Kinh tế 6 tháng vượt kỳ vọng

GDP quý II/2024 tăng trưởng tích cực, giúp GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, cho thấy kinh tế cả năm có khả năng đạt 'cận cao' mục tiêu tăng trưởng năm nay (mức 6,5%).

GDP quý II tăng trưởng bứt phá

Về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội quý II/2024, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Số liệu của TCTK vừa công bố cho thấy, GDP quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức 4,25% trong quý II/2023 và chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024.

Tăng trưởng 6,93% trong quý II có thể xem là khá bứt phá, trong bối cảnh nhiều dự báo trước đó đều chỉ quanh mức 6% so với cùng kỳ. Đơn cử tại báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý II này sẽ chỉ đạt khoảng 5,3%; HSBC dự báo ở mức 6%; Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo ở mức 5,9 - 6,3% (GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8 - 6,2%)...

Mức tăng vượt kỳ vọng trong quý II đã giúp GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, tức chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Trong tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%. Số liệu này cho thấy, trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì đà tăng ổn định thì khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực hơn.

Một trong những điểm nhấn tích cực nhất trong bức tranh kinh tế 6 tháng là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Một trong những điểm nhấn tích cực nhất trong bức tranh kinh tế 6 tháng là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Một trong những điểm nhấn tích cực nhất trong bức tranh kinh tế 6 tháng là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm vẫn đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là bước chuyển biến rất quan trọng bởi cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 318,6 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 166 tỷ USD, giảm 11,3%; nhập khẩu đạt 152,6 tỷ USD, giảm 18,0%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước thặng dư 11,63 tỷ USD, mặc dù vẫn thấp hơn mức thặng dư 13,44 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, song kết quả trên cho thấy xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng trong quý II và 6 tháng đầu năm năm 2024.

Gắn chặt với tăng trưởng xuất nhập khẩu là sự cải thiện của sản xuất công nghiệp. Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Xây dựng, TCTK, đà phục hồi từ quý I/2024 của sản xuất công nghiệp tiếp tục rõ nét hơn trong quý II. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước: quý I/2024 tăng 5,9%; quý II/2024 ước tăng 9,5%; 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3/4 số ngành công nghiệp cấp I (gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) tăng so cùng kỳ năm trước với mức tăng lần lượt là: 8,5%; 13,0% và 6,3%.

Đáng chú ý theo bà Nga, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tiếp tục đà tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn, 6 tháng đầu năm tăng 8,5% so cùng kỳ (trong khi cùng kỳ năm trước giảm 1,8%). Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành xuất khẩu chủ lực tăng trưởng khá. Đơn cử, nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta trong thời gian qua - đã có sự phục hồi rõ rệt: quý I tăng 0,3%; quý II tăng 17,4%; 6 tháng đầu năm tăng 8,6%.

Giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp

Bên cạnh các điểm tích cực, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 còn một số khó khăn như: Một số ngành phục hồi chưa thực sự rõ nét, chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước (sản xuất ô tô và xe có động cơ giảm 5,5%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 3%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 2%...).

"Có thể nhận định rằng, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng 6 tháng đầu năm nay mới chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020, vẫn thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2021, 2022, cho thấy ngành công nghiệp chưa thể hoàn toàn phục hồi như trước dịch Covid-19”, bà Phí Thị Hương Nga phân tích.

Bước sang quý III/2024, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng quý II và 6 tháng đều vượt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,2% và 6,0%) và nền kinh tế không chỉ đối mặt với khó khăn, thách thức mà đan xen với đó là cơ hội, có cơ sở để tin tưởng tăng trưởng cả năm sẽ đạt mức cận cao (6,5%) theo mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Hương, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% của năm 2024 cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân cả nước. “Cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định kinh tế - chính trị - xã hội; đảm bảo các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; phát huy hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm. Các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân...", Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề xuất.

Về các giải pháp cụ thể, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, TCTK kiến nghị: các ngành, lĩnh vực cần bám sát tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động ứng phó với rủi ro phát sinh, tập trung vào các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường; Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các kênh phân phối sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Trên góc độ sử dụng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công để đảm bảo hoàn thành mục tiêu và lan tỏa tới các ngành kinh tế khác; Xây dựng và thực hiện mạnh mẽ các chính sách, chương trình thúc đẩy tiêu dùng hộ dân cư, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa; Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/kinh-te-6-thang-vuot-ky-vong-153076.html
Zalo