Kiss cam - 'Ông tơ bà nguyệt công nghệ' và những cảm xúc không ngờ tới

Kiss cam, tưởng chừng là tiết mục giải trí dễ thương giữa những hiệp đấu căng thẳng, nhưng đằng sau ánh đèn rực rỡ sân vận động và màn hình LED khổng lồ là vô vàn câu chuyện, thậm chí là tranh cãi về quyền riêng tư, sự đồng thuận.

Trong vô vàn cách mà văn hóa đại chúng sáng tạo ra để kết nối con người, kiss cam (máy quay “hôn nhau”) đã trở thành một phần không thể thiếu tại các sự kiện thể thao và âm nhạc, đặc biệt ở Mỹ và Canada. Thoạt nhìn, nó chỉ là tiết mục giải trí dễ thương giữa những hiệp đấu căng thẳng. Nhưng đằng sau ánh đèn rực rỡ sân vận động và màn hình LED khổng lồ là vô vàn câu chuyện, từ những khoảnh khắc lãng mạn, hạnh phúc đến những phút giây xấu hổ, bối rối, thậm chí tranh cãi về quyền riêng tư và sự đồng thuận.

Khoảnh khắc "kiss cam" dễ thương của David Beckham và cô con gái nhỏ Harper cách đây 10 năm - Ảnh: Internet

Khoảnh khắc "kiss cam" dễ thương của David Beckham và cô con gái nhỏ Harper cách đây 10 năm - Ảnh: Internet

Kiss cam là gì?

Kiss cam (hay kisscam) là tiết mục giải trí xuất hiện lần đầu tiên ở California vào đầu thập niên 1980, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong thời gian nghỉ giữa hiệp các trận bóng chày. Máy quay sẽ quét khán đài, chọn một cặp đôi bất kỳ và chiếu lên màn hình lớn (Jumbotron), kèm theo dòng chữ “Go ahead and kiss!” như lời khích lệ.

Ban đầu, kiss cam chỉ nhằm lấp khoảng trống thời gian, nhưng nhanh chóng trở thành một phần văn hóa đặc trưng ở Bắc Mỹ. Giờ đây, nó không chỉ xuất hiện tại các giải thể thao mà còn hiện diện ở concert, lễ hội âm nhạc, thu hút hàng nghìn khán giả mong chờ được trở thành “nhân vật chính”.

Kiss cam - "Ông tơ bà nguyệt công nghệ"

Không ít cặp đôi đã chọn kiss cam làm khoảnh khắc cầu hôn. Giữa hàng nghìn người, một chiếc nhẫn lấp lánh, lời thì thầm yêu thương và nụ hôn ngọt ngào đã trở thành câu chuyện đời không thể nào quên. Người ta gọi kiss cam là “ông tơ bà nguyệt công nghệ”,bởi nó giúp những người yêu nhau thể hiện tình cảm trước đám đông và nhận về sự ủng hộ nồng nhiệt của nhiều người.

Trong nhiều tình huống, kiss cam được xem là "ông tơ bà nguyệt công nghệ" - Ảnh: Internet

Trong nhiều tình huống, kiss cam được xem là "ông tơ bà nguyệt công nghệ" - Ảnh: Internet

Kiss cam không chỉ dừng lại ở vai trò giải trí. Nó xuất hiện trong phim ảnh, quảng cáo, game show, trở thành một phần văn hóa đại chúng. Nhiều người đến sân vận động chỉ để mong… được lên kiss cam một lần, để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ. Đây cũng là minh chứng cho cultural performance - “biểu diễn văn hóa” - nơi cộng đồng cùng tham gia một nghi thức, tạo cảm giác kết nối và thân thuộc.

Tại một trận NBA, chàng trai quỳ gối cầu hôn bạn gái đúng lúc kiss cam chiếu tới. Cô gái bật khóc, đồng ý và cả khán đài vỡ òa trong tiếng reo hò. Video đạt hơn 50 triệu lượt xem, tạo trend #KissCamProposal suốt nhiều tháng sau.

Những mặt trái ít ai ngờ

Bên cạnh niềm vui, kiss cam cũng gây không ít tranh cãi. Có trường hợp hai người chỉ là anh em hoặc bạn bè, đồng nghiệp bị chiếu lên màn hình, khán giả huýt sáo khi họ không hôn nhau. Và khoảnh khắc vui vẻ bỗng biến thành áp lực đối với nhân vật xuất hiện trên màn hình, hoặc sẽ thành nỗi xấu hổ khó quên.

Một video từng gây bão khi một cô gái bị bạn trai ép hôn trên kiss cam dù cô rõ ràng không muốn. Cộng đồng mạng sau đó đã dấy lên tranh luận dữ dội về quyền riêng tư, sự đồng thuận và ranh giới "bạo lực mềm" trong tình cảm.

Trò vui hay áp lực xã hội?

Khi một hành động riêng tư bị đưa lên màn hình công cộng, không phải ai cũng thoải mái. Họ phải “diễn” vai lãng mạn trước hàng nghìn ánh mắt, tạo nên áp lực đám đông (audience effect) - hiện tượng quyết định của cá nhân bị thay đổi bởi sự hiện diện của người khác.

Nếu không có sự đồng thuận, kiss cam sẽ trở thành áp lực, gây ra những tình huống khiến người trong cuộc "sống hướng nội hết phần đời còn lại" - Ảnh: Internet

Nếu không có sự đồng thuận, kiss cam sẽ trở thành áp lực, gây ra những tình huống khiến người trong cuộc "sống hướng nội hết phần đời còn lại" - Ảnh: Internet

Vì lý do này, một số tổ chức xã hội, đặc biệt các nhóm hoạt động nữ quyền, từng lên tiếng phản đối kiss cam, coi đây là hành vi xâm phạm ranh giới cá nhân. Theo The Ringer, một số đội bóng đã quyết định loại bỏ kiss cam khỏi chương trình vì lo ngại rủi ro pháp lý và đạo đức.

Những tình huống dở khóc dở cười

Hôn cốc bia thay người yêu

Một clip nổi tiếng ghi lại cảnh chàng trai hôn… cốc bia thay vì bạn gái ngồi cạnh, đạt 10 triệu view chỉ trong một ngày. Cả sân vận động cười vang trước cách “giải cứu” bản thân vô cùng duyên dáng và hài hước.

Bị từ chối phũ phàng

Có chàng trai khi thấy hình mình và bạn gái trên kiss cam, vội vàng hôn nhưng bị cô đẩy ra, tát nhẹ rồi bỏ đi. Clip nhanh chóng viral, trở thành meme “ngượng chín mặt” trên Twitter.

Khoảnh khắc kiss cam tại Euro 2024

Khoảnh khắc kiss cam tại Euro 2024

CEO kỳ lân công nghệ và scandal "kiss cam"

Ngày 17.7, "kiss cam" trở thành tâm điểm tranh cãi khi chiếu hình Andy Byron - CEO startup dữ liệu lớn Astronomer và Kristin Cabot - Giám đốc nhân sự tại concert Coldplay, Boston, Mỹ. Cả hai vội vàng né tránh, tỏ rõ sự lúng túng.

Chris Martin, ca sĩ chính của Coldplay, còn dí dỏm trêu: “Họ hoặc đang ngoại tình, hoặc quá ngại ngùng”.

CEO kỳ lân công nghệ Andy Byron và HR của Astronomer đang trở thành scandal hot trên khắp cõi mạng - Ảnh: Indiatimes

CEO kỳ lân công nghệ Andy Byron và HR của Astronomer đang trở thành scandal hot trên khắp cõi mạng - Ảnh: Indiatimes

Video này nhanh chóng đạt hơn 46 triệu view trên TikTok. Hậu quả đến ngay lập tức: hồ sơ của CEO Andy Byron biến mất trên LinkedIn; Kristin Cabot không còn xuất hiện trên website công ty; còn vợ CEO thì xóa tài khoản facebook...

Công ty Astronomer cũng từ chối bình luận về mối quan hệ này, theo The Australian.

Dư luận mạng xã hội cũng chia thành hai phe: người cho rằng đó chỉ là trò vui, người lại chỉ trích hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vụ việc được gọi là “Jerry Springer phiên bản LinkedIn”, khi drama văn phòng bị phơi bày giữa ánh đèn concert lãng mạn.

Kiss cam - trò chơi ánh đèn cảm xúc nhưng cần cẩn trọng

"Kiss cam" - tưởng như vô hại - lại chạm tới nhiều khía cạnh sâu xa của văn hóa, xã hội và tâm lý. Nó phản ánh khao khát được yêu thương và nhìn nhận của số đông con người, nhưng cũng nhắc nhở về quyền riêng tư, ranh giới cá nhân và sự đồng thuận.

Trong thời đại social media, nơi mọi khoảnh khắc đều có thể dễ dàng bị ghi lại và lan truyền, khi đó, kiss cam không chỉ còn là trò vui giải trí, mà có thể trở thành “bệ phóng drama” hoặc "vết nhơ truyền thông" - điều không ai muốn nếu không được vận hành cẩn trọng.

Nhật Hạ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kiss-cam-ong-to-ba-nguyet-cong-nghe-va-nhung-cam-xuc-khong-ngo-toi-235107.html
Zalo