Kỳ 4: Kinh doanh giấy báo trúng tuyển đại học giả

Khác với những trường hợp bị mạo danh để vào được ĐH, ở Trung Quốc (TQ) từng xảy ra sự việc 1 nam sinh mua giấy báo trúng tuyển giả mạo 1 ngôi trường thuộc top đầu nước này để đánh lừa phụ huynh khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Từ thư mời nhập học đầy lỗi chính tả…

Nam sinh ấy họ Tào (sống tại Trạm Giang, TP. Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, TQ) khi biết mình chỉ đạt 235/750 điểm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia 2020, vì không muốn cha mẹ thất vọng nên Tào đã bỏ ra 3.000 nhân dân tệ mua giấy báo trúng tuyển giả của ĐH Thanh Hoa (thuộc top đầu ở Bắc Kinh) và khoe với song thân rằng mình được nhận vào chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo của ngôi trường danh giá này.

Nhà có 4 người con, trong khi 2 anh trai đầu và người chị gái đã lập gia đình, cha mẹ làm nông, ít quan tâm đến việc học của con cái dù vẫn lo cho Tào đầy đủ trong khả năng của mình, nên "tin vui" nhận được giấy báo nhập học của phía ĐH Thanh Hoa của cậu út khiến ông Tào như mở cờ trong bụng, tổ chức nhiều bàn tiệc để thết đãi xóm giềng. Bất ngờ Trưởng thôn sang chúc mừng, thấy giấy báo trúng tuyển "là lạ” khi viết sai nhiều lỗi chính tả, hỏi thì ông Tào cũng ú ớ chẳng hiểu gì. Vốn tính ngay thẳng, ông Tào đề nghị mọi người cùng lên Phòng Giáo dục huyện hỏi, rồi đề nghị con trai đưa cho xem điểm thi ĐH và ngã xuống bất tỉnh do huyết áp lên đến 220 khi phát hiện con trai nói dối.

Hình ảnh của sinh viên họ Tào trên giấy báo nhập học giả của ĐH Thanh Hoa với nhiều lỗi chính tả

Hình ảnh của sinh viên họ Tào trên giấy báo nhập học giả của ĐH Thanh Hoa với nhiều lỗi chính tả

Các bàn tiệc dẹp hết, trong khi ông Tào cứ mãi quẩn quanh với câu hỏi: "Chẳng hiểu vì sao con trai lại lừa dối bố mẹ như thế? Bình thường nó chỉ quẩn quanh trong nhà, phụ trách việc bếp núc mà nó ưa thích. Sau khi chúng tôi phát hiện ra sự thật, nó trằn trọc, ăn ngủ không yên suốt nhiều ngày trước khi bỏ nhà đi, nói rằng sẽ làm công nhân, không học nữa".

… Đến lời thú nhận muộn màng

Biết chuyện, nhiều người ở Trạm Giang cho rằng do cha mẹ của Tào rất khắt khe về chuyện học tập của con mình, khiến cậu cảm thấy áp lực đè nặng, đến nỗi khi lên cấp 3 kết quả học tập ngày càng sa sút, nhưng do song thân kỳ vọng quá nhiều nên mỗi khi bị điểm kém, Tào lại giấu kết quả đi, nói với bố mẹ rằng mình đạt thành tích tốt trong các kỳ thi và lần thi ĐH này cũng vậy, thấy bố nhấp nhổm ngóng vào cửa khi chờ mình kết thúc môn thi, cậu lại nói dối ông rằng: "Cha cứ yên tâm vì con làm bài rất tốt ạ”.

Số điểm 235 thấp đúng như dự đoán của Tào, vì thế cậu lập tức lên mạng đặt làm giả thư báo nhập học của Trường ĐH Thanh Hoa danh tiếng để lừa song thân, mà chẳng ngờ người bố do quá đỗi vui mừng đã mang đi khoe với mọi người trong thôn và sự thật đã bị Trưởng thôn họ Trần phát hiện.

Dư luận cho rằng việc Tào lừa dối cha mẹ là sai, nhưng nguyên nhân chính cũng là do gia đình đã đặt quá nhiều áp lực lên con trai út khiến Tào lừa dối mọi người và đưa ra quyết định sai lầm. Tào không nói cho song thân về áp lực của mình, trong khi cha mẹ cũng không tìm hiểu đã dẫn đến sự việc đáng tiếc.

Khi vụ việc được đưa vào điều tra, dư luận TQ đặt câu hỏi vì sao những giấy báo trúng tuyển ĐH giả lại được rao bán tràn lan trên một số trang thương mại điện tử nổi tiếng ở nước này, trong đó có hàng chục trường gồm cả ĐH Sư phạm Đông Bắc (tỉnh Cát Lâm), ĐH Giao thông Thượng Hải... Người cần có thể nhận được giấy báo trúng tuyển giả mạo có in tên họ, mã số học sinh, con dấu giả của trường ĐH trong vòng 1 tuần. Nhưng sau khi dư luận phản ứng, trang thương mại điện tử trên không còn hiển thị kết quả liên quan đến giấy mời nhập học hoặc các sản phẩm tương tự như văn bằng, chứng chỉ giả mạo...

Bộ phận An ninh mạng thuộc công ty mẹ của trang thông tin điện tử trên cũng thông báo phạt nặng các nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ liên quan tới hành vi kinh doanh trái phép giấy báo trúng tuyển ĐH và mời nhập học giả mạo trên nền tảng này, đồng thời nhấn mạnh sẽ không nhân nhượng với hành vi kinh doanh trái phép ấy.

Luật pháp TQ quy định các cá nhân, tổ chức làm giả chứng chỉ, giấy tờ, con dấu sẽ bị tạm giữ từ 5-15 ngày và phạt 1.000 nhân dân tệ (144 USD), trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tù. Hành vi làm giả và kinh doanh giấy báo trúng tuyển ĐH hoặc thư mời nhập học giả mạo cùng những sản phẩm tương tự là vi phạm đạo đức và pháp luật nghiêm trọng, khi một số đối tượng trở thành khách hàng trong trường hợp này đã sử dụng thông tin cá nhân giả mạo để lừa đảo, gây hại cho xã hội.

NGUYỄN XUÂN (Theo Toutiao, Sohu)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-4-kinh-doanh-giay-bao-trung-tuyen-dai-hoc-gia_164302.html
Zalo