Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7) Người vợ liệt sĩ hết lòng với công tác thiện nguyện
Bà Đoàn Thị Lan (ngụ tổ 2, khu phố Xa Cam 2, phường Bình Long, tỉnh Đồng Nai) là vợ liệt sĩ hết lòng vì công tác thiện nguyện tại địa phương. Nhiều năm qua, bà dùng số tiền phụ cấp thân nhân liệt sĩ để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Bà Đoàn Thị Lan (phường Bình Long) trao quà khuyến học cho các em học sinh phường Hưng Chiến (nay là phường Bình Long).
Bà Lan là vợ liệt sĩ, em chồng của bà cũng là liệt sĩ, mẹ chồng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng!. Ở tuổi 86, mái tóc bà trắng như cước song bà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Với bà Lan, làm việc thiện giúp đời là niềm vui của tuổi già, tích đức cho con cháu.
Vượt khó thờ chồng, nuôi con
Bà Đoàn Thị Lan sinh ra và lớn lên ở “quê hương 5 tấn” (xã Vũ Lạc, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (cũ), nay là tỉnh Hưng Yên), với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bà làm cô nuôi dạy trẻ ở quê nhà, rồi xây dựng hạnh phúc với một thầy giáo dạy tiểu học cùng làng. 3 người con (2 trai, 1 gái) của vợ chồng bà lần lượt chào đời. Năm 1968, chồng bà lên đường vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Một tay bà vừa chăm con nhỏ, vừa lo việc tập thể ở nhà trẻ, cuộc sống muôn vàn khó khăn.
Từ chiến trường, mỗi lần biên thư về cho vợ, chồng bà luôn động viên bà cố gắng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải nuôi dạy, lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Năm 1971, chồng bà hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, ngay bên dòng Sông Bé - địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử của dân tộc “Vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng”. Nén nỗi đau thương, mất mát vào lòng, bà ở vậy thờ chồng, nuôi con khôn lớn nên người.
Năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bà Lan quyết định mang 100 triệu đồng dành dụm ủng hộ địa phương chống dịch. Bà Lan tâm sự, đây là số tiền bà chuẩn bị để lo hậu sự cho bản thân để khỏi phiền hà đến con cháu. Nhưng tình hình khi đó quá cấp bách nên bà quyết định ủng hộ trước, còn hậu sự mình tính sau.
Năm 1984, bà Lan cùng các con rời quê vào miền Nam sinh sống, với hy vọng sẽ có thời gian và điều kiện để tìm mộ chồng và em chồng hy sinh trong chiến tranh, nhằm phần nào vơi bớt nỗi đau. Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng đến nay bà và gia đình vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện!...
Cảm thông, chia sẻ với mảnh đời bất hạnh
Bà Đoàn Thị Lan tâm sự, bản thân và các con đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ trong cảnh “mẹ góa con côi” - nhưng đó là hoàn cảnh của những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đất nước hòa bình song vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ. Nghĩ là làm, bà bắt đầu hành trình thiện nguyện của mình.
Bà tích lũy tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước đối với thân nhân liệt sĩ, rồi ngược xuôi vận động các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân để xây nhà tình thương tặng các hộ nghèo. Tặng quà (gạo) cho các cụ cao tuổi, phụ nữ nghèo vào dịp lễ, Tết. Đặc biệt, bà dành phần lớn cho các em học sinh nghèo, vượt khó.
Ngoài khoản tiền từ chế độ trợ cấp dành cho vợ liệt sĩ, bà Lan còn dùng tất cả số tiền các con, cháu biếu bà để làm từ thiện. Bình quân mỗi năm, bà tặng cho quỹ khuyến học địa phương và các trường học trên địa bàn phường Bình Long khoảng 50 triệu đồng. Càng trân trọng và ý nghĩa hơn khi phần lớn trong số tiền này là chế độ đãi ngộ Nhà nước dành cho vợ liệt sĩ.
Niềm hạnh phúc của bà Lan là các con, cháu đều trưởng thành, có đóng góp tích cực cho xã hội. Điều đặc biệt là hầu hết các con, cháu của bà đều theo nghề y với mong muốn đem tài năng và y đức để chữa bệnh, cứu người. Trong căn phòng khách nhỏ song gọn gàng, ngăn nắp của bà có hàng chục bằng khen, giấy khen, bảng tri ân của các cấp… ghi nhận những đóng góp của bà Lan.