Kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Khóa XVI Xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Phát biểu làm rõ thêm các nội dung được đại biểu HĐND thành phố quan tâm liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, tới đây, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phối hợp liên ngành kiên quyết xử lý các vi phạm.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, việc HĐND thành phố lựa chọn nội dung chất vấn về ATTP đã thể hiện trách nhiệm, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị và cử tri, người dân Thủ đô. Với 16 ý kiến đại biểu đề cập đến 8 nhóm vấn đề liên quan, đã có 3 Giám đốc sở, 2 Chi cục trưởng và 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp trả lời, giải trình tại hội trường. “Đối với những vấn đề chưa được trao đổi, UBND thành phố sẽ chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời bằng văn bản, gửi tới các đại biểu HĐND thành phố trong thời gian sớm nhất”, bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu HĐND thành phố quan tâm. Ảnh: P. Long
Đề cập đến các nội dung đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội hiện có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rất lớn, khoảng 80.000 cơ sở thuộc các loại hình và liên quan đến 3 lĩnh vực (y tế, nông nghiệp - môi trường, công thương). Thời gian qua, thành phố đã ban hành các chỉ thị, quyết định, quy định... để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; đồng thời, Ban Chỉ đạo ATTP thành phố được kiện toàn do Chủ tịch UBND thành phố là Trưởng ban cùng với các Phó Chủ tịch UBND thành phố là Phó Trưởng ban Chỉ đạo phụ trách các lĩnh vực y tế, công thương.
Thời gian qua, cùng với truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, thành phố đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP; đồng thời, tôn vinh, khen thưởng nhiều cơ sở thực hiện tốt nội dung này. Đặc biệt, Hà Nội cũng chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra về vệ sinh ATTP thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đã có sự chuyển biến rõ nét; nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng đã được cải thiện và không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.
“Gần đây thành phố đã thành lập gần 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra ở các cấp để kiểm tra ATTP trên toàn thành phố. Số tiền xử phạt trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay là hơn 52 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm, số tiền xử phạt khoảng 10 tỷ đồng”, bà Vũ Thu Hà thông tin thêm.
Kiểm tra chặt chẽ thực phẩm từ các địa phương khác về Thủ đô
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất mô hình và công tác quản lý sao cho đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh phân cấp rõ ràng, cụ thể theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong đó, bố trí đủ, bảo đảm năng lực của cán bộ đáp ứng yêu cầu; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, MTTQ, các đoàn thể trong phối hợp công tác quản lý ATTP tại địa phương.
"Tới đây, thành phố tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa tuyên truyền, truyền thông về ATTP phù hợp với từng đối tượng; nâng cao ý thức của người tiêu dùng thực phẩm; trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, phối hợp liên ngành kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm", bà Vũ Thu Hà nêu rõ.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ kiểm tra chặt chẽ thực phẩm từ các tỉnh về Hà Nội; đồng thời, có các cơ chế phối hợp để thực hiện bảo đảm ATTP; thành phố cũng sẽ triển khai ứng dụng thông tin, chuyển đổi số, có chỉ dẫn với các cơ sở kinh doanh bảo đảm vệ sinh ATTP để người dân biết và sử dụng; khuyến cáo những địa chỉ chưa bảo đảm yêu cầu để người dân biết. Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố tiếp tục đề xuất Chính phủ và các bộ ban hành sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, trước mắt thành phố đang triển khai tổ chức thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn, theo hướng tổ chức tập trung suất ăn sẵn nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình và giảm các khâu trung gian. Mặt khác, thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào khi cung cấp chuỗi thức ăn; quy trình chế biến cũng như xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi... để triển khai từ năm học 2025 - 2026; trong giai đoạn 2, sẽ triển khai thí điểm tổ chức suất ăn sẵn tại các bệnh viện.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tổ chức thí điểm mô hình khu thương mại ẩm thực theo tiêu chuẩn của khu vực, có kiểm soát trong thời gian tới; đồng thời, xây dựng tuyến phố có kiểm soát với các tiêu chuẩn, tiêu chí do thành phố ban hành nhằm bảo đảm thức ăn đường phố có kiểm soát...
“Việc triển khai mô hình mới sẽ tác động đến các nhóm đối tượng trên địa bàn; vì thế, mong rằng mỗi người dân Thủ đô sẽ cùng cộng tác, chung tay để bảo đảm ATTP; trong đó, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ; kiên quyết tẩy chay thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh.