Kiểm toán nhà nước nói gì về điều hành tín dụng, lãi suất của Ngân hàng nhà nước?

Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đánh giá công tác điều hành tín dụng và chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đạt mục tiêu mà Chính phủ, Quốc hội giao.

Chiều 2/7, tại Họp báo công khai kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước năm 2022, đại diện Kiểm toán nhà nước đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí xoay quanh lĩnh vực ngân hàng như: Đánh giá về công tác điều hành tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, gói hỗ trợ lãi suất 2%, một số ngân hàng thương mại hoạt động rủi ro cao gây mất an toàn hệ thống…

Họp báo công khai kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước năm 2022

Họp báo công khai kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước năm 2022

Cụ thể, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII - Vũ Văn Cường - cho biết, thời gian qua, qua kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động, liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra một số đánh giá: Năm 2022, nền kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung hỗ trợ cho các doanh nghiệp về nguồn vốn.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định 31) và Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư hướng dẫn để thực hiện Nghị định này.

Việc thực hiện mục tiêu kép rất khó khăn, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải lựa chọn mục tiêu mục tiêu cho phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế đất nước. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cho thấy, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt công cụ lãi suất, tín dụng, đạt được rất nhiều mục tiêu trong bối cảnh tình hình kinh tế rất khó khăn.

Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII - Vũ Văn Cường trả lời báo chí về lĩnh vực ngân hàng

Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII - Vũ Văn Cường trả lời báo chí về lĩnh vực ngân hàng

Đối với vấn đề lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp hữu hiệu nhằm giữ được ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. “Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đánh giá: Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đạt mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao” - ông Vũ Văn Cường nhấn mạnh và thông tin thêm, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% và kết quả kiểm toán cho thấy, đến cuối năm 2022, tín dụng cũng đã đạt 14,1%, đây là con số khá tốt.

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31, ông Vũ Văn Cường cho biết: Mục tiêu của gói hỗ trợ lãi suất là tốt. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần họp, bàn với các cơ quan, ban, ngành về việc triển khai gói hỗ trợ này. Bản thân các doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ. Các ngân hàng thương mại cũng rất tâm huyết. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai gói hỗ trợ chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng đề ra.

Cụ thể, đến ngày 31/12/2022, số tiền đã hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 134 tỷ đồng, bằng 0,8%/tổng hạn mức hỗ trợ lãi suất đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng); 15/44 ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất; 14/44 ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc một số ngân hàng thương mại hoạt động rủi ro cao gây mất an toàn hệ thống, ông Vũ Văn Cường khẳng định: Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân không thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán nhà nước đã có kiến nghị liên quan đến giám sát hoạt động ngân hàng giúp Ngân hàng Nhà nước đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp để tránh thất thoát tài sản nhà nước tại đơn vị được kiểm toán, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống ngân hàng.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-toan-nha-nuoc-noi-gi-ve-dieu-hanh-tin-dung-lai-suat-cua-ngan-hang-nha-nuoc-329666.html
Zalo