Kinh tế Xây dựng - Giao thông Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
TTH - Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.
Những ngày giữa tháng 2/2023 trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương đất liền phía bắc, phải hứng chịu đợt mưa lớn phổ biến từ 40-140mm, một số nơi cao hơn như trạm Kim Long 156mm, Phú Ốc 345mm.
Đánh giá của Đài Khí tượng Thủy văn cho thấy, trong chuỗi số liệu mưa từ tháng 1 đến tháng 4 đo được thì tần suất trận mưa này là 1,65%, tương ứng 60 năm xuất hiện 1 lần. Mưa cường suất lớn đã làm sạt lở tuyến đường tuần tra ven biển từ Đồn Biên phòng Phong Hải (Phong Điền) đến thôn Hải Đông với chiều dài đoạn sạt lở khoảng 40m, ăn sâu vào đất liền 2m.
Chính quyền xã Phong Hải đã tiến hành rào chắn tạm thời bằng cây dứa và đặt biển báo cảnh báo các phương tiện. Những ngày mưa lớn phải cắt cử lực lượng túc trực nhằm cảnh giới và hướng dẫn giao thông.
Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền) thông tin, những năm qua, tình hình sạt lở bờ biển do triều cường, thay đổi dòng chảy khá phức tạp ở địa phương. Đặc biệt, từ năm 2020, tuyến bờ biển khoảng 3km thuộc các thôn Hải Thế, Hải Đông, Hải Nhuận, Hải Phú, Hải Thành bị sạt lở. Trong đó, có điểm sạt lở nặng ăn sâu vào đất liền và cách nhà dân chỉ vài chục mét, trực tiếp uy hiếp hơn 60 hộ dân ở thôn Hải Thành.
“Mới đây, tuyến đường tuần tra biển đến thôn Hải Đông sạt lở do mưa lớn. Trong điều kiện nguồn lực xã còn khó khăn, công tác gia cố chỉ tạm thời bằng bao cát, các vật dụng đơn giản. Tuy nhiên, chỉ trong một mùa mưa bão là hư hỏng và sạt lở tiếp diễn. Về lâu dài cần đầu tư kè kiên cố hóa để bảo vệ khu dân cư phía bên trong”, ông Sửu cho biết thêm.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ các trận bão lũ năm 2020 đến nay, tình hình sạt lở bờ biển qua địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Hiện có khoảng 13km bờ biển (trong tổng số 128km bờ biển) bị sạt lở nặng, tập trung các khu vực như xã Phong Hải, Điền Hòa (Phong Điền); xã Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền); xã Hải Dương ( TP. Huế); các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang) và xã Vinh Mỹ, Giang Hải (Phú Lộc). Vào mùa mưa bão tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 3 - 5m có nơi từ 5 - 7m. Các điểm sạt lở này cần nguồn vốn đầu tư khoảng hơn 2.400 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại xã Vinh Hải (Phú Lộc) trong 10 năm trở lại đây bờ biển đã xói sâu vào khoảng 100 - 200m, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ biển, uy hiếp đến dải cồn cát ven biển và nguy cơ mở cửa biển mới...
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài đê biển được phê duyệt là 181km (trong đó có 174 cống) bảo vệ hơn 11.100ha lúa và gần 40 nghìn người, tuyến đê sau khi được đầu tư chịu được bão cấp 9, và triều 5%.
Thực hiện chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ, những năm qua bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương chỉ mới đầu tư được khoảng 78km đê, với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, đạt khoảng 40% trên tổng chiều dài đê theo chương trình, còn lại 103km đê và hơn 100 cống lớn nhỏ chưa được đầu tư. Tuy nhiên, do thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt và tác động của sóng, gió và thủy triều của đầm phá nên nhiều đoạn đê chưa được nâng cấp tiếp tục bị xuống cấp, cần tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp trong thời gian tới.
Để tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi, ngoài nỗ lực của địa phương đã thực hiện đầu tư một số chương trình, dự án bằng ngân sách của tỉnh, về lâu dài, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đầu tư xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ biển, ưu tiên các điểm bị sạt lở nguy hiểm với chiều dài khoảng 10km nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân, với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chương trình nâng cấp đê biển cho hơn 103km và các cống trên đê với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, để có giải pháp xử lý sạt lở bờ biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu tổng thể để đưa ra giải pháp chỉnh trị chống xói lở bờ biển các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận.
Về phía tỉnh, đã chỉ đạo tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng thiết yếu. Tiến hành rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm và cảnh báo cho chính quyền địa phương lắp dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm.
Về lâu dài, Sở NN&PTNT đã lập quy hoạch thủy lợi tỉnh từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 và tiến hành trồng rừng phòng hộ ven biển, trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè.
Thừa Thiên Huế có kế hoạch phát triển rừng vùng cát ven biển và đầm phá, tiếp tục quản lý, chăm sóc, bảo vệ 12.000ha rừng vùng cát ven biển và trồng mới 1.150ha các loại cây như keo, phi lao, cây ngập nước và các giống cây bản địa để bảo vệ khu vực dải cồn cát ven biển. Đã trồng 255ha rừng trên cát ven biển, 246ha rừng ngập mặn ven đầm phá, rừng ngập nước ngọt ở các địa phương.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN