Kỳ 1: Ngành chip Trung Quốc tụt hậu do Tiến sĩ hải ngoại về 'báo hiếu'

Truyền thông Trung Quốc mới đây công khai về vụ gian lận lớn của một nhà khoa học từ Mỹ về làm việc, được cho là đã trực tiếp khiến công nghệ chip Trung Quốc tụt hậu hàng chục năm so với Mỹ.

Trần Tiến giới thiệu mẫu chip "Hanxin-1" tại cuộc họp báo công bố "thành quả nghiên cứu" (Ảnh: NetEasy).

Trần Tiến giới thiệu mẫu chip "Hanxin-1" tại cuộc họp báo công bố "thành quả nghiên cứu" (Ảnh: NetEasy).

Trung Quốc ngày nay đã bắt kịp nhiều quốc gia phát triển trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, do bị phong tỏa công nghệ chip nên lĩnh vực này vẫn chưa thể có nhiều bứt phá.

Trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu và phát triển chip xử lý đa năng từ 20 năm trước. Tuy nhiên, do cú lừa của một kẻ bị truyền thông nước này gọi là “cặn bã”, sự phát triển của ngành công nghiệp chip Trung Quốc đã bị đình trệ trong suốt 13 năm liền.

Người này chính là Trần Tiến (Chen Jin), kẻ lừa đảo vụ chip "Hanxin-1” (Hán Tâm-1) từng gây chấn động cả nước, qua mặt nhiều chuyên gia và lừa chiếm 1,1 tỉ NDT Quỹ nghiên cứu và phát triển công nghệ của nhà nước Trung Quốc.

Vậy làm cách nào mà Trần Tiến lừa được 1,1 tỉ NDT từ quỹ quốc gia? Vụ lừa đảo "Hanxin -1" hồi đó là thế nào? Kết cục của kẻ lừa đảo ra sao?

Tiến sĩ hải ngoại trở về “báo hiếu” đất nước

Trần Tiến sinh năm 1968 ở thành phố Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến trong một gia đình khá giả, bố mẹ cũng không gò ép việc học hành của con.

Tuy sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng Trần Tiến không hề ham muốn hưởng thụ. Khi học trung học, Tiến đã có niềm đam mê máy tính. Với sự hỗ trợ của cha mẹ, cậu đã sớm tiếp xúc với máy tính, điều này đặt nền móng cho việc nghiên cứu máy tính sau này.

 Con chip Hanxin-1 mang nhãn Đại học Giao thông Thượng Hải.

Con chip Hanxin-1 mang nhãn Đại học Giao thông Thượng Hải.

Trần Tiến đã đỗ vào Đại học Đồng Tế (Tongji) với kết quả xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp, Tiến đến Mỹ để học thêm. Ông ta nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học máy tính tại Đại học Texas ở phân hiệu Austin và vào làm kỹ sư tại Công ty Motorola với mức lương hậu hĩnh.

Trình độ khoa học và công nghệ của Trung Quốc vào thời điểm đó tương đối thấp và nước này rất coi trọng việc phát triển khoa học và công nghệ mũi nhọn có độ chính xác cao. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra chiến lược chấn hưng đất nước thông qua phát triển khoa học công nghệ và giáo dục.

Trong bối cảnh đó, Trần Tiến nhìn thấy triển vọng phát triển trong nước và quyết định quay trở về Trung Quốc. Tháng 5/2000, ông ta trở lại Trung Quốc với kiến thức chuyên môn của mình.

Sau khi trở về, với lý lịch xuất sắc, Trần Tiến đã trở thành giảng viên cao cấp tại Đại học Giao thông Thượng Hải như mong muốn. Nhà trường đã tạo cho ông một môi trường nghiên cứu khoa học tốt. Năm 2001, trường thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống và Chip, bổ nhiệm ông làm giám đốc. Rất nhiều người đặt hy vọng vào Trần Tiến và kỳ vọng trung tâm nghiên cứu này sẽ sớm tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực chip.

 Trần Tiến thuyết trình về thiết kế chip Hanxin-1 (Ảnh: NetEasy).

Trần Tiến thuyết trình về thiết kế chip Hanxin-1 (Ảnh: NetEasy).

Thiên tài từ trên trời rơi xuống, "Hanxin-1" ra đời

Sau khi Trần Tiến thành lập nhóm nghiên cứu khoa học của riêng mình, Đại học Giao thông Thượng Hải hoàn toàn ủng hộ, hy vọng có thể đột phá nút thắt công nghệ chip vốn đã gây khó khăn cho Trung Quốc từ lâu.

Nhà trường đặt nhiều kỳ vọng vào Trần Tiến và trông đợi ông sẽ dẫn dắt nhóm nghiên cứu phá vỡ sự phong tỏa công nghệ của phương Tây. Trần Tiến cũng đặt cho dự án của ông ta một cái tên rất yêu nước và gây phấn chấn lòng người: “Hanxin” – tức Chip Hán.

Sau hơn một năm nỗ lực, Trần Tiến tuyên bố "Hanxin-1" đã được nghiên cứu phát triển thành công. Tin này khiến các nhà nghiên cứu trên khắp Trung Quốc phấn khích nhưng cũng gây ra nhiều nghi vấn. Bởi khi đó, Trung Quốc hầu như tay trắng trong lĩnh vực nghiên cứu chip, còn các công ty nước ngoài thường phải mất rất nhiều thời gian và nguồn lực mới đạt được những tiến bộ nhỏ.

 Thời khắc Trần Tiến trở thành anh hùng, chip Hanxin lên ngôi (Ảnh: NetEasy).

Thời khắc Trần Tiến trở thành anh hùng, chip Hanxin lên ngôi (Ảnh: NetEasy).

Để đáp lại những nghi ngờ này, vào tháng 2/2003, Trần Tiến đã tổ chức một cuộc họp báo hoành tráng để công bố về "Hanxin". Người đứng đầu chính quyền thành phố Thượng Hải và các bộ ban ngành quốc gia có liên quan đều đã đến tham dự cuộc họp báo được coi là một cột mốc quan trọng trong hoạt động nghiên cứu và phát triển chip của Trung Quốc.

Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra các đánh giá chuyên ngành về "Hanxin-1", cho rằng đây là loại hình chip đầu tiên của Trung Quốc, đã đạt đến trình độ tiên tiến và là một bước đột phá quan trọng trong lịch sử nghiên cứu khoa học Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo, Trần Tiến đã trình diễn ứng dụng "Hanxin-1" trong radio và phát những bài hát quen thuộc với những người tham dự, giành được những tràng pháo tay vang dội. Các chuyên gia cho rằng "Hanxin-1" sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu chip của Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Trần Tiến đã đạt được cả danh và lợi qua vụ này. Ông ta được Đại học Giao thông Thượng Hải đặc biệt tôn vinh là Học giả Trường Giang, đồng thời kiêm chức Viện trưởng Học viện Vi điện tử. Ông ta cũng thành lập Công ty Công nghệ Hanxin và giữ chức Chủ tịch.

 Mẫu chip Hanxin được giới truyền thông săn đón và tung hô (Ảnh: NetEasy).

Mẫu chip Hanxin được giới truyền thông săn đón và tung hô (Ảnh: NetEasy).

Lúc này, Trần Tiến đã trở thành niềm hy vọng của đất nước và nhân dân, chính quyền các cấp rất coi trọng việc đưa "Hanxin-1" vào sản xuất đại trà.

Trong vòng chưa đầy 3 năm, "dòng chip Hanxin" đã nhận được hơn 40 phê duyệt dự án công nghệ với số tiền tài trợ R&D (nghiên cứu và phát triển) lên tới 1,1 tỉ NDT. Trần Tiến và nhóm của ông ta đã nhanh chóng phát triển các sản phẩm như "Hanxin-2" và trở nên nổi tiếng cả nước.

(Còn tiếp)

Theo NetEasy, Creaders

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ky-1-nganh-chip-trung-quoc-tut-hau-do-tien-si-hai-ngoai-ve-bao-hieu-post175608.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo