Kinh tế có tín hiệu phục hồi, nhưng còn tác động bởi biến số bên ngoài

Mặc dù nền kinh tế đang có những tín hiệu phục hồi, nhưng các chuyên gia cho rằng, các yếu tố bên ngoài vẫn còn khá nhiều biến số, điều đó có thể có những tác động khác nhau đối với kinh tế thế giới, cũng như Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. Ảnh tư liệu

Kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. Ảnh tư liệu

Kinh tế nội tại đang phục hồi

Nội dung thảo luận của các chuyên gia tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức tại Hà Nội đã mở ra nhiều góc nhìn bao quát về nên kinh tế.

Tỷ lệ lạm phát Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát

Lạm phát đúng là có nhích tăng thời gian qua và có thể sẽ còn là vấn đề đáng quan tâm trong những tháng tới đây, nhưng tỷ lệ lạm phát Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát theo chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra ở mức 4,5% - TS. Cấn Văn Lực

Với chủ đề diễn đàn “Ứng biến trong vạn biến”, trong đó nội dung xoay quanh các vấn đề kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều biến động, rủi ro địa chính trị tăng cao, lạm phát còn dai dẳng và có sự phân cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia có tác động tới kinh tế Việt Nam, Mỹ và châu Âu tiếp tục thắt chặt, trong khi các quốc gia châu Á đã xoay trục sang nới lỏng. Vì vậy, việc nhận rõ những biến số quan trọng tác động đến kinh tế để xây dựng kịch bản đầu tư chủ động, linh hoạt là vô cùng cần thiết. Ứng với mỗi kịch bản kinh tế sẽ là một danh mục tài sản đầu tư được xây dựng cẩn trọng và bền vững, lựa chọn kỹ càng sản phẩm đầu tư từ đơn vị uy tín sẽ là vấn đề mấu chốt vừa mang lại hiệu quả, vừa quản trị rủi ro chặt chẽ và phù hợp khẩu vị cho từng nhà đầu tư Việt Nam.

Đánh giá chung về bối cảnh nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, các yếu tố vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn phục hồi tốt.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, động lực chính của nền kinh tế là sự phục hồi vĩ mô đang diễn ra ổn định, lãi suất giảm, nợ công trong tầm kiểm soát và ở mức an toàn hơn với các nước tương đồng như Việt Nam. Về tăng trưởng kinh tế, dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6%, tuy chưa bằng tốc độ tăng trưởng trước dịch, nhưng đó cũng là tích cực trong các năm gần đây.

Ngoài ra về vĩ mô, một số yếu tố được cho là “điểm “gợn” thời gian qua là tín dụng, tỷ giá, lạm phát…, nhưng các chuyên gia cho rằng, đó cũng không phải là quá xấu. Ví dụ, tín dụng các tháng đầu năm tuy tăng trưởng chậm, nhưng nếu tính theo năm thì tín dụng vẫn đạt tốc độ khá cao. Nói thêm về tỷ giá và lạm phát, ông Lực cho biết, tỷ giá biến động mạnh thời gian qua, nhưng nằm trong diễn biến chung của các đồng tiền khác trên thế giới và với sự phục hồi xuất khẩu hiện nay thì tỷ giá sẽ bớt áp lực hơn.

Nhiều biến số từ các yếu tố bên ngoài

Theo các chuyên gia, các yếu tố bên ngoài có thể có những tác động khác nhau đối với kinh tế thế giới, cũng như Việt Nam. Ông Tống Quốc Đạt - Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao ExnessInvestment Bank cho biết, dự báo tổng hợp từ 80% các ngân hàng hồi năm 2023 là USD giảm mạnh trong năm nay và cơ sở để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, nhưng các dự đoán đã sai và điều đó đã không xảy ra. Tuy nhiên, có nhiều sự thay đổi, trong năm 2024 là nền kinh tế Mỹ trở nên rất mạnh trong năm 2024, hiện tại dù vĩ mô có một số vấn đề, nhưng nhìn chung so tương quan về GDP của Mỹ vẫn mạnh hơn so với các nước phát triển khác.

Về hành động của các nền kinh tế lớn khác, hiện nay Ngân hàng Trung ương châu Âu đang xem xét giảm lãi suất, lý do dẫn đến hành động này là lạm phát của châu Âu đang trên đà giảm ổn định và chắc chắn hơn Mỹ. Do đó, châu Âu sẽ giảm lãi sớm và mạnh hơn so với FED. Điều này vô hình chung làm tăng sức mạnh của đồng USD.

Nói về tương quan nền kinh tế thế giới hiện tại, ông Nguyễn Bá Hùng - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, kinh tế thế giới trong năm nay đang tiếp tục khó khăn, nhưng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sáng sủa hơn nơi khác. Thực tế là Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 6% trong năm này và đó cũng là mức tăng trưởng cao hơn mặt bằng khu vực.

Ngoài ra, một số yếu tố chính trị cũng có thể ảnh hưởng chung tới kinh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chẳng hạn như cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ diễn ra tháng 11 có thể có những thay đổi về chính sách của Mỹ tùy thuộc vào kết quả bầu cử. Hoặc, các yếu tố cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể tạo các yếu tố mới tác động đến các chuỗi sản xuất trong kinh tế toàn cầu.

ÔNG NGUYỄN BÁ HÙNG - KINH TẾ TRƯỞNG NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á: Cần kích cầu nội địa, mở rộng thị trường

Các yếu tố kinh tế khu vực có thể đáng quan tâm là việc nền kinh tế Trung Quốc có triển vọng tốt hơn dự kiến, họ có thể tăng trưởng tới 5,5% trong năm nay, trong khi các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc.

Nếu nghiên cứu kỹ hơn các yếu tố tăng trưởng của Trung Quốc có thể có 2 đánh giá. Chẳng hạn hiện nay Trung Quốc đang có tồn kho lớn và họ bán hàng với giá rẻ ra các thị trường trong khu vực, động thái này có thể có ảnh hưởng không tích cực đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn do hàng hóa Trung Quốc bán giá rẻ. Đối với nền kinh tế của Việt Nam, do là nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu nhiều, quy mô xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP, vì thế giải pháp của Việt Nam cần tăng cường hợp tác trong khu vực.

Với kinh tế Mỹ, có thể giảm lãi suất vào tháng 9, mặc dù thị trường kỳ vọng nhiều vào việc này, nhưng điều đó cũng có thể có những mặt tiêu cực. Mỹ khi quyết định hạ lãi suất thì thường do kinh tế có dấu hiệu suy yếu, nhưng như vậy là nhu cầu giảm, mà đây lại là thị trường lớn của Việt Nam. Trong bối cảnh này, cầu nội địa là khá quan trọng, phụ thuộc vào các chính sách đồng bộ như kích cầu nội địa, đầu tư công, thể chế…

ÔNG TRƯƠNG VĂN PHƯỚC - NGUYÊN QUYỀN CHỦ NHIỆM ỦY BAN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA: Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Quan sát động thái chính sách của các nước trên thế giới thời gian qua cho thấy, mỗi chính sách đều có những mục tiêu riêng. Chẳng hạn giai đoạn Covid-19, các nước bơm tiền kích thích nền kinh tế và chấp nhận lạm phát. Đó là bài học kinh nghiệm của từng quốc gia và Việt Nam đã có các hành động hợp lý.

Thời gian qua chúng ta đã có các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa phù hợp với tình hình thực tế, đây là một bước tiến. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần cải thiện, đó là chính sách đến người dân còn chậm, nếu điều này làm tốt hơn, linh hoạt hơn thì nền kinh tế có thể sẽ khởi sắc hơn.

Nhìn tổng thể, nền kinh tế hiện nay chủ yếu là các yếu tố lạc quan, nhưng một trong những giải pháp chúng ta cần quan tâm là vấn đề thể chế. Thể chế cần được cải cách nhanh toàn diện, từ đó sẽ tạo thêm động lực và nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-co-tin-hieu-phuc-hoi-nhung-con-tac-dong-boi-bien-so-ben-ngoai-152605-152605.html
Zalo