Kỳ 1: Người khiếm thị thử sức với nghề pha chế đồ uống

Tham dự khóa đào tạo ngắn hạn 4 tháng trong dự án hợp tác quốc tế 'Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam', 6/12 học viên xuất sắc trở thành nhân viên chính thức tại quán cà phê đầu tiên vừa khai trương tại Hà Nội. Điều đặc biệt, lần đầu tiên khách hàng thưởng thức những ly cà phê, trà hoa quả từ chính những người khiếm thị.

Tạo cơ hội nghề nghiệp mới cho người khuyết tật

LTS: Thống kê tại Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật, riêng Hà Nội có khoảng 100.000 người khuyết tật và có hơn 30.000 người có khả năng lao động. Để thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật với cộng đồng, tại Hà Nội nhiều sáng kiến tạo sinh kế cho người khuyết tật được triển khai thông qua các mô hình dạy nghề, khóa đào tạo nghề nghiệp, sàn giao dịch việc làm… Tuy nhiên, người khuyết tật vẫn cần nhiều hơn chính sách hỗ trợ để đảm bảo sinh kế bền vững. Từ số này, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận.

Bạn Lê Anh Phương tập trung pha chế đồ uống. Ảnh: Mộc Miên

Bạn Lê Anh Phương tập trung pha chế đồ uống. Ảnh: Mộc Miên

Khách hàng hài lòng

Những ngày cuối tháng 11, tiết trời Hà Nội chuyển gió lạnh đầu đông. Trái ngược với không khí gió rét ngoài phố, bên trong quán cà phê với tên gọi “Café More Hanoi” tại địa chỉ số 1 Nguyễn Thị Duệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ấm áp lạ kỳ. Do thời tiết thay đổi bất ngờ, quán chào đón lượng khách hàng đông hơn thường lệ. Đứng ở quầy thu ngân, em Phạm Thị Vân Anh – hội viên người khiếm thị, quản lý quán cà phê vừa đon đả chào khách, vừa giới thiệu về các sản phẩm thức uống tại quán. Nếu không có lời giới thiệu trước đó, ít ai nghĩ đây là quán cà phê đầu tiên của người khiếm thị, do người khiếm thị pha chế và trực tiếp phục vụ.

Theo chia sẻ của em Phạm Thị Vân Anh (SN 2000, quê Thanh Oai, Hà Nội), em rất vui khi được tham dự khóa đào tạo miễn phí với nghề pha chế đồ uống. Là con cả trong gia đình, do bị cận thị nặng nên đôi mắt của Vân Anh yếu dần. So với 6 học viên được đào tạo sau khóa học và nhận việc, trường hợp của Vân Anh có đôi mắt sáng hơn nên được giao nhiệm vụ quản lý bên cạnh công việc nhân viên pha chế.

Trong quầy pha chế đồ uống, các bạn trẻ khiếm thị như Lê Anh Phương, Trịnh Thiên Long, Trần Linh Chi cẩn thận đong, đo, đếm từng loại nguyên liệu để chế biến thành những món đồ uống đúng vị. Mỗi ly cà phê, mỗi món đồ uống đều chứa đựng sự nỗ lực, tình cảm của các nhân viên, đồng thời cũng là thông điệp về tình yêu thương và niềm tin vào khả năng của người khiếm thị.

Nhân viên Phạm Thị Vân Anh thanh toán hóa đơn đồ uống cho khách hàng. Ảnh: Mộc Miên

Nhân viên Phạm Thị Vân Anh thanh toán hóa đơn đồ uống cho khách hàng. Ảnh: Mộc Miên

Điểm đặc biệt trong cách phục vụ tại quán sau khi khách hàng gọi đồ uống, nhân viên quản lý đưa thẻ bàn và sẽ có chuông báo để khách hàng tự ra quầy tự phục vụ. Hoạt động này giúp cho người khiếm thị phòng tránh các rủi ro thường gặp khi bưng bê sản phẩm đồ uống. Hình thức tự phục vụ được khách hàng đồng cảm và ủng hộ.

Chính thức khai trương từ ngày 22/11/2024, quán cà phê là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” do Hội Người mù Việt Nam triển khai từ năm 2023 với sự hỗ trợ của tổ chức Siloam International từ nguồn kinh phí của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Sau gần 1 tuần khai trương, quán đón lượng khách ổn định. Đa phần ý kiến khách hàng bày tỏ hài lòng cà phê ngon, không gian sang trọng, sạch sẽ và yên tĩnh.

Bạn Nguyễn Trà My (sinh viên Đại học Thăng Long) chia sẻ, sau ngày khai trương em đã đến đây uống cà phê 3 lần và cảm nhận hương vị cốc cà phê do các bạn khiếm thị pha chế rất ngon không quá khác biệt so với các quán cà phê thông thường. Em sẽ tiếp tục đến đây ủng hộ và thưởng thức bởi đây còn trở thành không gian kết nối bạn bè, yên tĩnh để đọc sách, nghiên cứu tài liệu.

Đồng tình với bạn Nguyễn Trà My, bạn Nguyễn Đức Chiến (sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) bày tỏ sự yêu thích với không gian của quán cà phê, đồ uống ngon và mức giá hợp lý giống như các quán cà phê khác.

Điều đặc biệt là khách hàng tự phục vụ đồ uống từ quầy pha chế, tạo sự kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị với cộng đồng. Ảnh: Mộc Miên

Điều đặc biệt là khách hàng tự phục vụ đồ uống từ quầy pha chế, tạo sự kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị với cộng đồng. Ảnh: Mộc Miên

Cơ hội việc làm bền vững cho người khiếm thị

Vừa hoàn thành đồ uống nước cam sả đào cho khách hàng, anh Lê Anh Phương (trú tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội), hiện là hội viên Hội Người mù quận Đống Đa cho biết: “Trải qua khóa học và suốt thời gian thực hành vừa qua, tôi yêu thích nghề pha chế. Khi quán đăng tuyển nhân viên pha chế, tôi đã ứng tuyến và vượt qua vòng phỏng vấn, nhận việc chính thức. Trước đó, tôi làm nghề tẩm quất, massage cho một cơ sở tư nhân trên phố cổ Hà Nội. So với mức thu nhập từ vị trí nhân viên pha chế thấp hơn rất nhiều so với nghề tẩm quất nhưng được làm công việc là niềm đam mê tôi chấp nhận từ bỏ công việc cũ, chuyên tâm với công việc mới”.

Hiện tại, mức thu nhập ban đầu của nhân viên pha chế từ 20.000 – 30.000 đồng/giờ. Mỗi ngày, 6 nhân viên pha chế sẽ phân theo ca làm việc, 3 người/ca đồng hành với sự hỗ trợ của nhân viên sáng mắt. Thời gian làm việc từ 7h sáng đến 17h chiều. Thu nhập sẽ tăng phụ thuộc doanh thu của quán. Đối với các nhân viên pha chế là người khiếm thị thì mức thu nhập cơ bản đảm bảo cuộc sống cá nhân.

Theo bà Đinh Việt Anh – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, mục tiêu của dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” sẽ đào tạo 36 người khiếm thị thông qua 6 khóa học trong 3 năm từ năm 2024 – 2026 và mở 3 quán cà phê. Quán cà phê đầu tiên khai trương ở Hà Nội, dự kiến sẽ có đánh giá tổng quát, hiệu quả để tiếp tục triển khai 2 dự án tiếp theo tại các tỉnh, thành. Đồng nghĩa với việc mang đến môi trường làm việc nhân văn và chuyên nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm bền vững cho người khiếm thị.

Trong 2 năm 2023 và 2024, Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù (Hội Người mù Việt Nam) đã tổ chức đào tạo nghề pha chế cho 12 học viên. Lần đầu tiên người khiếm thị tại Việt Nam được tiếp cận với các khóa đào tạo nghề bài bản trong lĩnh vực này. Trải qua khóa đào tạo trong 16 tuần với đầy đủ kiến thức về lý thuyết và thực hành, các học viên đã được huấn luyện chuyên sâu về các kỹ năng pha chế từ cơ bản đến nâng cao cùng với các kỹ năng chăm sóc khách hàng và các kỹ năng xã hội khác, giúp họ có thể tự tin làm việc trong môi trường thực tế.

(Còn nữa)

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-nguoi-khiem-thi-thu-suc-voi-nghe-pha-che-do-uong-402421.html
Zalo