Kinh tế 6 tháng tăng trưởng cao hơn kịch bản đề ra

Kinh tế Việt Nam quý II năm 2024 tiếp tục khởi sắc sau đà tăng trưởng trong quý I. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2024 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024.

Nếu không có biến động lớn, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%. Ảnh tư liệu

Nếu không có biến động lớn, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%. Ảnh tư liệu

Xu hướng phục hồi rõ nét hơn

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%, cao hơn mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2020, 2021 và 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022.

“Kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra 5,5% - 6% là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. Con số này đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay.

Tăng trưởng cả năm có khả năng đạt khoảng 5 - 6,5%

Căn cứ tình hình thế giới, kết quả kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, nếu không có biến động lớn, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội; đảm bảo các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia Nguyễn Thị Mai Hạnh, trong 6 tháng đầu năm, có một số yếu tố tác động thuận lợi đến tình hình kinh tế xã hội. Đó là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động có giải pháp ứng phó, thích ứng linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, chắc chắn trước các vấn đề phát sinh, tháo gỡ được nhiều vướng mắc đồng thời bảo đảm hài hòa giữa xử lý tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn.

Nhu cầu tại các thị trường lớn đang được cải thiện, nhu cầu hàng hóa tăng lên, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã có đơn hàng mới, vì thế hoạt động sản xuất trong nước được thúc đẩy và hoạt động xuất, nhập khẩu sôi động trở lại.

Đầu tư công tiếp tục được quan tâm và tiến độ thực hiện giải ngân được đẩy nhanh ngay từ những tháng đầu năm. Vốn FDI tăng trưởng tốt, giúp tăng năng lực, mở rộng sản xuất trong nước…

Nhu cầu nội địa từng bước phục hồi dù chưa đạt như kỳ vọng nhờ các biện pháp kích cầu. Chính phủ hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 8%; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường…

Sản xuất chưa phục hồi bằng mức trước đại dịch

Bên cạnh đó, yếu tố khó khăn ảnh hưởng đến kinh tế 6 tháng qua trước hết là áp lực lạm phát trong nước. Mặt bằng giá cả trong nước vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng đang tạo áp lực lên chỉ số giá trong nước do điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý. Mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, cuộc xung đột ở Biển Đỏ, Nga - Ukraina khiến giá hàng hóa, giá xăng dầu, giá cước vận tải tăng..., làm gia tăng chi phí sản xuất. Rủi ro tỷ giá cùng với việc đẩy mạnh nhập khẩu để phục vụ sản xuất gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó, nội lực của nền kinh tế chưa mạnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng mức độ bền vững còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các ngành; khó khăn trong sản xuất còn tiềm ẩn do cầu trong nước và quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn; các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Nhìn từ những con số thống kê, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đánh giá kinh tế quý II/2024 có dấu hiệu đang phục hồi, tốc độ tăng trưởng đã đạt tương đương các quý II trước đại dịch. Trong đó, động lực tăng trưởng chính nhờ công nghiệp và xây dựng và một số ngành dịch vụ phục hồi… Đặc biệt, so với năm 2023, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 đã phục hồi mạnh mẽ với chỉ số PMI tháng 6 tăng mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý dù sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi, nhưng chưa bằng mức trước đại dịch, còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường nước ngoài. Xuất khẩu phục hồi mạnh ngay từ đầu năm, nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm. Nếu năng lực sản xuất hiện nay không được mở rộng và nhu cầu nhập khẩu bên ngoài không tăng mạnh, nhiều khả năng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ giảm nhiều so với 6 tháng đầu năm.

Đáng chú ý là số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với số rút khỏi thị trường thấp chưa từng thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp vẫn còn chậm phục hồi. “Các chỉ số tăng trưởng 6 tháng cuối năm có khả năng giảm dần so với quý II và 6 tháng đầu năm, khi cầu nhập khẩu bên ngoài có thể vẫn chưa phục hồi chắc chắn” - ông Nguyễn Đình Cung nhận định.

BÀ NGUYỄN THU OANH - VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ GIÁ (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Tốc độ tăng lương cao hơn nhiều tốc độ tăng CPI

Tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 108%. Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, nếu như trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát. Tuy vậy, hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng vẫn xảy ra, do đó Tổng cục Thống kê đề nghị cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp kiểm soát, ổn định giá cả.

ÔNG PHẠM HOÀI NAM - VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ DÂN SỐ VÀ LAO ĐỘNG (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn

Trong 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với 66,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước; 23,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, giảm 8,8%; và gần 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 8,4%. Trung bình mỗi tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tình hình doanh nghiệp khó khăn cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên trong quý này so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2024 là 2,29%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-6-thang-tang-truong-cao-hon-kich-ban-de-ra-154167-154167.html
Zalo