Kinh tế hợp tác giúp đồng bào Giẻ Triêng ở Phước Sơn thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Từ việc phát triển mô hình mới, cách làm mới, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của các HTX, tổ hợp tác đã giúp cho đồng bào Giẻ Triêng ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn trước rất nhiều. Nhờ vậy mà cảnh nghèo khó ở nơi đây đã dần được xóa bỏ.
Anh Hồ Văn Beo là người đồng bào Giẻ Triêng ở thôn 2 xã Phước Năng (huyện Phước Sơn). Vài năm trước, khi tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng đã tạo ra bước ngoặt trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của anh.
Thay đổi nhận thức từ cách làm mới
Anh Beo cho biết: Sau khi được tham gia cùng HTX, tôi được tạo điều kiện về công ăn việc làm, từ mô hình HTX giúp tôi học hỏi kinh nghiệm, quy trình sản xuất của cây trồng, kỹ thuật trồng, cũng như thay đổi nhận thức của bà con Giẻ Triêng về cách làm mới sao cho hiệu quả kinh tế.

Anh Hồ Văn Beo (bên phải) là người đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Năng đã có những thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp nhờ tham gia HTX.
Với việc ươm các loại cây giống như keo, quế, ba kích, dỗi, đẳng sâm…anh Beo cùng với đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Năng được HTX hướng dẫn kỹ thuật về quy trình chăm sóc, bón phân, trị sâu bệnh để nâng cao năng suất.
Riêng đối với anh Beo, qua mô hình vườn ươm cây giống, anh vừa có thêm thu nhập, vừa nâng cao trình độ sản xuất so với trước đây. “Khi tham gia HTX tôi có việc làm ổn định, từ mô hình của HTX mà tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tiễn. Bản thân tôi sau khi được nâng cao nhận thức thì cũng mạnh dạn tuyên truyền cho bà con nhân dân phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm để việc sản xuất được hiệu quả hơn”, anh nói.
Thực ra, thời gian đầu bà con Giẻ Triêng ở xã Phước Năng khá bỡ ngỡ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước và tính hiệu quả của HTX nên bà con thấy được lợi ích của mình và tham gia ngày càng tích cực.
Lãnh đạo HTX này cho biết luôn cố gắng vận động bà con tham gia cùng HTX để sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng để bán lấy tiền. HTX cũng đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP lúa hữu cơ, gạo lứt hữu cơ để giúp bà con Giẻ Triêng ở Phước Năng thoát nghèo bền vững.
Từ việc vận động bà con Giẻ Triêng ở Phước Năng thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên hiệu quả sản xuất hiện nay đạt cao hơn trước rất nhiều, khác hẳn so với cách làm truyền thống như trước đây.
Chẳng hạn, với mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX thì bà con được tập huấn kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch hại…tất cả đều phải thực hiện theo hướng hữu cơ, không có sự can thiệp bởi hóa chất bảo vệ thực vật. Nhờ đó mà quy mô của mô hình trồng lúa hữu cơ tại địa phương tăng lên hàng chục héc ta, tăng năng suất và giá bán gấp 3-4 lần, giúp bà con nâng cao thu nhập.
Mang lại cuộc sống đủ đầy
Không chỉ ở Phước Năng, đồng bào Giẻ Triêng trong các xã khác của huyện Phước Sơn đang có những chuyển biến trong tư duy sản xuất nông nghiệp, thay đổi nếp nghĩ cách làm và tham gia vào hoạt động kinh tế hợp tác để có cuộc sống đủ đầy hơn.

Nhờ cách làm mới, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của các HTX, tổ hợp tác đã giúp cho đồng bào Giẻ Triêng ở huyện Phước Sơn có nhà cửa khang trang.
Như ở thôn 1 xã Phước Đức (huyện Phước Sơn) là nơi mà người Bhnong (dân tộc Giẻ Triêng) chiếm hơn 60%, đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên nhiều hộ dân đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Điển hình như hộ gia đình chị Hồ Thị Nhé đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, với cây trồng chủ lực là keo lai và phát triển chăn nuôi bò, heo đen (bản địa), gà ta thả vườn.
Để nâng cao hiệu quả mô hình, chị dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do ở tỉnh Quảng Nam và huyện Phước Sơn tổ chức. Chị cũng tích cực tham gia sinh hoạt hội làm vườn nhằm học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để liên kết bao tiêu sản phẩm.
Nhờ vừa học hỏi vừa ứng dụng vào thực tế nên những năm qua, loại cây trồng, con vật nuôi trong trang trại của chị Nhé sinh trưởng và phát triển ổn định, cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước, như hồi năm rồi đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng. Qua đó giúp gia đình chị vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống và xây được ngôi nhà khang trang, có tiền nuôi con ăn học…
Hay như ở thôn 1, xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn) có tổ thu mua quế với 16 thành viên, trong đó chủ yếu là bà con Giẻ Triêng. Nhờ tổ này hoạt động hiệu quả, đầu ra ổn định, đã giúp tạo công ăn việc làm, tăng cao thu nhập cho bà con.
Như chia sẻ bà Hồ Thị Hương - người Giẻ Triêng, ở thôn 1, xã Phước Chánh, vừa là thành viên và vừa lao động ở tổ thu mua quế: Mỗi tháng tôi nhận được 5 - 6 triệu đồng, có tiền chăm lo cho gia đình, mà công việc cũng không nặng nhọc lắm khi tham gia vào các công đoạn, lột vỏ, tỉa cành, hạ cây, đập vỏ và phơi quế.
Lãnh đạo xã Phước Chánh cho biết bà con Giẻ Triêng trong xã ngày càng tích cực tham gia vào các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn bên cạnh tổ thu mua cây quế thì chính quyền xã còn triển khai mô hình nuôi heo đen, trồng chanh không hạt, rừng kinh tế và nuôi bò sinh sản. Các mô hình liên kết giúp bà con Giẻ Triêng chia sẻ kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm, từ đó yên tâm sản xuất và tăng thu nhập.
Bắt nhịp thị trường trong sản xuất
Ngoài ra, có thể kể đến Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Phước Lộc đang thu hút đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) tham gia vào mô hình nuôi ong lấy mật.

Với tư duy bắt nhịp thị trường trong sản xuất kinh doanh, các mô hình HTX, tổ hợp tác ở Phước Sơn đang góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào Giẻ Triêng.
Nhờ tham gia tổ hợp tác với sự khuyến khích của chính quyền địa phương nhằm tăng sản lượng mật ong và nuôi ong rừng tự nhiên liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đa số bà con Giẻ Triêng trong xã Phước Lộc đều sở hữu hàng chục bọng ong.
Là một người Giẻ Triêng và tham gia vào tổ hợp tác, anh Hồ Văn Thước, trú thôn 3, xã Phước Lộc, cho biết mỗi bọng ong nuôi trong rừng tự nhiên trong một năm thu ít nhất nửa lít mật, nhiều thì cũng được 5 lít. Nghề làm chỗ để nuôi ong trong rừng đang mang lại thu nhập cho bà con Giẻ Triêng trong xã.
Để góp phần giúp cho đời sống của đồng bào Giẻ Triêng ở Phước Sơn ngày càng đủ đầy thì thời gian qua Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã có những hỗ trợ cụ thể để hoạt động kinh tế hợp tác ở đây phát triển hiệu quả hơn nữa.
Nhất là nhân rộng mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất hiệu quả gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện Phước Sơn và của đồng bào Giẻ Triêng (vốn chiếm khoảng 75% dân số toàn huyện), và tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con tiếp cận kiến thức mới, thay đổi tập quán canh tác truyền thống, góp phần cải thiện kinh tế. Thông qua đó giúp cho bà con Giẻ Triêng thay đổi nếp nghĩ, loại bỏ các phương thức sản xuất, canh tác cũ lạc hậu.
Với tư duy đổi mới, bắt nhịp thị trường trong sản xuất kinh doanh, các mô hình HTX, tổ hợp tác ở miền núi Phước Sơn đang góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Giẻ Triêng nói riêng trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó, góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cũng quan tâm hỗ trợ phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của các HTX, tổ hợp tác ở huyện Phước Sơn. Điều này đã tác động tích cực, mạnh mẽ đến sản xuất và tiêu thụ, giúp thu nhập của đồng bào Giẻ Triêng được nâng lên, thoát cảnh nghèo khó.