Kỳ cuối: Các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm

Theo các chuyên gia, cả gia đình, nhà trường và xã hội đều cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý, giáo dục, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên để các em phát triển một cách toàn diện; đồng thời có những giải pháp phòng ngừa, trấn áp tội phạm hiệu quả.

Hệ lụy to lớn từ thực trạng người trẻ phạm tội

Một buổi tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông của Công an TP Hà Nội tại Trường THCS Khương Đình. Ảnh: Cơ quan Công an

Một buổi tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông của Công an TP Hà Nội tại Trường THCS Khương Đình. Ảnh: Cơ quan Công an

Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh thiếu niên

Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho rằng, để hạn chế thực trạng bạo lực học đường, điều đầu tiên cần nâng cao nhận thức về pháp luật cho học sinh, giúp các em hiểu rõ trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, cần siết chặt quản lý nội dung trên mạng xã hội; có biện pháp kiểm soát, xử lý các nội dung kích động bạo lực, đồng thời tuyên truyền để thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội văn minh, có trách nhiệm. Ngoài ra, để học sinh có thể tố giác nạn bạo lực một cách dễ dàng và an toàn, cần thiết lập đường dây nóng, các kênh thông tin khác nhau. Đặc biệt, cần xây dựng văn hóa tôn trọng và đối thoại, cụ thể, nhà trường, gia đình và xã hội cần hướng dẫn trẻ cách giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại thay vì bạo lực.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cần có những giải pháp về xây dựng pháp luật. Pháp luật về trẻ em nằm ở một hệ thống bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Công ước về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự... và rất nhiều các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong đó, có nhiều các văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, những quy định còn khó thực hiện, kém hiệu quả.

Bởi vậy, giải pháp phòng ngừa tội phạm, làm cơ sở đấu tranh với tội phạm là người dưới 18 tuổi thì cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định quyền cũng như cơ chế được thực hiện quyền của trẻ em. Đồng thời, quy định làm rõ trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương, nhà trường và các cơ quan đoàn thể trong việc bảo vệ trẻ em. Cần phải có những cơ chế và biện pháp can thiệp sâu hơn nữa vào vai trò, trách nhiệm giáo dục của cha mẹ đối với trẻ em. Đối với những hành vi vi phạm về quyền trẻ em thì cần phải cương quyết áp dụng các biện pháp để can thiệp kịp thời, tránh trường hợp đứa trẻ phải sống trong một gia đình thiếu lành mạnh, thiếu giáo dục và có những tác động tiêu cực đến sự phát triển và hình thành nhân cách.

Về giải pháp áp dụng pháp luật, việc áp dụng pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải được vận dụng, thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ để bảo đảm quyền của người dưới 18 tuổi. Cần phải xây dựng bộ máy tư pháp hoàn chỉnh để áp dụng các quy định đặc thù về người dưới 18 tuổi phạm tội như: công tác cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế phối hợp và các chính sách để người dưới 18 tuổi phạm tội nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa giáo dục, cải tạo để trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Trong đó, đặc biệt là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, có trách nhiệm với công tác trẻ em, am hiểu về tâm sinh lý của trẻ em để kết hợp giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo tâm lý được bảo vệ, che chở, giúp đỡ khi trẻ em mắc phải sai lầm, khiến trẻ em “tâm phục khẩu phục” sau khi chấp hành xong hình phạt hoặc các biện pháp hành chính.

Ngoài ra, cần phải tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp Nhân dân hiểu được tâm lý thanh thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra.

Hơn nữa, khi cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, điều tra, khám phá kịp thời các hành vi phạm tội của thanh thiếu niên phải đưa ra xử lý kịp thời, nghiêm minh. Qua đó, kịp thời tuyên truyền pháp luật, răn đe với các đối tượng có ý định phạm tội, khiến họ ý thức được sự trừng trị của pháp luật, loại trừ các tư tưởng manh nha vi phạm pháp luật, hiểu biết được nội dung của tội phạm, kiềm chế các nhu cầu lệch chuẩn.

Chú trọng giáo dục đạo đức

Các chuyên gia cho rằng, cần đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, chú trọng giáo dục đạo đức. Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để những đứa trẻ phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội.

Cùng với đó, cần tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý trên không gian mạng. Trẻ em là đối tượng còn thiếu kỹ năng sống, thiếu nhận thức để có thể lựa chọn cho mình những kiến thức, nguồn thông tin lành mạnh. Bởi vậy việc trẻ em tiếp cận với những thông tin, đặc biệt là những thông tin trên không gian mạng cần phải có sự quản lý chặt chẽ của gia đình và của nhà trường. Nhà nước cũng cần phải ban hành và thực hiện các quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ nhà mạng, quản lý các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em. Các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em thì phải nghiêm cấm và xử lý kịp thời.

Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường. Để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái.

Các cơ sở giáo dục cần phải tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường; phối hợp thường xuyên và chặt chẽ hơn với gia đình trong việc quan tâm giáo dục trẻ; cần đẩy mạnh các hoạt động tham vấn, hỗ trợ tâm lý trong trường học, tổ chức các hoạt động và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Cả gia đình, nhà trường, xã hội, nhất là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý, giáo dục thanh thiếu niên để các em phát triển một cách toàn diện; đồng thời phòng ngừa, trấn áp tội phạm hiệu quả, tạo điều kiện cho các em đã từng lầm lỡ có cơ hội được giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng.

Trước hết phải bắt đầu từ môi trường gia đình, các bậc cha mẹ hãy dành nhiều thời gian quan tâm, sát sao, giáo dục, chia sẻ với con, nhất là trong độ tuổi các con đang lớn, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Nói cách khác, cha mẹ phải là người tạo ra vaccine miễn dịch cho con mình bằng tình yêu thương của mình.

Thạc sĩ Ngô Thế Nghị, giảng viên Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-cac-giai-phap-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-424553.html
Zalo