Kinh tế Tuyên Quang 6 tháng đầu năm: Top 10 cả nước

Mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng khó khăn từ tình hình thế giới và trong nước, khối lượng công việc lớn, song, kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng. Nhiều chỉ tiêu đạt khá, hình thành một số sản phẩm mới, bảo đảm cán đích các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt 2 bài, đánh giá những kết quả ấn tượng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện các mục tiêu của năm 2024.

Bài 1: Kết quả ấn tượng

6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,84% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Những con số biết nói

Ngay những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

UBND tỉnh đã thống nhất và triển khai thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2024 “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/4/2024.

Tỉnh chỉ đạo xây dựng và ban hành Chương trình, kế hoạch, văn bản thực hiện các Nghị quyết, Chương trình hành động, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung vào các vấn đề như: nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; các kỳ họp thường kỳ của Chính phủ; đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030; về chuyển đổi số; về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy,...

Trong 6 tháng đầu năm, với tinh thần quyết tâm, tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở, UBND tỉnh đã tổ chức 151 cuộc họp và các cuộc họp chuyên đề theo lĩnh vực, tổ chức các Đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ thế, kinh tế - xã hội 6 tháng đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Nhiều chỉ tiêu so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đã vượt kế hoạch, như Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước tăng 8,84% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu tăng bình quân 8%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4.852,7 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tăng bình quân 4%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.587,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tăng bình quân 14%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 18.931,6 tỷ đồng, đạt 54,1% kế hoạch, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu đạt 8%.

Nhiều chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2024, như trồng rừng đạt 9.731,6 ha, đạt 92,7% kế hoạch. Toàn tỉnh thu hút 1,86 triệu lượt khách du lịch, đạt 67,6% kế hoạch; tổng thu từ khách du lịch 2.271 tỷ đồng, đạt 63,1% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.930 tỷ đồng, đạt 50% dự toán. Tỷ lệ đô thị hóa ước đến hết tháng 6/2024 đạt 25,5% (kế hoạch năm 2024 đạt 26%).

Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặt sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu

Trong hoạt động đầu tư công, tỉnh Tuyên Quang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn lập kế hoạch giải ngân năm 2024 và cam kết giải ngân theo kế hoạch, gắn với đôn đốc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2024. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết về lựa chọn 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 và ban hành quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ đối với huyện Na Hang, huyện Sơn Dương. Nhờ vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tuyên Quang cao hơn mức trung bình cả nước.

Trong 6 tháng, tỉnh đã phê duyệt 20 hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư 1 hồ sơ, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 2 dự án với tổng số tiền trên 162 tỷ đồng. Qua đó, đã có 6 dự án mới đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh là 284 dự án.

Có được các con số tăng trưởng ấn tượng trên là do thời gian qua, Tuyên Quang đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Qua công bố, năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Tuyên Quang đạt 88,46%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,12%, tăng 16 bậc so với năm 2022. Trong đó có 3 chỉ số thành phần xếp ở vị trí cao so với các tỉnh, thành phố; 6 chỉ số thành phần tăng vị trí thứ tự so với năm 2022; 2 sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính được Bộ Nội vụ công nhận.

Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Tuyên Quang (Sipas) đạt 82,83%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,11% so với năm 2022.

Đánh giá về kết quả 6 tháng đầu năm, tại cuộc họp giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy với Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan khối Kinh tế quý II-2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Đây là kết quả rất ấn tượng, là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng của năm 2024 trên 9%, 6 tháng cuối năm 2024, Tuyên Quang xác định là thời điểm tăng tốc, làm tiền đề bứt phá và về đích cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Chính vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục áp dụng đồng bộ và quyết liệt các giải pháp cụ thể, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo kinh tế phát triển gắn kết chặt chẽ với an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu mà tỉnh đã đặt ra trong năm.

►Bài cuối: Khắc phục khó khăn để bứt phá

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te-tuyen-quang-6-thang-dau-nam%C2%A0top-10-ca-nuoc-194412.html
Zalo