'Kỵ binh hạng nặng' PT-91 giúp Ukraine vá lỗ hổng thiết giáp hậu Xô Viết

PT-91 Twardy đã chứng minh là một tài sản giá trị đối với Ukraine vì phương tiện này dễ dàng tương thích với chuỗi hậu cần hiện có, bất chấp những hạn chế về thiết kế có từ thời Liên Xô.

PT-91 Twardy là phiên bản hiện đại hóa toàn diện của xe tăng T-72, ra đời từ nhu cầu nâng cấp lực lượng thiết giáp hậu Xô Viết của Ba Lan.

Xe tăng PT-91 Twardy. Ảnh: Creative Commons.

Xe tăng PT-91 Twardy. Ảnh: Creative Commons.

Các kỹ sư Ba Lan đã cải tiến thiết kế ban đầu bằng cách lắp đặt giáp phản ứng nổ ERAWA tiên tiến, hệ thống điều khiển hỏa lực Drawa hiện đại với kính ngắm nhiệt và động cơ mạnh mẽ hơn để gia tăng khả năng cơ động của phương tiện này. Quá trình nâng cấp đã cải thiện đáng kể hiệu quả chiến đấu của PT-91, mặc dù phương tiện vẫn sử dụng pháo 125mm giống của xe tăng của T-72.

Từ T-72 đến PT-91

Trong thời gian Ba Lan tham gia Hiệp ước Warsaw, nước này đã mua và sản xuất xe tăng T-72 trong nước. Sau khi Liên Xô tan rã, Ba Lan sở hữu số lượng lớn xe tăng Liên Xô lỗi thời. Thay vì loại bỏ những chiếc xe tăng cũ để mua xe tăng mới, Ba Lan đã quyết định hiện đại hóa và nâng cấp đội xe tăng của họ. Nhu cầu này đã thúc đẩy sự ra đời của xe tăng PT-91 Twardy vào những năm 1990. Xe tăng Twardy được nâng cấp khá nhiều so với xe tăng T-72 thời Liên Xô, với hệ thống kiểm soát hỏa lực tốt hơn, khả năng cơ động cao hơn và khả năng bảo vệ tốt hơn.

Xe tăng T-72, ban đầu được Liên Xô giới thiệu vào những năm 1970, là phương tiện khá chắc chắn và tiết kiệm chi phí, trở thành xương sống của lực lượng xe tăng thuộc Khối Hiệp ước Warsaw. Ba Lan đã được cấp phép sản xuất T-72M và T-72M1, nhưng đến những năm 1980, những phương tiện ngày càng lép vế trước xe tăng NATO vốn nổi trội hơn về hỏa lực, khả năng bảo vệ và thiết bị điện tử. Nhận thấy điều đó các kỹ sư Ba Lan tại OBRUM (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thiết bị Cơ khí) và Bumar-Łabędy đã khởi xướng một chương trình hiện đại hóa toàn diện.

Quá trình cải tiến và nâng cấp

Một trong những điểm cải tiến quan trọng nhất nằm ở lớp giáp. PT-91 được trang bị giáp phản ứng nổ ERAWA, do Viện Công nghệ Vũ khí Quân sự Ba Lan phát triển. Loại giáp này có hai biến thể: ERAWA-1, được thiết kế để chống lại đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT), và ERAWA-2 có khả năng bảo vệ chống lại đạn xuyên động năng.

Không giống như giáp phản ứng nổ Kontakt-1 của Liên Xô, các khối ERAWA không phải kim loại và được chế tạo theo dạng mô-đun, cho phép bảo trì và thay thế dễ dàng hơn. Xe tăng cũng được trang bị các tấm chắn cải tiến ở bên hông và lớp thép bổ sung, giúp tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường.

Nâng cấp quan trọng tiếp theo là hệ thống điều khiển hỏa lực. PT-91 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực Drawa - cải tiến đáng kể so với hệ thống quang học và ngắm mục tiêu cơ bản của T-72. Hệ thống Drawa bao gồm máy đo khoảng cách laser, hệ thống ổn định pháo hai trục, máy tính đạn đạo và kính ngắm ảnh nhiệt. Những cải tiến này cho phép PT-91 tấn công mục tiêu chính xác hơn khi đang di chuyển và trong điều kiện tầm nhìn hạn chế - một khả năng tiên tiến không có trên xe tăng T-72 đời đầu.

Về mặt điện tử và liên lạc, các kỹ sư Ba Lan đã thay thế hệ thống lỗi thời có từ thời Liên Xô bằng radio và hệ thống liên lạc nội bộ hiện đại do nước này sản xuất, giúp cải thiện khả năng phối hợp chiến trường. Xe tăng cũng được trang bị máy thu cảnh báo laser và súng phóng lựu khói, để tự vệ trước các mối đe dọa ở gần.

Mặc dù PT-91 vẫn giữ nguyên pháo nòng trơn 125 mm 2A46 của T-72, nhưng những cải tiến về mức độ ổn định và kiểm soát hỏa lực đã làm tăng đáng kể hiệu quả của phương tiện trên chiến trường. Hệ thống nạp đạn tự động, một trụ cột trong thiết kế xe tăng Liên Xô, cũng được nâng cấp để tăng độ tin cậy và đảm bảo an toàn. Mặc dù hệ thống pháo không thay đổi, nhưng PT-91 lại có khả năng sử dụng đạn dược hiện đại, giúp phương tiện có lợi thế đáng kể so với phiên bản cũ.

Tính cơ động là một ưu điểm khác của PT-91. Động cơ ban đầu của T-72M1 đã được thay thế bằng PZL-Wola S-12U - loại động cơ diesel 12 xi-lanh sản sinh công suất 850 mã lực. Ba Lan sau đó đã nâng cấp lên động cơ 1.000 mã lực sử dụng cho biến thể PT-91M. Với động cơ cải tiến, PT-91 có thể đạt tốc độ lên tới 60 km/h và có tầm hoạt động từ 650 đến 700 km khi sử dụng bình nhiên liệu phụ. Hệ thống truyền động của xe tăng cũng được nâng cấp để xử lý tốt hơn. Riêng phiên bản PT-91M có hộp số tự động RENK.

PT-91 trải qua nhiều lần nâng cấp khác trong suốt vòng đời. Phương tiện có nhiều biến thể, chẳng hạn như PT-91A và PT-91MA1. Phiên bản tiên tiến nhất có tên gọi PT-91M "Pendekar", được phát triển để xuất khẩu sang Malaysia. PT-91M được trang bị động cơ 1.000 mã lực, hộp số tự động RENK ESM-350M, hệ thống điều khiển hỏa lực SAVAN-15 của Pháp, kính ngắm ảnh nhiệt Thales và súng máy tiêu chuẩn phương Tây. Ba Lan đã điều chỉnh PT-91 theo nhu cầu cụ thể của khách hàng.

PT-91 từng là xe tăng chiến đấu chủ lực của Ba Lan cho đến khi nước này bắt đầu mua xe tăng Leopard 2 từ Đức và các xe tăng chiến đấu chủ lực khác của phương Tây. Ba Lan có kế hoạch dần dần loại bỏ PT-91 Twardy để chuyển sang sử dụng xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc.

Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Ba Lan đã chuyển giao cho Ukraine số lượng lớn xe tăng PT-91. Binh sỹ Ukraine sử dụng khá tốt phương tiện này do nó có nhiều nét tương đồng với xe tăng Liên Xô. Quân đội Ukraine đã nhanh chóng tích hợp phương tiện vào kho vũ khí mà không gặp phải những thách thức đáng kể về mặt hậu cần.

Mặc dù có nhiều cải tiến, PT-91 vẫn có những hạn chế. Về cơ bản, xe tăng này vẫn gặp phải những vấn đề tương tự như T-72. Nhu cầu bảo vệ kíp lái vẫn là mối quan tâm hàng đầu, bởi phương tiện được thiết kế với chế độ nạp đạn tự động, chứa đạn trong khoang kíp lái.

Mặc dù lớp giáp ERAWA có khả năng bảo vệ nâng cao, nhưng chưa đủ để chống lại các loại đạn xuyên giáp APFSDS tiên tiến nhất được bắn từ pháo 120 mm tiêu chuẩn NATO.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo National Security Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ky-binh-hang-nang-pt-91-giup-ukraine-va-lo-hong-thiet-giap-hau-xo-viet-post1214879.vov
Zalo