Ký ức về những trận đánh ác liệt
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc. 47 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về từng trận đánh ác liệt, những đêm dò đường nguy hiểm và chứng kiến đồng đội hy sinh bên mình, những giây phút xót thương đầy nước mắt... vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính đã chung sức làm nên chiến thắng lịch sử này.
Những ngày cuối tháng tư, chúng tôi có mặt tại nhà của cựu chiến binh Nguyễn Thái Học, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn khi ông và các cựu chiến binh của tiểu khu 2, xã Cò Nòi đang cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời mưa bom bão đạn. Bên chén trà nóng, với những kỷ vật năm xưa, những câu chuyện cứ thế ùa về.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, năm 1969, khi tròn 17 tuổi, cũng như bao thanh niên trong làng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Học từ biệt gia đình để bước vào chiến trường mà chưa hẹn ngày trở về. Ông được chọn vào huấn luyện khóa đặc công tại Hải Phòng. Sau hơn 1 năm huấn luyện, năm 1970, ông Học được điều động về nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 21, Đại đội 9, Sư đoàn 305 hành quân vào Nam, với nhiệm vụ phá tàu chiến của địch trên sông và phá cầu, cống để ngăn chặn sự chi viện của kẻ địch đến các chiến trường. Ông và đồng đội đi qua nhiều trận đánh, nhưng trận địa chiến đấu nhiều nhất là ở Quảng Trị và Quảng Ngãi.
Trận chiến đấu ác liệt mà ông Học nhớ nhất là trận đánh diễn ra trên sông Vệ, tỉnh Quảng Ngãi, vào mùa mưa năm 1971. Khi đó, nước sông Vệ dâng cao, ông và đồng đội được giao nhiệm vụ đánh phá các mục tiêu cố định của quân địch.
Ông Học kể: Quân địch canh phòng cẩn mật, bố trí hỏa lực mạnh, xây dựng nhiều hàng rào thép gai bảo vệ. Vì vậy, nếu tổ chức đánh phá cầu mà địch phát hiện thì sẽ thất bại. Khi thực hiện nhiệm vụ, tôi cùng đồng đội phải ngâm mình trong nước nhiều giờ trong đêm. Mỗi lần tiếp cận chân cầu phải dùng ống thông hơi để lặn dưới mặt nước khoảng 30 cm nhằm tránh sự phát hiện của địch. Địch bố trí hàng rào thép gai dưới dòng sông dày đặc nên việc tiếp cận chân cầu rất khó khăn. Trận đó, đồng đội tôi hi sinh gần hết, bản thân tôi bị mảnh đạn găm vào mắt nhưng cố hết sức bò vào được một con rạch nhỏ rồi ngất lịm. Sáng hôm sau, tôi được du kích phát hiện và đưa về điều trị. Sau khi giải phóng Ba Tơ, đơn vị tôi tiếp tục hành quân chiến đấu giải phóng Bình Định, Kon Tum, Đăk Lăk, sau đó tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ngồi bên cạnh, cựu chiến binh Hoàng Văn Phần, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên kể tiếp: Ký ức về những năm tháng tham gia chiến đấu cùng đồng đội tại Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 của tôi là những ngày mưa bom, bão đạn. Chiến trường không chỉ khốc liệt bởi bom đạn mà còn rất nhiều khó khăn, gian khổ của thiên tai. Bởi dãy Tây Trường Sơn một năm chỉ có 2 mùa mưa và nắng; 6 tháng mùa khô, cả dãy Tây Trường Sơn nắng nóng như chảo lửa, khói bay mù mịt. Việc ăn măng, rau rừng, củ chuối thay cơm là chuyện thường ngày, rồi những trận sốt rét rừng hoành hành. Có đợt quân Mỹ rải chất độc da cam dioxin, cây cối trong vùng trụi khô, nhiều chiến sĩ lở loét khắp người. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng tôi và đồng đội vẫn vững một niềm tin, một ý chí quật cường vào ngày chiến thắng.
47 năm đã qua đi kể từ chiến thắng mùa Xuân năm 1975, những người lính như ông Học, ông Phần trở về quê hương, tiếp tục phát huy tinh thần của người lính Cụ Hồ trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Sự hy sinh, đóng góp xương máu của các ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, những đóng góp của các ông đã truyền cảm hứng, thắp lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.