Kiều bào ở Cộng hòa Séc: Bảo tồn tiếng Việt là gìn giữ hồn dân tộc
Giữa dòng chảy hội nhập và đa văn hóa tại Cộng hòa Séc, tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là sợi dây thiêng liêng kết nối các thế hệ người Việt với cội nguồn dân tộc.
Với khoảng 100 nghìn người, cộng đồng người Việt Nam là một trong những nhóm dân tộc thiểu số lớn tại Cộng hòa Séc. Trong đời sống xa xứ, người Việt luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, chú trọng giữ gìn văn hóa truyền thống. Đặc biệt, việc bảo tồn tiếng Việt cho thế hệ sau được đặt lên hàng đầu và gia đình chính là nơi trẻ em được nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt, từ đó hình thành ý thức về nguồn cội.

Học tiếng Việt là "hơi thở" trong dòng chảy đời sống của kiều bào xa quê.
Từ thành phố Brno, chị Trần Thu Thủy chia sẻ, việc con em thông thạo tiếng Việt là mong mỏi chung của nhiều phụ huynh Việt tại Cộng hòa Séc. Bản thân chị cũng đang dạy lớp tiếng Việt miễn phí. Năm 2023, chị Thủy đã về Việt Nam tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào.
Theo chị, trong môi trường sống xa quê, cơ hội tiếp xúc với tiếng Việt của các thế hệ sau thường chỉ giới hạn trong gia đình. Vì vậy, để tiếng Việt trở thành “hơi thở” gắn bó với đời sống, cần sự nỗ lực của toàn cộng đồng, học ở lớp và luyện tập ở nhà. Chị Thủy nhấn mạnh: Tiếng Việt cần được xem là tiêu chuẩn hàng đầu trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền lại những giá trị của dân tộc cho các thế hệ kế tiếp. Tinh thần này đã được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng người Việt ở Séc.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Chi hội Người Việt cùng gia đình luôn chú trọng việc dạy con cháu học tiếng Việt từ nhỏ. Không chỉ gia đình ông mà nhiều gia đình người Việt khác cũng đang làm điều tương tự. Trẻ em học tiếng Séc ở trường nhưng khi về nhà, bố mẹ luôn khuyến khích con nói tiếng Việt như một cách giữ gìn văn hóa dân tộc.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã có nhiều đóng góp cho phong trào giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng. Gia đình ông đã sáng lập và duy trì một mô hình giảng dạy tiếng Việt mang tên “Trường học Gia đình” (GĐ-Skola), như một điểm sáng trong công cuộc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ nơi đất khách.
Đồng hành cùng các gia đình là các lớp học tiếng Việt do kiều bào mở. Bà Phạm Bích Hồng, cư trú tại thành phố Ostrava, đã gắn bó với Cộng hòa Séc hơn 35 năm. Hiểu rõ nỗi niềm của người con xa quê, năm 2018, khi cộng đồng kêu gọi mở lớp dạy tiếng Việt, bà Hồng đã tình nguyện đứng lớp, mong muốn truyền lại tiếng mẹ đẻ cho các em nhỏ. Từ những ngày đầu các bé còn bập bẹ đến lúc có thể hiểu và giao tiếp bằng tiếng Việt là hành trình không dễ dàng, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cô giáo cũng như từ phụ huynh.
Lớp học miễn phí chỉ diễn ra 2 buổi mỗi tuần nhưng luôn thu hút đông đảo học sinh. Dù trời mưa hay tuyết rơi, các em vẫn đến đầy đủ và đúng giờ. Bà Hồng cùng các giáo viên khác không nhận thù lao bởi họ coi đây là trách nhiệm và sứ mệnh góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.
Sau khi người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc, các cô giáo đã đứng ra vận động tài trợ để cải thiện cơ sở vật chất lớp học và nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Kinh phí này được dùng để mua sắm sách vở, bàn ghế, thiết bị học tập và tranh ảnh phục vụ việc giảng dạy.
Giữa dòng chảy hội nhập và đa văn hóa tại Cộng hòa Séc, tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là sợi dây thiêng liêng kết nối các thế hệ người Việt với cội nguồn dân tộc. Những lớp học miễn phí, những tấm lòng tình nguyện và sự đồng lòng từ mỗi gia đình Việt đã và đang góp phần thắp sáng ngọn lửa văn hóa trong cộng đồng xa xứ. Gìn giữ tiếng Việt không chỉ là bảo vệ một ngôn ngữ mà còn là giữ gìn hồn dân tộc, để mỗi người con Việt dù ở bất kỳ đâu vẫn luôn có một quê hương để trở về trong từng lời nói, tiếng cười và ký ức ngôn ngữ mẹ đẻ.