Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Ngăn chặn sớm các rủi ro từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra góc nhìn, giải pháp đối với những vấn đề của ngành đang được dư luận, cử tri và các đại biểu quan tâm.

Vấn đề biến đổi khí hậu, gia tăng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, khai thác vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp làm “nóng” Nghị trường sáng nay (4/6). Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đưa ra góc nhìn, giải pháp, kế hoạch trong thời gian tới đối với những vấn đề của ngành đang được dư luận, cử tri và các đại biểu quan tâm.

*Cảnh báo sớm

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, biến đổi khí hậu tác động đến nguồn nước nên chúng ta phải có những giải pháp sớm để đảm bảo được an ninh nguồn nước.

Bộ trưởng cho rằng, việc dự báo, dự phòng là một vấn đề quan trọng nhằm chủ động ứng phó kịp thời các biến động do ảnh hưởng của thiên tai.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng chỉ đạo cơ quan trực thuộc nâng cấp trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường năng lực dự báo và hiện đã tiếp cận với trình độ quốc tế. Đơn cử như việc dự báo hạn mặn được triển khai hiệu quả, cung cấp các bản tin thủy văn, cung cấp các bản tin cảnh báo thường xuyên theo chu kỳ 10 ngày, 1 tháng và theo mùa.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung đầu tư hơn nữa để có thể dự báo sớm, cảnh báo sớm và ngăn chặn các rủi ro của biến đổi khí hậu gây ra.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến Việt Nam và nước ta là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đó cũng tác động đến nguồn nước nên chúng ta phải có những giải pháp sớm để đảm bảo được an ninh nguồn nước. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước đầu tiên phải đảm bảo được nguồn nước nội sinh. Theo đó, phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng và sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng chỉ ra, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến tình hình sạt lở của khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như miền núi phía Bắc.

Để khắc phục và giảm thiểu tối đa tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá về trữ lượng của cát, sỏi lòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng.

Mặt khác, hiện nay, các địa phương đều đã có quy hoạch nên cần có sự rà soát, sắp xếp lại dân cư, những vùng có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Những nơi nào có nguy cơ cao về sạt lở sẽ phải bố trí lại dân cư.

Ngoài ra, cần có quy định và xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lở đất.

*Tiếp cận tổng thể và chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn

Tham gia phần trả lời chất vấn với tư cách thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng cũng cho biết, tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này, dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án; trong đó, tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: TTXVN

Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thế giới đang đang ở trong kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu; trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tiếp cận vấn đề nước,phải tiếp cận ba chủ thể gồm: Số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước.

Đặc biệt, cách thức sử dụng nguồn nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước. Chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cách thức khai thác, sử dụng, đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước.

Cũng cần có “tuyên ngôn” với bà con cả nước rằng, Việt Nam không phải là một quốc gia dư thừa nước, do vậy cần có cách tiếp cận ngắn hạn, dài hạn, có chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt…

Tiết kiệm nước còn liên quan đến phát thải khí nhà kính; trong đó, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, tiết kiệm nước hơn sẽ làm giảm phát thải. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ đề án Chính phủ đã phê duyệt.

Về các giải pháp trước mắt hạn chế xâm nhập mặn, trữ ngọt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các công trình có độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi.

Về hồ chứa, Bộ trưởng khẳng định, các địa phương cần phải xem xét thận trọng, bởi không phải dễ để sử dụng diện tích lớn làm hồ trữ nước của một địa phương để phục vụ cho địa phương khác, nhất là địa hình bằng phẳng, không có độ dốc. Bộ trưởng cho rằng, các địa phương nên tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong tiếp cận nguồn nước, các giải pháp tiết kiệm nướng, ngăn chặn xâm nhập mặn.

Về hồ thủy lợi, theo phân cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đang trực tiếp quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho các địa phương quản lý.

Đến thời điểm này các hồ an toàn, đang được thường xuyên theo dõi, quản lý. Đối với 900 hồ lớn, vừa và nhỏ đã phân cấp các địa phương quản lý, nguồn lực đầu tư theo luật ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đối với một số địa phương nguồn lực hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đề xuất duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập do địa phương quản lý.

*Vật liệu san lấp không cần cấp phép

Liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, vừa qua, thực hiện các cơ chế đặc thù của Quốc hội và chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, đồng lòng của các địa phương, nhiều dự án trọng điểm quốc gia, đường cao tốc đã được cấp nguồn vật liệu san lấp để thực hiện. Cùng với 8 Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết hướng dẫn để triển khai, chỉ đạo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các hướng dẫn về việc khai thác vật liệu xây dựng. Trong khi chờ Luật Địa chất và Khoáng sản được thông qua để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp, cũng như triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng cơ chế đặc thù, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản đã bổ sung quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù tại các Nghị quyết của Quốc hội phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia.

Cho đến nay, các dự án đang triển khai thuận lợi. Điều này cho thấy, việc áp dụng cơ chế đặc thù của Quốc hội rất hiệu quả, thể hiện qua tiến độ của các công trình, dự án. Tuy nhiên, vẫn phải “luật hóa” vấn đề này. Bởi theo Luật Khoáng sản 2010 thì các vật liệu san lấp này có quy trình cấp mỏ cũng giống như các loại kim loại quý chứ chưa được phân loại, phân nhóm.

Hiện nay, để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản đã tiến hành phân loại thành 4 nhóm (kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp được chế biến sâu, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu san lấp như đất, đá, sỏi...).

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phân cấp triệt để nhóm 3 và 4 cho các địa phương. Tại dự thảo, không yêu cầu cấp phép khai thác mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký và nộp thuế. Như vậy, từ cơ chế đặc thù của Quốc hội và triển khai thực tiễn đã được đưa vào để cụ thể hóa trong luật – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, thời gian qua, việc cấp cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là dự án đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan như xây dựng, khoa học công nghệ, giao thông vận tải cùng nghiên cứu để sử dụng cát biển vào một số công trình.

Bộ Giao thông Vận tải đã thí điểm sử dụng cát biển trong san lấp và làm đường giao thông. Trong quá trình thí nghiệm cho thấy, cát biển có thể sử dụng san lấp và thi công ở một số hạng mục nhất định. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng, khu vực để khai thác cát biển.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xong đề án đánh giá trữ lượng tại khu vực tỉnh Sóc Trăng, với trữ lượng lấy ngay được là 145 triệu m3 và cách bờ khoảng 20 km. Thân mỏ có chiều sâu khoảng 7m nhưng hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo chỉ khai thác ở độ sâu 2 m để giảm tác động.

Qua khảo sát cho thấy, trữ lượng cát biển rất lớn. Hiện cát biển đã được sử dụng trong san lấp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Về e ngại nhiễm mặn khi sử dụng cát biển, Bộ trưởng cho rằng, khi đưa vào sử dụng cần đánh giá tác động môi trường và có thể sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Nguyên tắc đặt ra là không được gây ảnh hưởng cho các khu vực xung quanh.

Thu Hằng - Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-ngan-chan-som-cac-rui-ro-tu-bien-doi-khi-hau-xam-nhap-man/336409.html
Zalo