Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược (P.1)
Kinh Diệu pháp Liên Hoa thuộc kiểu kép giữa pháp và ví dụ. 'Diệu' là diệu kỳ, diệu pháp muốn nói tới sự màu nhiệm của pháp, ở đây là so sánh với hoa sen (Liên hoa). Hoa sen được ví dụ cho 'pháp', tuy mọc ở nơi bùn bẩn nhưng lại không nhiễm bẩn
1. Giải thích tên kinh
Tên kinh được phân loại thành “Thất chủng lập đề” tức 7 loại tên kinh. Tên kinh được đặt dựa vào 3 thành phần đó là “người, pháp và ví dụ”. Dựa vào đây mà chia thành bảy loại tên kinh được phân ra 3 nhóm như sau:
Đơn có 3 loại - Kép có 3 loại - Đầy đủ có 1 loại
Thế nào là tên kiểu “Đơn”: Tên kinh đơn tức là chỉ đề cập đến 1 trong 3 thành phần trên
Ví dụ tên kinh theo người: Kinh Duy – Ma – Cật. Tức kinh về ông Duy – Ma – Cật. Ví dụ tên kinh theo pháp: Kinh Pháp cú. Tức kinh chia sẻ về những câu pháp, lời dạy. Ví dụ tên kinh theo ví dụ: Kinh Phạm võng. Phạm võng tạm hiểu là cái lưới bao trùm cả thế gian, khiến con người bị chấp vào tà kiến, phạm võng chính là hình ảnh ví dụ để kinh làm biểu tượng giảng giải.
Thế nào là tên kiểu “Kép”: Tên kinh ghép “người, pháp”; “người, ví dụ”, hoặc “pháp, ví dụ”
Ví dụ tên kinh ghép “người, pháp”: Kinh Vu Lan báo hiếu. Vu Lan là “người”, báo hiếu là “pháp”. Ví dụ tên kinh ghép “người, ví dụ”: Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Thuộc trong Trường Bộ Kinh). Kinh này lấy tiếng sư tử hống làm ví dụ để giảng giải về uy nghi của “người” ở đây là vị Chuyển luân Thánh vương. Ví dụ tên kinh ghép “pháp, ví dụ”: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Tức dùng ví dụ là hoa sen (Liên hoa) để nói về kỳ diệu, màu nhiệm của “pháp”.
Thế nào là tên loại đầy đủ: Tên kinh gồm cả người, pháp và ví dụ
Như Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật. “Người” là Phật, “pháp” là Đại Phương, và “ví dụ” là hoa sen.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa thuộc kiểu kép giữa pháp và ví dụ. “Diệu” là diệu kỳ, diệu pháp muốn nói tới sự màu nhiệm của pháp, ở đây là so sánh với hoa sen (Liên hoa). Hoa sen được ví dụ cho "pháp", tuy mọc ở nơi bùn bẩn nhưng lại không nhiễm bẩn, đó chính là biểu trưng cho vẻ màu nhiệm.
2. Đức Phật nhập Niết bàn rồi, nương theo ai làm thầy, y theo pháp gì mà trụ?
Chúng sinh nương theo giới hạnh làm thầy, dùng trí tuệ mà quán sát lấy việc lành, việc thiện. Y theo “Tứ niệm xứ” để trụ, “tứ” là 4, “niệm” là ghi nhớ đúng đắn, “xứ” là nơi, chốn; cụ thể ở đây là quán 4 thứ: Thân, thọ, tâm, pháp.
Quán thân bất tịnh
Thân thể dù có tắm rửa đến thế nào, vẫn sẽ bẩn trở lại, vẫn có chỗ bẩn, không thể sạch sẽ, từ trên đỉnh đầu xuống, thân thể con người cũng không tìm được chỗ nào thanh tịnh. Trên thân xác lại còn có 9 chỗ chứa, đào thải những thứ bất tịnh như 2 hốc mắt (nước mắt, gỉ mắt), 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai, miệng (đờm, nước rãi), 2 chỗ đại tiểu tiện.
Biết thân thể không sạch sẽ thì không còn tham đắm, không còn chấp thân, không để dục vọng thân xác quấy nhiễu nữa.
Quán thọ là khổ
Thọ là cảm nhận, là thọ lãnh, trong trần thế mọi cảm nhận đều khổ, những cảm giác lạc do dục, ái muốn đem lại đều vô thường và biến mất. Điều đó gia tăng lòng tham, lòng si cho chúng sinh, là nhân cho hành động bất thiện.
Quán tâm vô thường
Tâm ở đây là tâm niệm suy nghĩ (ý thức), các dòng chảy ý thức vô thường như sóng trong biển, niệm sau sinh thì đè niệm trước diệt, nối nhau không ngừng.
Quán pháp vô ngã
Mọi pháp đều không có tự tính, đều đổi thay theo thời gian, đổi thay theo cảm xúc, ý thức vô thường của chúng sinh. Chấp vào pháp, tham ái vào pháp là tự dẫn tới luyến tiếc, khổ đau.
3. Tam giới
Tam giới gồm có Dục giới (với 14 cõi) , Sắc giới (với 7 cõi) và Vô sắc giới (với 4 cõi).
Mười bốn cõi thuộc Dục giới
Bốn đại châu: Đông Thắng Thần châu, Nam Thiệm Bộ châu, Tây Ngưu Hóa châu, Bắc Câu Lưu châu.
Bốn đường ác: A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.
Sáu cõi trời dục giới: Tứ Thiên vương, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Xuất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại.
Bảy cõi thuộc Sắc giới
Trời Tứ thiền: Trời Sơ thiền, trời Nhị thiền, trời Tam thiền, trời Tứ thiền.
Trời Đại Phạm.
Trời Vô Tưởng.
Trời Ngũ Bất Hoàn.
Bốn cõi thuộc Vô sắc giới gọi là "Trời Tứ Không xứ"
Trời Không vô biên xứ.
Trời Thức vô biên xứ.
Trời Vô sở hữu xứ.
Trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
4. Mười hai hạnh đầu đà khổ hạnh theo kinh Diệu pháp Liên Hoa
(1). Mặc y phấn tảo: Loại y chắp vá, nhặt ở nơi vứt đi, mục đích để hiểu rõ y để che thân, không phải để tham đắm, hoặc chứng minh mình là nhà tu hành.
(2). Chỉ có 3 y: Một cái dùng cho việc vào cung vua, đi khất thực, thuyết pháp; một cái dùng cho việc hội họp với tăng chúng tụng kinh, nghe pháp, một cái dùng cho bản thân, có thể là giữ ấm, hoặc nghỉ ngơi, hoặc thiền tọa.
(3). Khất thực.
(4). Khất thực có thứ lớp: Không lựa nhà giàu, nhà nào cũng đi, đi lần lượt.
(5). Ngày ăn một bữa: Ăn trước giờ Ngọ (Trước 11 giờ trưa), mục đích để nắm rõ ý niệm ăn để nuôi thân, không xin ăn vào những giờ trái thời điểm ăn, gây lộn xộn tăng đoàn, ảnh hưởng chúng sinh, và dành phần lớn thời gian cho tu tập.
(6). Ăn uống tiết lượng: Tức là tiết chế, không thấy vật gì ngon là cứ ăn mỗi vật đó, không kén chọn, không ăn quá nhiều, biết san sẻ cho người xin được ít.
(7). Quá giờ ngọ không uống nước có chất bổ.
(8). Ở nơi gọi là “A Lan Nhã”: Dịch là nơi vắng lặng, là nơi xa thành thị, xa nơi dân cư đông đúc.
(9). Ở dưới gốc cây.
(10). Ở ngoài trời: Để không dính mắc chỗ ở, nhà cửa.
(11). Ở ngoài nghĩa địa: Mục đích để quán vô thường, quán thân thể phân hủy.
(12). Lưng không chạm đất: Tức tọa thiền, ngủ ngồi, không nằm.
5. Thế nào là một vị Bồ tát?
Bồ tát nói đầy đủ là Bồ đề Tát đỏa. "Bồ đề" tượng trưng của giác ngộ, "Tát đỏa" là chúng sinh hữu tình, khái niệm Bồ đề Tát đỏa nói tới chúng sinh đã giác ngộ, đi kèm với những phẩm chất như sau:
(1). Đầy đủ căn cơ: Căn lành gieo trồng sâu dày, hiểu được mọi nghĩa lý, mọi kinh văn.
(2). Đầy đủ trí tuệ: Độ được mọi loại hạng chúng sinh.
(3). Có lòng tín
(4). Tu đại hạnh:
Bố thí: Gồm có tài thí, pháp thí và vô úy thí.
Tài thí là sự cho đi về tài sản, vật chất. Pháp thí là sự thuyết pháp vì lợi ích chúng sinh, không phải tự lợi cá nhân. Tùy theo khả năng đón nhận của đối tượng mà thuyết, giáo hóa người làm ác từ bỏ việc ác. Vô úy thí là sự bố thí lòng dũng cảm, giúp chúng sinh không còn sợ hãi, như người gặp cảnh bất như ý, tai nạn, tâm sợ hãi lo âu, khiến họ tiêu trừ tất cả, làm tâm yên ổn là vô úy thí.
(5). Trì giới
(6). Nhẫn nhục
(7). Tinh tấn
(8). Thiền định
(9). Quán chiếu trí tuệ
(10). Cầu đại quả: Cầu đạt được Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
6. Ba sự khổ của đời người
Khổ khổ: Nỗi khổ cảm nhận đơn thuần như lạnh không có áo mặc, đói không có cơm ăn, khát không có nước uống.
Hoại khổ: Mọi niềm vui, hưởng lạc trần thế đều không bền, vô thường nên gọi là “hoại”, con người sinh tâm tham đắm, luyến tiếc những thứ đó vì vậy mà “khổ”.
Hành khổ: Thế gian “vận hành” niệm niệm biến đổi với 8 sự khổ xoay quanh chúng sinh:
(1) Sinh – (2) già – (3) bệnh – (4) chết – (5) thương yêu mà xa lìa – (6) ghét mà gặp gỡ - (7) cầu mà không được – (8) ngũ uẩn không hòa hợp (ốm đau).
Còn nữa…
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo: Kinh Diệu pháp Liên Hoa giảng giải (Tập 1), Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Hòa thượng Tuyên Hóa giảng giải, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Minh Định, NXB Pagode Kim Quang.