Kiến tạo lớp học học sâu vì nền giáo dục khai phóng, bền vững
Ngày 19/7, 500 nhà giáo từ 50 trường học cùng thảo luận, trải nghiệm về giảng dạy học sâu, hướng đến việc học thật, hiểu sâu, vận dụng thực tế.

PGS.TS. Phạm Sỹ Nam, Trường Đại học Sài Gòn, thành viên biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, tác giả sách giáo khoa Toán từ lớp 6-12, bộ sách Cánh Diều giới thiệu mô hình RME trong dạy học Toán.
Đây là hoạt động tại sự kiện Vietnam Deeper Learning Conference (VDLC) được khởi xướng từ năm 2025 bởi Trường Phổ thông Liên cấp Olympia.
Sự kiện thường niên này - lấy cảm hứng từ mô hình Deeper Learning của Hoa Kỳ - là không gian kết nối chuyên môn, lan tỏa thực hành giáo dục khai phóng và truyền cảm hứng đổi mới sư phạm.
Trong bối cảnh giáo dục không ngừng chuyển mình trước yêu cầu của thời đại toàn cầu, việc nuôi dưỡng năng lực học tập sâu, tư duy phản biện và khả năng thích nghi đã trở thành sứ mệnh cốt lõi của người làm giáo dục.
Với niềm tin rằng sự thay đổi bắt đầu từ lớp học, từ người thầy và từng tiết học, Vietnam Deeper Learning Conference hướng đến hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực dạy học sâu, xây dựng cộng đồng học tập chuyên nghiệp và góp phần vun đắp một nền giáo dục nhân văn, toàn diện.

Biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất Kay Nguyễn chia sẻ về học sâu và xu hướng giáo dục hiện đại.
Tại VDLC 2025, các nhà giáo được tiếp cận lý thuyết và mô hình giảng dạy học sâu - hướng đến việc học thật, hiểu sâu, vận dụng thực tế; thực hành trực tiếp các chiến lược giảng dạy sâu sắc thông qua hoạt động nhóm, thảo luận và thiết kế bài học tại chỗ.
Các nhà giáo đồng thời tham gia hơn 30 phiên thảo luận và workshop chuyên biệt theo từng bộ môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lí, STEM, SEL, hướng nghiệp… được dẫn dắt bởi các thầy cô giàu kinh nghiệm của Olympia, cùng biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất - Kay Nguyễn - với nhiều phim được chọn làm đại diện tham dự Oscar 3 năm liên tiếp.
Không chỉ dừng lại ở việc đổi mới phương pháp giáo dục, với chủ đề “Di sản bản địa - Năng lực toàn cầu”, VDLC 2025 đặt ra một tầm nhìn sâu hơn: “Làm sao để lớp học Việt Nam vừa nuôi dưỡng bản sắc văn hóa, vừa trang bị cho học sinh năng lực hội nhập quốc tế?”.
Các phiên thảo luận và workshop trong chương trình theo đó sẽ tập trung vào việc xây dựng lớp học học sâu (deeper learning), nơi giáo viên kết hợp tư liệu bản địa vào các lớp học, để giúp học sinh được phát triển tư duy phản biện, năng lực hội nhập toàn cầu, đồng thời kết nối sâu sắc với văn hóa và bản sắc dân tộc.
Với hơn 10 năm nghiên cứu và thực hành dạy học sâu, Olympia là một trong những trường học đầu tiên tại Việt Nam bản địa hóa thành công triết lý Deeper Learning vào chương trình giảng dạy. VDLC 2025 là bước tiếp theo trong hành trình chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng và lan tỏa tinh thần giáo dục vì sự phát triển bền vững.