Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai
Ngày 12/12, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam tổ chức Tọa đàm 'Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai – Những nội hàm hướng tới'. Đây là Tọa đàm I thuộc Diễn đàn 'Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai' được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và 45 năm hình thành, phát triển của Viện Kiến trúc Quốc gia.
Nội hàm của kiến trúc có giá trị bền vững là gì?
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Trịnh Hồng Việt chia sẻ, kiến trúc đứng đầu tiên trong 7 môn nghệ thuật cơ bản. Sản phẩm của kiến trúc hiện diện thực tế ngay trước mắt chúng ta, qua hình hài, thẩm mỹ từ thành thị đến nông thôn, hình thành và tác động đến lối sống, văn hóa con người, xã hội.
Do vậy, kiến trúc ngày càng phát triển, càng đòi hỏi sự bồi đắp tri thức, đòi hỏi sự thúc đẩy trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Công tác lý luận phê bình, phát huy, gìn giữ di sản kiến trúc - tinh hoa và kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc luôn đóng vai trò quan trọng.
Trước sự phát triển “nóng” hiện nay, khoảng trống trong quản lý và phát triển về kiến trúc vẫn còn lớn, đặc biệt là kiến trúc nông thôn. Vì vậy, giải pháp trong tạo dựng những giá trị bền vững đối với cảnh quan, kiến trúc là cần thiết.
Thúc đẩy phát triển những công trình kiến trúc có giá trị bền vững cho hiện tại và tương lai cần được khích lệ từ những chủ thể hình thành nên chính những công trình kiến trúc này. Thậm chí, nếu các chủ đầu tư đều chú trọng tới những giá trị bền vững đó sẽ đem đến những giá trị lâu dài, thậm chí là di sản của ngày mai…
Chia sẻ về mục tiêu tổ chức Diễn đàn “Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai”, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam Phạm Thanh Huyền cho biết, việc kiến tạo những công trình kiến trúc luôn luôn diễn ra sống động.
Tầng tầng, lớp lớp các công trình đang hiện diện theo thời gian, tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Vậy mỗi công trình cụ thể ấy đang hiện diện ra sao? Những giá trị bền vững có được là gì? Có những giá trị nào của sự tiếp nối bản sắc dân tộc trong mỗi công trình? Hành trình nào dẫn đến những giá trị đó? Làm thế nào để chúng ta có được nhiều công trình có giá trị cao, bền vững cho hiện tại và tương lai? Công trình, kiến trúc đó liệu có trở thành di sản của tương lai không?
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai” như một sự mở đầu cho những nghiên cứu, lý luận, phản biện xã hội về lĩnh vực kiến trúc, đô thị; hướng đến gợi mở, xác định khung tiêu chí về kiến trúc có giá trị, kiến trúc bền vững, kiến trúc di sản trên nhiều khía cạnh.
Tọa đàm số 1 với chủ đề “Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai - Những nội hàm hướng tới” sẽ mở đầu cho chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn. Các chương trình Tọa đàm tiếp theo sẽ được tổ chức định kỳ theo quý trong năm 2025 và các năm tiếp theo, song song với các chương trình khảo sát, nghiên cứu, phản biện thực tiễn về một số kiến trúc - công trình cụ thể. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ tập hợp những nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và khuyến khích phát triển những kiến trúc bền vững, có giá trị cao cho hiện tại và tương lai; tăng cường sự liên kết giữa người thiết kế kiến trúc và chủ đầu tư; khuyến khích phát huy trách nhiệm xã hội đối với các chủ đầu tư hướng đến những công trình, kiến trúc ngày càng có giá trị cao.
Không có kiến trúc bền vững, không có di sản kiến trúc
Trao đổi về nội dung “Giá trị bền vững trong kiến trúc”, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Luận nhấn mạnh, giá trị bền vững trong kiến trúc là một phạm trù nhận thức rộng lớn. Đó có thể là giá trị bền vững tư tưởng – triết học, giá trị bền vững kinh tế - xã hội, giá trị bền vững văn hóa - nghệ thuật, hay đơn thuần là giá trị bền vững sinh thái của công trình kiến trúc.
Kiến trúc cổ Việt Nam đã có những công trình có giá trị bền vững vật thể và phi vật thể. Đó là Khuê Văn Các có giá trị văn hóa - nghệ thuật bền vững vật thể và phi vật thể. Khuôn viên gia đình đồng bằng sông Hồng có giá trị bền vững sinh thái phi vật thể. Làng cổ đồng bằng sông Hồng có giá trị bền vững văn hóa – xã hội phi vật thể nhiều hơn giá trị bền vững vật thể.
Tuy nhiên, một công trình kiến trúc tồn tại trong thời gian, được cộng đồng công nhận là nơi lưu giữ một giá trị nào đó của cộng đồng, công trình đó phải có giá trị bền vững vật thể.
Có những công trình không còn tồn tại, hay tồn tại mà không nguyên mẫu nhưng phản ánh một giá trị lịch sử, một tri thức cộng đồng hay một lưu mẫu truyền thống của cộng đồng, công trình ấy có giá trị bền vững văn hóa - xã hội phi vật thể…
Cũng theo KTS Nguyễn Luận, nếu hôm nay không có kiến trúc bền vững thì ngày sau sẽ không có di sản kiến trúc. Và ngày nay sẽ không có kiến trúc bền vững, nếu không có lý luận về kiến trúc bền vững và các giá trị của kiến trúc bền vững.
Bền vững là một tiến trình, luôn luôn vận động, thay đổi
Đề cập đến kiến trúc có giá trị bền vững, di sản kiến trúc xưa và nay từ góc nhìn lịch sử và bảo tồn di sản, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, bền vững là một trong những yếu tố gắn liền với kiến trúc.
Ở đây cần làm rõ 2 khái niệm, đó là kiến trúc và bền vững. Kiến trúc là không gian con người tạo dựng nên từ trí tuệ, thể hiện trong việc chọn chỗ, chọn hướng, chọn không gian. Điều này gắn liền với mọi thời đại. Vì thế, bền vững phải được biểu hiện trên một tiến trình, luôn luôn vận động, thay đổi.
Hiện nay, công tác bảo tồn mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn xây dựng những công trình mới, nhưng vẫn lấy những kiến trúc thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn làm chuẩn, không có một ngôi chùa nào hiện đại.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đây là chỉ dẫn đơn điệu, không phát triển được nhưng vẫn nhân danh là bảo tồn. “Tại sao chỉ có kiến trúc truyền thống mới là bền vững? Thời đại đã thay đổi, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi khái niệm bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi tính bền vững trong nhận thức, đi đầu là đội ngũ KTS, những người tư vấn cho người dân, từ đó tạo ra sự thay đổi về khái niệm truyền thống, bền vững”.
Các công trình được cho là bền vững hiện nay có trở thành di sản hay không, có phản ánh sự thay đổi và phát triển, có phát huy giá trị của thời đại không? Khi công trình đáp ứng được những điều này thì tính bền vững mới có ý nghĩa. Nếu không, những đô thị mới chúng ta xây dựng sẽ trở thành những di sản nặng nề, rất khó giải quyết trong một tương lai không xa...
Yếu tố nào định hình những công trình có giá trị?
Chia sẻ về nội dung “Vai trò của lý luận phê bình trong kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững”, KTS Trần Thanh Bình đánh giá, lý luận kiến trúc đang ở vị trí quá thấp, không theo kịp với sự sáng tạo. Người sáng tác kiến trúc lúc làm thường không nghĩ tới công trình của mình sẽ trở thành công trình có giá trị cho mai sau.
Phê bình và lý luận kiến trúc có vai trò trong việc thúc đẩy việc sáng tạo kiến trúc. Khi sản phẩm ra đời sẽ đi theo một chu trình là phê bình, thẩm giá, định nghĩa trào lưu và cuối cùng là đưa đến quan niệm, từ đó hình thành phong cách, thay đổi cách nhìn về thẩm mỹ và thúc đẩy sáng tạo.
3 trụ cột của bền vững là xã hội, kinh tế và môi trường, quy vào trong thiết kế sẽ có 3 tiêu chí làm căn cho các nhà phê bình, đó là thích dụng, bền vững và thẩm mỹ. Trên cơ sở đó, phê bình và lý luận sẽ giúp định hình những công trình nào có giá trị cho tương lai.
Những kiến trúc có giá trị bền vững hôm nay có trở thành di sản của ngày mai?
Chia sẻ về nội dung “Những kiến trúc có giá trị bền vững ngày hôm nay liệu có trở thành di sản của ngày mai?”, KTS Trương Ngọc Lân (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, bất cứ KTS nào cũng muốn mình có công trình có giá trị bền vững cho hàng chục, hàng trăm năm sau. Nhưng điều gì có thể tạo ra những công trình như vậy là câu hỏi khiến các KTS đang hành nghề phải băn khoăn.
Theo KTS Trương Ngọc Lân, công trình tốt sẽ trở thành di sản, nhưng cần thời gian dài. Tuy nhiên, nếu chúng ta đáp ứng được các yêu cầu kiến trúc (thích dụng, bền vững, đẹp) thì con đường trở thành di sản kiến trúc sẽ rất gần.
Đối với công trình hiện đại sẽ khó hơn vì những thứ mà chúng ta có thể ca ngợi hôm nay, nhưng ngày mai chưa chắc đã được coi trọng. Ngược lại, những công trình ban đầu bị phản đối, lại có thể được coi là di sản.
Vì vậy, thật khó để biết một công trình hiện đại hay đương đại mới xây dựng, có thời gian tồn tại chưa lâu, chưa mang trong mình dấu ấn lịch sử nào… có thể trở thành di sản trong tương lai hay không.
Tuy nhiên, soi chiếu từ những công trình kiến trúc hiện đại có tuổi đời chỉ vài thập kỷ được UNESCO công nhận gần đây như nhà hát Opera Sydney, 17 công trình của Le Corbusier, hay những tác phẩm có tiềm năng di sản lớn của các kiến trúc sư đạt giải Pritzker, chúng ta có thể hình dung sơ bộ về những điều mà một công trình kiến trúc cần có để tạo nên giá trị bền vững, có thể trở thành di sản trong tương lai.
Cần làm gì để gìn giữ kiến trúc cận đại và đương đại có giá trị?
Để trả lời câu hỏi nêu trên, KTS Nguyễn Tất Thắng (Viện Kiến trúc Quốc gia) cho rằng, kiến trúc là ngành kiến tạo về không gian, chi phối toàn bộ hoạt động sống của con người.
Do đó, có 3 vấn đề cần được thảo luận, làm rõ. Thứ nhất, hiện nay Luật Di sản văn hóa vẫn chưa có khái niệm di sản kiến trúc. Luật Kiến trúc ban hành được 5 năm, đã đến thời điểm Luật cần bổ sung, hiệu chỉnh lại, cần thiết phải đặt ra vấn đề xây dựng quy chế quản lý kiến trúc cho đô thị và nông thôn ở các địa phương.
Thứ hai, kiến trúc là một thành tố của văn hóa, có 4 đặc trưng là tính hệ thống, tính nhân sinh, tính giá trị và tính lịch sử. Nhưng trong Luật Kiến trúc và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/07/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, khi nhắc đến công trình kiến trúc có giá trị thường là công trình kiến trúc truyền thống với 3 đặc trưng cốt lõi (giá trị ổn định, lặp đi lặp lại; được cộng đồng xã hội thừa nhận; lưu truyền từ đời này sang đời khác).
Vấn đề đặt ra là những thứ không phải truyền thống, nhưng có giá trị, vẫn được xã hội thừa nhận thì có phải là kiến trúc có giá trị, là di sản hay không?
Thứ ba, kiến trúc nằm trong 7 loại hình nghệ thuật. Các tác phẩm thuộc loại hình khác khi vừa ra đời có thể trở thành di sản. Trong khi đó, công trình kiến trúc phải trải qua rất nhiều năm mới có thể được coi là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử. Các công trình cận đại và hiện đại có giá trị, nhưng chưa được xếp loại vào công trình có giá trị, di sản thì phải ứng xử như thế nào?
KTS Nguyễn Tất Thắng cho rằng, bền vững là một sự tiếp nối, chồng chất lên, thể hiện tính liên tục của lịch sử. Việc ứng xử cần cân nhắc trong xem xét các giá trị hướng tới bền vững cho tương lai và cần có sự thay đổi, nhìn nhận trong các văn bản pháp luật.
Trong khuôn khổ diễn ra Tọa đàm, các chuyên gia và khách mời đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung được đề cập như trên.