'Ký ức không phai' của cựu cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức về những chuyến tàu tập kết vượt biển đưa cán bộ, học sinh miền Nam ra Bắc; về lá thư của người cha là bộ đội gửi con gái; những câu chuyện đời thường của tuổi học trò trong cuộc sống xa quê hương, gia đình… được tái hiện một cách vừa chân thực vừa hào hùng qua cuốn sách 'Ký ức không phai'.
Những mảnh ghép về ký ức không phai
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Cùng với việc tập kết bộ đội và cán bộ miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ chủ trương đưa học sinh là con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập với mục tiêu xây dựng đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam cũng như cách mạng cả nước sau này.
Vậy nên đã có rất nhiều người con miền Nam đi ra Bắc, dù bằng những chuyến tàu tập kết vượt biển 1954 - 1955 hay bằng đường bộ và những phương tiện khác… Họ đã gác lại nỗi niềm riêng, ra sức phấn đấu học tập, làm việc, trở thành một lực lượng mạnh mẽ, có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc kiến thiết nước nhà khi còn tạm thời chia cắt cũng như sau khi thống nhất, hòa bình từ năm 1975.
Bà Vũ Phương Mai, nguyên cán bộ Đài Truyền hình TPHCM, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc, cho biết: "Tôi ra Bắc năm 1962, lúc đó tôi đang là học sinh tiểu học. Tuy xa nhà nhưng bạn bè ở trường rất đông, ai cũng gọi cô bảo mẫu là má, sống trong đại gia đình học sinh miền Nam nên rất yêu thương nhau. Những năm chúng tôi đi sơ tán vì máy bay Mỹ ném bom, chúng tôi được gửi đến nhà của đồng bào miền Bắc. Cuộc sống trong chiến tranh vất vả, thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực học tập để đóng góp cho đất nước. Tôi nghĩ rằng thế hệ học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc là thế hệ có một không hai, là những trải nghiệm rất đáng trân quý. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được là học sinh miền Nam ra học ngoài Bắc. Tôi luôn biết ơn những ân tình mà đồng bào miền Bắc đã dành cho tôi".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, con em gia đình tập kết ra Bắc, chia sẻ: Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hàng trăm ngàn người rời xa gia đình, xứ sở, để ra Bắc, dự tính 2 năm đã kéo dài thành 20 năm. Ba má cô là một trong số ít gia đình được đi tập kết cả hai vợ chồng. Ba cô tập kết cùng khối văn nghệ, lúc ấy ông phụ trách Đoàn ca kịch Cửu Long Giang ở miền Tây Nam bộ. Má cô là nhân viên Sở Y tế. Cô Hậu được sinh ra ở Hà Nội và đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, cô Hậu mới được trở về quê hương.
Cô Hậu kể: "Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ba tôi luôn dẫn đoàn nghệ thuật vào biểu diễn trong chiến trường ở Trường Sơn, lần nào đi ông cũng mong muốn được đặt chân lên đất B2 (Nam bộ). Tuy nhiên, do tình hình chiến trường căng thẳng nên các nghệ sĩ đi đến Tây Nguyên rồi phải quay ra. Mỗi lần quay ra là ba má và các cô chú rất là mong nhớ quê hương. Ba má đặt tên tôi là Hậu vì sợ không có hy vọng quay về Nam sau 2 năm như lời hẹn lúc đầu. Thế rồi, mọi cố gắng cũng được kết quả tốt đẹp, sau ngày 30/4/1975, ba má tôi được điều động về TPHCM, gia đình từ đây được sum họp".
Lưu giữ lịch sử qua từng trang sách
Ngày 23/11, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt sách "Ký ức không phai" của nhiều tác giả. Cuốn sách "Ký ức không phai" là một tập hợp những câu chuyện chân thực, sống động của những người miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Họ là những cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, là những học sinh và nhiều người còn ở độ tuổi rất nhỏ hay còn trong bụng mẹ. Cuộc chia cắt Nam và Bắc, sự chia ly, sự khác biệt về tập quán sống không làm cản trở họ tham gia cuộc đấu tranh vì thống nhất và hòa bình cho Tổ quốc.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TPHCM, cho biết từ khi bắt đầu có ý tưởng đến lúc cuốn sách ra đời chỉ vỏn vẹn chưa đến 3 tháng. Cuốn sách có nhiều câu chuyện xúc động lần đầu tiên được công bố như: Bài "Những bức thư của Đại Tướng Lê Đức Anh gửi cho con gái", đó là những bức thư gửi từ chiến trường Nam bộ khi đạn bom ác liệt, những bức thư từ Quân khu 9 Cần Thơ khi đất nước thống nhất. Những bức thư thấm đượm tình cảm của người cha là bộ đội dành cho con gái ở xa. Hay câu chuyện của cô giáo Lê Thúy Quyến, một người thân đặc biệt của học sinh miền Nam. Câu chuyện tìm má sau 21 năm xa cách của một cựu học sinh miền Nam Phan Trọng Nghĩa cũng lần đầu được kể lại một cách đầy cảm động…
"Lịch sử không chỉ là những trang chính sử do nhà nước ghi chép, mà còn là những câu chuyện đời thường của từng con người, từng gia đình. Chính những câu chuyện cụ thể, chân thực về số phận của mỗi người mới giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc những bài học lịch sử. Vì vậy, những câu chuyện chân thực như trong cuốn sách "Ký ức không phai" càng trở nên quý giá, giúp thế hệ trẻ hôm nay học hỏi và trân trọng lịch sử dân tộc", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.