Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phổ điểm ghi dấu ấn tích cực, phân hóa rõ nét
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 phân hóa rõ nét với nhiều điểm 10 môn Toán, Tiếng Anh, nhưng không có điểm tuyệt đối môn Ngữ văn. Chuyên gia khẳng định phổ điểm phản ánh đúng năng lực học sinh và hiệu quả đổi mới giáo dục.
Kỳ thi năm nay đã khép lại với nhiều điểm đáng chú ý về kết quả sau khi phổ điểm. Cả nước ghi nhận 513 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, 141 thí sinh đạt điểm 10 môn Tiếng Anh, và không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn.

Các thí sinh chuẩn bị bước vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Môn Toán năm nay có hơn 1,12 triệu thí sinh dự thi, trong đó 513 em đạt điểm tuyệt đối. Đây là một con số đáng chú ý, nhất là so với năm 2024 khi không có thí sinh nào đạt điểm 10 môn này. Các địa phương dẫn đầu về số lượng điểm 10 Toán gồm: Ninh Bình, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Hưng Yên.
Ở môn Ngữ văn, phổ điểm được đánh giá là ổn định, tuy nhiên không có điểm 10 nào được ghi nhận, trong khi năm ngoái có hai thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Điều này thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi Ngữ văn vốn là môn thi có nhiều kỳ vọng về khả năng tư duy và cảm nhận sâu sắc.
Với môn Tiếng Anh, điểm trung bình đạt 5,38, và có 141 thí sinh đạt điểm 10. Hà Nội và TP.HCM tiếp tục là hai địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng điểm tuyệt đối ở môn ngoại ngữ này.
Theo các chuyên gia giáo dục, phổ điểm kỳ thi năm nay có sự phân hóa tốt và phản ánh đúng chất lượng học tập thực tế của học sinh.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Phổ điểm năm nay phản ánh đúng chất lượng và có sự phân hóa tốt, nhất là ở hai môn Toán và Tiếng Anh. Môn Toán có tính phân loại cao, đề thi được đánh giá là tốt nhất kể từ năm 2018 đến nay, giúp nhận diện rõ ràng học sinh khá, giỏi và trung bình. Môn Tiếng Anh cũng có phổ điểm sáng, với đề thi điều chỉnh chuẩn đầu ra từ A2 lên B1 – đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế".
Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm 12 môn thi tốt nghiệp THPT 2025
8h sáng 16/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025
GS.TS Phạm Hồng Quang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, cũng đánh giá cao sự phân hóa của đề thi. Ông nhấn mạnh: "Giáo dục cần giữ nguyên tắc yêu cầu cao, không thể bằng lòng với phổ điểm đồng đều. Việc phân hóa là cần thiết để học sinh tự nhận diện năng lực, từ đó lựa chọn con đường phù hợp với bản thân".
Ông cũng lưu ý rằng, thay vì tranh luận đề thi dễ hay khó, điều quan trọng là xây dựng hệ thống thang đo năng lực phù hợp, giúp nhận diện đúng tiềm năng của học sinh. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đào tạo ra người tài thực sự, chứ không chỉ dựa vào điểm số tuyệt đối.
Từ góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, phổ điểm năm nay mang đến nhiều bất ngờ thú vị, đặc biệt ở hai môn Toán và Tiếng Anh.
"Phổ điểm rất đáng hài lòng. Đề thi môn Toán đã giúp phân tích, đánh giá năng lực học sinh rõ ràng hơn. Dường như khả năng thích ứng của học sinh tốt hơn nhiều so với cách người lớn vẫn đánh giá bằng cảm tính. Với dữ liệu phổ điểm hiện nay, các đánh giá cảm tính đã phần nào được hạn chế đó là tín hiệu rất lạc quan", PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin – Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đến sự bứt phá của các tỉnh như Điện Biên, Đắk Lắk, An Giang. Theo ông, An Giang đã có bước tiến mạnh mẽ, từ vị trí thứ 64 vươn lên rõ rệt nhờ quyết tâm cao từ lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục.
TS Ngọc chia sẻ: "Ở các môn thi khó như Tiếng Anh, nhiều học sinh tại những tỉnh này vẫn đạt điểm cao, thậm chí điểm 10, nhờ đổi mới phương pháp giảng dạy và cải thiện môi trường học tập".
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cũng nhận định phổ điểm năm nay phản ánh đúng thực chất, với đồ thị phân hóa đẹp, mượt mà". Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, cùng với việc các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng từ đề minh họa, cấu trúc đề, phân hóa đối tượng và tổ chức dạy học theo năng lực nhóm học sinh, kết quả năm nay đã phản ánh đúng năng lực thực tế".
Một điểm sáng đáng chú ý là sự vươn lên của các địa phương có điều kiện khó khăn. GS.TS Phạm Hồng Quang bày tỏ ấn tượng: "Điều này cho thấy học sinh ở vùng khó vẫn có thể đạt thành tích tốt, tạo sự hưng phấn và tự tin trong học tập".
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không chỉ phản ánh đúng năng lực thực tế của học sinh mà còn cho thấy sự thành công bước đầu trong đổi mới đề thi và dạy học theo hướng đánh giá năng lực. Đây là nền tảng quan trọng để giáo dục Việt Nam tiếp tục hướng đến sự thực chất, công bằng và hội nhập quốc tế.
Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố vào lúc 8h sáng nay (16/7). Thí sinh tra cứu điểm thi tại hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố và website các cơ quan báo chí.
Từ ngày 16 - 28/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học (không giới hạn số lần điều chỉnh); từ ngày 29/7 - 5/8 nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.