Kỷ niệm 20 năm thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Hành trình bảo vệ và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển thế giới

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa Việt Nam, là di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt, vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Lực lượng bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang làm nhiệm vụ. Ảnh: ĐỨC HUY

Lực lượng bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang làm nhiệm vụ. Ảnh: ĐỨC HUY

Được thành lập năm 2004, Khu Bảo tồn khi đó ngưng khai thác, biến rừng trồng theo hình thức giao khoán trở thành rừng đặc dụng. Sau 20 năm, rừng được tái sinh, Khu Bảo tồn như một “viên ngọc xanh” của Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ.

Nhiều thế hệ góp công bảo vệ rừng

Đã có 27 năm gắn bó với công tác bảo vệ rừng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cù Đinh (thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn) Phạm Văn Nông cho biết: “Nhớ lại thời gian đầu mới thành lập Khu Bảo tồn, tôi phải chuyển nhiệm vụ từ khai thác sang bảo vệ rừng với những nhiệm vụ nặng nề hơn. Thời gian này, người kiểm lâm luôn phải tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương đóng cửa rừng của Đồng Nai. Đến nay, mối quan hệ giữa người dân và lực lượng kiểm lâm đã hài hòa, nhiều người đã ủng hộ và cùng nhân viên Khu Bảo tồn làm nhiệm vụ gìn giữ và phát huy giá trị của rừng”.

Theo số liệu thống kê từ các nhà khoa học, sự đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn ngày càng phong phú hơn. Độ che phủ rừng tại Khu Bảo tồn tăng 7% so với 20 năm trước. Phát triển thêm hàng trăm ngàn cây gỗ lớn bản địa. Hệ thủy sinh khu vực hồ Trị An; các loài động, thực vật ngày càng đa dạng về loài và tăng về số lượng.

Là thế hệ lãnh đạo tỉnh đầu tiên trong những ngày thành lập Khu Bảo tồn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một chia sẻ, Đồng Nai luôn ưu tiên dành 30% quỹ đất cho phát triển rừng. Để có được diện tích rừng phủ kín như hiện nay là những nỗ lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong nhiều năm qua. Vai trò của thiên nhiên trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay rất quan trọng, Đồng Nai đã làm rất tốt công tác bảo tồn và phát triển rừng, giữ “lá phổi xanh” cho vùng Đông Nam Bộ.

Gìn giữ “viên ngọc xanh”

Khu Bảo tồn hiện có hơn 1,5 ngàn loài thực vật, trong đó 147 loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm và hơn 2,2 ngàn động vật, trong đó nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm.

Ngoài ra, Khu Bảo tồn còn là một trong số các kho tàng cây dược liệu có công dụng làm thuốc của Việt Nam với trên 1,5 ngàn loài. Trong đó, 905 loài cây có công dụng làm thuốc, gần 200 loài cây dược liệu quý hiếm và 23 loài cây thuốc nằm trong Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài cây thuốc có giá trị kinh tế cao như: lan một lá, ươi, thiên niên kiện, lá khôi nhung, bổ béo đen, nần nghệ…

Để bảo tồn những loài cây thuốc quý, Khu Bảo tồn đã phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu thực hiện nhiều đề tài, dự án liên quan đến cây dược liệu như: Đề tài Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ tại Khu Bảo tồn; Đề tài Điều tra hiện trạng nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và xây dựng mô hình ươm tạo cây giống mật nhân; Dự án Đánh giá tiềm năng và thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở Khu Bảo tồn… Đến nay, hàng trăm loài cây dược liệu quý hiếm đã được Khu Bảo tồn phát hiện và di thực về khu vực tập trung để bảo tồn nguồn gen.

Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuần tra dài ngày trong rừng sâu. Ảnh: Tư liệu

Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuần tra dài ngày trong rừng sâu. Ảnh: Tư liệu

Đồng hành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về các lĩnh vực dân cư, hoạt động kinh doanh du lịch, an ninh trật tự địa phương… trong quá trình khai thác và phát triển du lịch, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết, huyện luôn chủ động nắm bắt tình hình kinh doanh, hoạt động của các điểm du lịch, người dân trên địa bàn để bảo đảm an ninh trật tự địa phương, nhất là quanh khu vực hồ Trị An. Bên cạnh đó, huyện cũng chủ động xây dựng phương án duy tu, sửa chữa và làm mới hệ thống hạ tầng giao thông, các công trình công cộng do huyện quản lý nhằm kết nối, góp phần phát triển du lịch địa phương, nhất là cơ hội để người dân có thêm việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế.

Khu Bảo tồn có tổng diện tích trên 100 ngàn hécta, cùng 3 di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, di tích khảo cổ học và các công trình văn hóa nghệ thuật; có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, là trung tâm của các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Giám đốc Khu Bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo khẳng định, nhiều năm nay, Khu Bảo tồn luôn xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, từ khi được UNESCO công nhận Khu Bảo tồn là Khu Dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào năm 2011, Khu Bảo tồn càng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục duy trì các chính sách bảo tồn, gìn giữ, bảo vệ môi trường với các cơ chế bảo vệ và quản lý các loài động vật, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm. Khi rừng được bảo vệ, chúng ta sẽ được nhận những cơ hội từ rừng như: dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ carbon… Đó là những cơ hội lớn để Đồng Nai hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050.

Khu Bảo tồn luôn xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển rừng theo từng giai đoạn cụ thể. Hiện Khu Bảo tồn đã xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030, Đề án Phát triển du lịch, Đề án Ổn định khu dân cư trong và ven Khu Bảo tồn. Đây là những cơ sở để Khu Bảo tồn có hướng đi bền vững, bảo vệ “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/ky-niem-20-nam-thanh-lap-khu-bao-ton-thien-nhien-van-hoa-dong-nai-hanh-trinh-bao-ve-va-phat-trien-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-3187ed8/
Zalo