Kim Sơn nỗ lực đẩy lùi đại dịch AIDS
Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/ AIDS trên địa bàn huyện Kim Sơn luôn được quan tâm triển khai với nhiều giải pháp và đạt nhiều kết quả tích cực. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Khắc Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn về những nỗ lực của huyện trong công tác phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu giảm số người nhiễm mới, số tử vong do HIV/AIDS và tiến tới đẩy lùi đại dịch AIDS trước năm 2030. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, tình hình công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện nay?
Đồng chí (Đ/c) Nguyễn Khắc Nghiêm: Kim Sơn là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Ninh Bình với dân số trên 18 nghìn người sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Một bộ phận nam thanh niên từ 15-30 tuổi rời quê hương đi làm ăn xa, buôn bán, đào đãi vàng, khai thác khoáng sản, làm nương rẫy hoặc về các đô thị lao động tự do. Mặt trái của thực trạng này là kéo theo về địa phương và gia đình các tệ nạn như ma túy, HIV/AIDS.
Lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS là người Kim Sơn là 893 trường hợp, trong đó: Tổng số các trường hợp nhiễm HIV còn sống là 564 trường hợp; tổng số trường hợp tử vong do AIDS 329 trường hợp; số bệnh nhân đang điều trị ARV tại huyện là 303 bệnh nhân; bệnh nhân đang điều trị ARV tại khoa Methadone Trung tâm Y tế huyện là 53 trường hợp; số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 381; tư vấn xét nghiệm cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai đến tháng 10/2024 là 1.950 mẫu; đối tượng có nguy cơ cao được tư vấn xét nghiệm125 mẫu; xét nghiệm lưu động là 50;số người nghiện ma túy được quản lý 571 (số đang ở trại, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục là 408).
Nhiễm HIV/AIDS hiện nay chủ yếu là nam giới, là nhóm người có nghề nghiệp không ổn định, sống phụ thuộc vào gia đình, đi làm ăn xa, lao động tự do. Tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV có xu hướng tăng (đặc biệt số phụ nữ bị lây nhiễm qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn với chồng có HIV). Tuổi nhiễm HIV ngày càng có xu hướng "trẻ hóa” hiện nay chủ yếu tập trung trong độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi (59%); 30 đến 39 tuổi (31%). Tình hình nhiễm HIV ở Kim Sơn vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng về địa dư, trẻ hơn về độ tuổi.
Hiện nay có những gia đình cả vợ chồng, con cái hoặc anh em ruột đều bị nhiễm HIV/AIDS. Đã có 23/25 xã, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV / AIDS chiếm 88,9%. Xã có người nhiễm HIV/ AIDS cao nhất hiện nay là 2 xã Ân Hòa và Hùng Tiến; thứ 2 là Kim Định, Đồng Hướng, thị trấn Phát Diệm; còn hai xã hiện nay chưa phát hiện có người nhiễm HIV đó là xã Kim Đông, Kim Hải.
Hình thái lây nhiễm ở Kim Sơn vẫn đang trong giai đoạn tập trung (tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy và thấp hơn ở những quần thể khác). Số liệu báo cáo ca nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS ở Kim Sơn vẫn tăng có thể do nhiễm mới, bệnh nhân đi làm ăn xa giai đoạn cuối về nhà chữa bệnh. Trung tâm Y tế Kim Sơn tập trung nguồn lực, chương trình can thiệp giảm tác hại, giám sát và xét nghiệm sàng lọc cho phụ nữ mang thai, thực hiện chương trình điều trị nghiện thay thế bằng thuốc Methadone làm giảm sự lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.
Phóng viên: Để góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, thời gian qua, huyện Kim Sơn đã thực hiện các giải pháp gì?
Đ/c Nguyễn Khắc Nghiêm: Để đạt các mục tiêu và sẽ chấm dứt căn bệnh AIDS trước năm 2030, các giải pháp được huyện Kim Sơn đặt ra gồm truyền thông, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm và xét nghiệm HIV; cung cấp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho đối tượng như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị thay thế nghiện bằng thuốc Methadone.
Tăng cường giám sát phát hiện ca nhiễm mới. Tăng cường truyền thông để thu dung thêm bệnh nhân mới tham gia điều trị Methadone; tăng cường xét nghiệm CD4, xét nghiệm tải lượng, triển khai tốt hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phối hợp giữa các ban, ngành và huy động cả cộng đồng chung tay thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Chăm sóc, điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm, kể cả điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Triển khai các hoạt động chăm sóc tại cộng đồng là cách chăm sóc ít tốn kém, giảm gánh nặng cho gia đình và các cơ sở y tế nhằm xua tan mặc cảm của người nhiễm HIV, góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm.
Bên cạnh đó, tiếp tục vận động thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng các chương trình tuyên truyền, phổ biến tác hại của HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/ AIDS nhằm khống chế lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
Phóng viên: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, huyện Kim Sơn tập trung vào những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Khắc Nghiêm: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/ AIDS năm 2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS-Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Theo đó, huyện Kim Sơn có các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo với hình thức tổ chức phù hợp.
Tập trung phổ biến về các nội dung về tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay; các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP); điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV); điều trị các bệnh đồng nhiễm cho người nhiễm HIV; điều trị dự phòng lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV; thông tin, truyền thông về các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tấm gương thầy thuốc, cơ sở y tế, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả.
Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/ AIDS như: khuyến khích các địa phương, đơn vị tổ chức Lễ phát động, các cuộc mít tinh hoặc các sự kiện thích hợp trong Tháng hành động tại các xã, thị trấn, trường học, cụm công nghiệp và cộng đồng dân cư để huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.
Đồng thời, triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác như: Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm (xét nghiệm HIV online); dự phòng điều trị PrEP; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Tiếp tục mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS cho người lao động; căn cứ tình hình thực tế để nghiên cứu, xem xét việc nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!