Kiến tạo không gian phát triển mới sau cuộc cải cách lớn
Việc cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là sự kiện chưa từng có trong tiền lệ, đây có thể xem là cuộc cải cách lớn nhất về tổ chức hành chính từ khi thành lập nước đến nay.

Người dân đến làm các thủ tục hành chính trong ngày 1/7 tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Việc 34 tỉnh thành trong cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7/2025 là dấu mốc lịch sử thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước chuẩn bị cho “tầm nhìn trăm năm” phát triển đất nước.
Đây không chỉ là việc hợp nhất địa giới hay tổ chức bộ máy hành chính mà là cuộc cách mạng tái cấu trúc toàn diện về lãnh thổ, thể chế, văn hóa, kinh tế cũng như không gian phát triển, tạo ra các cực tăng trưởng mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu khi đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
TTXVN thực hiện loạt bài về hiệu ứng lan tỏa sau sắp xếp địa giới hành chính, thực hiện chính quyền 2 cấp, kiến tạo không gian phát triển mới ghi nhận nỗ lực, hành động của Chính phủ, các bộ ngành; ý kiến của lãnh đạo tỉnh, thành tại một số cực tăng trưởng; giải pháp khuyến nghị từ góc nhìn chuyên gia, doanh nghiệp.
Bài 1: Kiến tạo không gian phát triển mới
Việc cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là sự kiện chưa từng có trong tiền lệ, đây có thể xem là cuộc cải cách lớn nhất về tổ chức hành chính từ khi thành lập nước đến nay.
Cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh; kết thúc hoạt động 696 đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, giảm còn 3.321 xã.
Để phục vụ cho việc sắp xếp, Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ đã được sửa. Chính phủ đã ban hành một loạt gồm 40 các Nghị định, riêng về phân cấp, phân quyền là 28 Nghị định.
Cuộc cải cách chưa có tiền lệ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Chúng ta cũng tạo ra một không gian kinh tế đủ lớn, kết nối thế mạnh giữa các vùng miền kinh tế để chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình. Đến hiện tại, hầu hết các tỉnh hợp nhất có quy mô trên 2-3 triệu người và quy mô kinh tế đều rất lớn, có sự kết hợp cả miền núi, đồng bằng, miền biển."
Đặc biệt, có những không gian kinh tế vượt trội và có thể so sánh với khu vực. Ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh, khi Bình Dương hợp nhất vào sẽ là một trung tâm công nghiệp lớn cùng với Vũng Tàu cũng là một trung tâm công nghiệp và du lịch. Sắp tới chúng ta có khu thương mại tự do như Đà Nẵng, trở thành một vùng kinh tế sức mạnh, đầy tiềm lực.

Người dân tại thành phố Cần Thơ khi đến giải quyết các thủ tục hành chính tại xã, phường luôn được nhiệt tình phục vụ. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang, hợp nhất lấy tên là thành phố Cần Thơ là tiền đề thuận lợi để thực hiện liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; mở rộng không gian phát triển, định vị rõ vai trò trung tâm kinh tế vùng, đủ tầm để dẫn dắt cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh không chỉ đơn thuần là hợp nhất địa giới hay tổ chức bộ máy hành chính mà là cuộc tái cấu trúc toàn diện về lãnh thổ, thể chế, văn hóa, kinh tế cũng như không gian phát triển.
Hơn nữa, cuộc cải tổ này gắn với việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là mô hình tổ chức chính quyền mới, được cho là phù hợp với xu thế quốc tế, mang tính hiện đại và hướng đến hiệu quả quản trị cao hơn.
Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp là cơ hội để sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần vào cải cách chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh trong quá trình sắp xếp, Bộ Chính trị đã chú trọng tới yếu tố hình thái lãnh thổ hướng ra biển lớn. Sự thay đổi trong tư duy này mở ra khả năng phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển, liên kết vùng hiệu quả giữa Duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên và hướng đến các trung tâm kinh tế không chỉ trong nước mà cả khu vực, quốc tế.
Đánh giá hiệu ứng của việc thực hiện tổ chức sắp xếp hành chính đối với phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính còn 34 tỉnh, thành phố, tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ có tác động rất lớn đối với quá trình phát triển, là cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, cũng như tạo cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế.
"Khi địa phương có quy mô lớn hơn, sẽ có thêm điều kiện phát triển hạ tầng giao thông, chuỗi liên kết, cơ hội đầu tư... Từ đó thúc đẩy phát triển đồng đều hơn giữa các địa phương, có đủ hạ tầng giao thông đường biển, đường sông…” - Thứ trưởng Long cho hay.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết khi thay đổi lại địa giới hành chính, tăng cường phân quyền cho bộ máy địa phương cấp tỉnh sẽ có định hướng của các cấp này cho địa bàn của mình theo hướng phù hợp hơn với quy mô địa bàn rộng hơn, kết nối thuận lợi hơn.
Ông Hùng phân tích thêm, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất thêm Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có dư địa rất tốt cho việc tập trung sản xuất công nghiệp, gắn với kết nối hạ tầng, vận tải, logistics theo hệ thống đường sông, cửa biển.
Đó là cơ hội, điều kiện để các địa phương lựa chọn công nghệ, lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư để đem lại hiệu quả tốt nhất theo quy hoạch, định hướng của địa bàn..
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh cùng với những chủ trương lớn về hạ tầng kinh tế, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đầu tư đường sắt tốc độ cao, năng lượng nguyên tử, trung tâm tài chính…, việc sắp xếp bộ máy hành chính chính là động lực lớn thúc đẩy kinh tế và tăng trưởng, từ đó tái cơ cấu nền kinh tế. Đấy là những chủ trương lớn để chúng ta chuẩn bị tăng tốc.
Kết nối tạo hiệu ứng lan tỏa cho mô hình mới
Để chuẩn bị cho việc vận hành, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, một khối lượng công việc đồ sộ đã được Chính phủ và các bộ ngành, địa phương chuẩn bị gấp rút, khẩn trương cả về hạ tầng kinh tế, bộ máy hành chính, nhân lực, hoàn thiện thể chế, dịch vụ công… đồng thời với thực hiện phân cấp, phân quyền.
Khi vận hành theo mô hình mới từ ngày 1/7, các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp như hải quan, thuế, ngân hàng, nhà đất… tại 34 tỉnh, thành đều được vận hành thông suốt. Đây chính là những yếu tố tạo đà cho kinh tế phát triển.
Sắp xếp địa giới hành chính, hợp nhất tỉnh thành để tạo ra không gian kinh tế mới, nhưng nếu không tạo ra sự kết nối thì cũng không đạt được mục tiêu đề ra.
Từ ý nghĩa rất quan trọng của kết nối hạ tầng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, "Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát các công trình trọng điểm, đặc biệt là những công trình kết nối.” Ví dụ, Bình Định hợp nhất với Gia Lai thì Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn-Pleiku dài khoảng 125km. Như vậy, khoảng cách giữa Bình Định, Gia Lai được rút ngắn rất đáng kể, hỗ trợ cho Tây Nguyên và tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển.
Tương tự như vậy, nhiều tuyến đường khác cũng sẽ được khởi công. Đến ngày 19/8, sẽ có 80 công trình đồng loạt được khởi công trong cả nước. Về mặt kinh tế sẽ tạo ra sự kết nối quốc gia, kết nối vùng và kết nối trong nội tỉnh tùy theo quy mô ví dụ như hệ thống đường cao tốc, ven biển, đường sắt tốc độ cao.

Phương án thiết kế sơ bộ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đồng loạt tổ chức khởi công các dự án giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào ngày 19/8 tới và hoàn thành trong năm 2026.
Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp hỗ trợ, phục vụ cho người dân tốt hơn; đồng thời hoạt động của chính quyền cũng được công khai, minh bạch để dân giám sát, hạn chế việc nhũng nhiễu, tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì hơn lúc nào hết đội ngũ cán bộ, công chức sẽ là nhân tố then chốt quyết định sự thành công mô hình mới này. “Việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không còn là một sự lựa chọn, mà là một yêu cầu rất cấp bách để thực hiện việc chuyển đổi từ quản lý hành chính sang quản trị, phục vụ nhân dân,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, khi sắp xếp lại bộ máy chính quyền 2 cấp sẽ rất cần những con người có chất lượng cao, những con người có tâm, có tầm để làm những công việc phù hợp. Do đó, chúng ta cần củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao trên tất cả các đơn vị. Có như vậy, bộ máy chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động sẽ tốt hơn.
Tiến sỹ. Lê Quang Minh (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận việc nhanh chóng hoàn thiện và phát hành rộng rãi "Cẩm nang công tác của cấp xã" sẽ là công cụ làm việc thiết thực, giúp đội ngũ cán bộ cơ sở có ngay một tài liệu tham chiếu chuẩn xác về các quy trình, nghiệp vụ mới.
Việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và pháp luật là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có tính chất nền tảng để đảm bảo bộ máy mới vận hành thông suốt, đúng pháp luật. Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục phát huy tinh thần làm việc khẩn trương, đồng thời ban hành ngay các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn chuyển tiếp, trọng tâm là các quy định về việc công nhận giá trị pháp lý của các loại giấy tờ cũ và xây dựng quy trình chuyển đổi đơn giản, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp cùng với đó là các luật liên quan nhằm thể chế hóa một cách đầy đủ và bền vững mô hình chính quyền hai cấp.
“Quá trình này phải gắn liền với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, thực chất cho chính quyền địa phương, thực thi hiệu quả theo nguyên tắc "địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm,"” Tiến sỹ Lê Quang Minh nhấn mạnh.
Hiệu ứng lan tỏa từ mô hình mới đã dần hiện hữu qua sự kết nối hạ tầng mạnh mẽ, sự mở rộng không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương và cả quốc gia. Tuy nhiên, cải cách hành chính không thể thành công nếu không song hành với đổi mới thể chế, hoàn thiện pháp luật và đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm.
Việc sắp xếp lại “giang sơn” hôm nay, đang được triển khai đúng hướng, bài bản và quyết liệt - sẽ không chỉ làm tinh gọn bộ máy mà còn làm lớn không gian phát triển và nâng tầm vóc quốc gia trong kỷ nguyên mới./.