Kinh tế Trung Quốc có thể đánh mất điểm tựa xuất khẩu do thuế quan Mỹ

Xuất khẩu từng là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây, nhưng cuộc chiến thuế quan với Mỹ có thể khiến ánh sáng đó dần bị lu mờ.

Cảng hàng hóa tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Cảng hàng hóa tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ dường như chưa tác động rõ rệt đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo số liệu công bố ngày 14/7, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2025 đã tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2024 - một mức tăng vững chắc.

Tính chung sáu tháng của năm 2025, xuất khẩu của Trung Quốc duy trì tốc độ tương đương năm 2024, góp phần giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiến gần mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm nay.

Tạm thời, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc dường như vẫn vững vàng trước các tác động do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Các tuyến đường dẫn vào các cảng nước này vẫn luôn đông kín xe tải, còn ngoài khơi vịnh là hàng loạt tàu chở hàng đang chờ cập bến. Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ không kéo dài.

Xuất khẩu tạm thời trụ vững sau thỏa thuận đình chiến thương mại mong manh

Sau một loạt động thái áp thuế đáp trả lẫn nhau đầu năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm hoãn áp thuế vào ngày 12/5 tại Geneva (Thụy Sĩ), nhất trí trì hoãn việc áp dụng các mức thuế cao nhất trong vòng 90 ngày để tiếp tục đàm phán.

Dù vậy, do tác động của các vòng áp thuế trước đó, nhiều mặt hàng Trung Quốc khi xuất khẩu sang Mỹ hiện phải chịu thuế suất trên 50%.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick mới đây cho biết hai bên có thể nối lại đàm phán vào đầu tháng Tám tới.

Một lý do khác giúp xuất khẩu Trung Quốc vẫn trụ vững sau bão thuế quan là nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tranh thủ “xuất hàng sớm” - tức là đẩy mạnh giao hàng sang Mỹ trước khi thỏa thuận đình chiến thương mại kết thúc, lo ngại thuế sẽ tiếp tục tăng.

Một số công ty khác được cho là đang tìm cách lách luật, như tái phân loại hàng hóa đã hoàn thiện thành nguyên liệu thô để giảm giá trị khai báo xuất khẩu.

Tuy nhiên, xu hướng đáng chú ý nhất là sự chuyển hướng thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc giảm từ khoảng 15% trong năm ngoái xuống còn 12% trong nửa đầu năm 2025.

Thay vào đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á tăng mạnh. Ví dụ, xuất khẩu của Trung Quốc sang Thái Lan tăng 22% và Indonesia tăng 15%.

Sức ép ngày càng lớn trong nửa cuối năm 2025

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo rằng sức ép sẽ gia tăng trong nửa cuối năm. Hạn chót ngày 12/8 để hoàn tất vòng đàm phán thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ đang đến gần.

Nếu đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không đạt kết quả, khả năng cao là thuế quan sẽ bị nâng lên.

Ngay cả khi giữ nguyên mức hiện tại, hoạt động “xuất hàng sớm” cũng sẽ chững lại, khiến nhu cầu yếu đi vì hàng đã được đẩy mạnh xuất khẩu từ trước.

Thêm vào đó là động thái siết chặt của Mỹ đối với hoạt động “tái xuất khẩu.” Một số doanh nghiệp Trung Quốc được cho là chuyển hàng sang các nước Đông Nam Á để chế biến sơ bộ, rồi mới xuất sang Mỹ nhằm né mức thuế quan cao.

Dữ liệu thương mại cho thấy hiện tượng này đang gia tăng. Việc định nghĩa và thực thi các quy định mới sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận của Mỹ, và thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả những sản phẩm chỉ chứa một tỷ lệ nhỏ linh kiện từ Trung Quốc.

 Ôtô chờ xuất khẩu tại cảng ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ôtô chờ xuất khẩu tại cảng ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào ngày 18/7 cho biết chính phủ nước này đã chuẩn bị các biện pháp và có trong tay “nhiều công cụ” để tránh khả năng sụt giảm kinh tế trong nửa cuối năm.

Khi được hỏi về sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu, ông Vương Văn Đào cho biết chính phủ đang chuẩn bị các chính sách để “kích thích hơn nữa đà tăng trưởng tiêu dùng.”

Dữ liệu chính thức công bố mới đây cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 5,2% trong quý 2 năm 2025, vượt nhẹ so với mức dự báo 5,1% theo khảo sát của hãng tin Reuters và trên ngưỡng mục tiêu tăng trưởng cả năm 5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra.

Nhưng các nhà phân tích đã cảnh báo rằng cần phải có thêm nhiều biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng nội địa vốn đang trì trệ, trong bối cảnh xuất khẩu phải đối mặt với các tác động dây chuyền từ những bất ổn thương mại toàn cầu.

Tăng trưởng xuất khẩu khó giữ nhịp

Mặc dù chưa đến mức khiến hoạt động xuất khẩu sụt giảm, nhưng thuế quan chắc chắn sẽ khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Pháp Natixis, dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 2-3% trong quý 3 năm 2025 và có thể giảm còn 1% trong quý 4 năm nay.

Các mặt hàng có giá trị thấp, dễ bị thay thế như nội thất, quần áo, giày dép và đồ chơi sẽ chịu tác động nặng nhất. Nhiều mẫu xe đạp từng dự định xuất sang Mỹ hiện đã được bán phá giá trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc.

Thuế quan cũng đang tạo ra những tác động dây chuyền ngày càng rõ rệt. Kỹ sư Lu, làm việc tại một công ty ở Thanh Đảo sản xuất linh kiện cho máy bơm chân không xuất khẩu sang Mỹ, cho biết số lượng đơn hàng vẫn ổn định.

Tuy nhiên, các khách hàng Mỹ yêu cầu giảm giá để bù chi phí thuế, buộc công ty này phải cắt giảm lương nhân viên.

Ông Lu cho biết hiện chỉ còn nhận được mức lương 6.000 nhân dân tệ (khoảng 830 USD)/tháng, giảm từ mức 7.000 nhân dân tệ (khoảng 975 USD)/tháng của năm ngoái.

Xuất khẩu từng là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhưng cuộc chiến thuế quan với Mỹ có thể khiến ánh sáng đó dần bị lu mờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-trung-quoc-co-the-danh-mat-diem-tua-xuat-khau-do-thue-quan-my-post1050512.vnp
Zalo