm 2024 theo Nghị định 182/2024/NĐ-CP).

Không những thế, mức thuế đối ứng có thể làm thay đổi thứ hạng mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia. Cho đến hiện tại, mức thuế đối ứng Mỹ áp cho Việt Nam (20%) và một số quốc gia lân cận (từ 25 đến 40%; chưa bao gồm Ấn Độ và Philippines) cho thấy Việt Nam đang có lợi thế tương đối trong việc thu hút FDI trong dài hạn.

Ngoài ra, để các khu công nghiệp sau tái cấu trúc hình thành nên “bức tranh mới” tươi sáng, theo Ts. Đặng Thảo Quyên, chuyên gia kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao thông qua các ưu đãi hấp dẫn. Đồng thời, cần đảm bảo môi trường pháp lý ổn định, được củng cố bởi hệ thống chính phủ điện tử hiệu quả nhằm tăng tính minh bạch trong phê duyệt dự án – qua đó giảm thiểu quan ngại về các thay đổi chính sách. Các vấn đề về năng lượng cũng cần được giải quyết triệt để vì đây vốn là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ky-vong-buc-tranh-moi-tuoi-sang-cho-cac-khu-cong-nghiep-sau-tai-cau-truc-1108229.html
Zalo