Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về một số Dự án Luật

Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật; khẳng định đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã phân tích, đánh giá sâu sắc thực tiễn tình hình, những hạn chế, vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý hoàn thiện nhiều nội dung, nhiều điều khoản của dự thảo Luật cả về kết cấu, khái niệm, thuật ngữ, nội dung, văn phong và kỹ thuật lập pháp. Theo đó, một số đại biểu đề nghị: bổ sung thêm quy định về hành vi nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người; làm rõ hơn quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu phân bổ ngân sách cho địa phương khó khăn thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; đề nghị bổ sung thêm vùng biên giới để được ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người; bổ sung quy định cụ thể hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới; bổ sung khái niệm hành vi mua bán người…

Dự kiến,dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 (tổ chức vào tháng 10/2024).

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến về các quy định liên quan đến nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, đối tượng chịu thuế suất 0%; quy định thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, các mức thuế suất, mức doanh thu bán hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, quy định về hoàn thuế và điều khoản thi hành…

Theo dự kiến, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tổ chức vào tháng 10/2024).

Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Minh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-mot-so-du-an/d20240624165327296.htm
Zalo