Kiểm toán Nhà nước: Nhiều mục tiêu tại Nghị quyết 43 sẽ không đạt được

Dù đã kéo dài thời gian thực hiện theo kế hoạch đề ra tại Nghị quyết 43, nhưng đến nay vẫn chưa phân bổ hết một lượng lớn nguồn lực của Chương trình, nhiều khả năng nhiều mục tiêu sẽ không đạt được.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến việc chậm phân bổ vốn đầu tư công theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II cho biết, mặc dù đã hết thời gian thực hiện Chương trình theo kế hoạch đề ra (theo yêu cầu ban đầu, phải thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình trong năm 2022-2023), nhưng đến nay vẫn còn một số dự án chưa phê duyệt được dự án đầu tư nên chưa thể triển khai thực hiện, chưa phân bổ hết một lượng lớn nguồn lực của Chương trình.

Những tồn tại nêu trên dẫn đến không thể hoàn thành được yêu cầu, mục tiêu đề ra nêu tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II

Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II

Dù vậy, ông Lê Đình Thăng cho rằng, Nghị quyết số 43 được ban hành gấp gáp nên khó thiết kế được chính sách hoàn hảo. Sau khoảng 10 ngày khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai ngay.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm phân bổ, giải ngân vốn của chương trình.

Ngoài những nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các cơ quan Trung ương có liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc thông báo, giao kế hoạch vốn Chương trình còn chậm trễ, chưa đảm bảo mốc thời gian theo yêu cầu, còn có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bộ ngành.

Cụ thể, từ khâu lựa chọn danh mục, các địa phương, bộ ngành lựa chọn danh mục các dự án tham gia Chương trình hầu hết là các dự án chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (255/264 dự án), nên tính hấp thụ vốn không cao. Trong khi nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên của Quốc hội có quy định “Ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn”.

Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương, thực hiện đầu tư và thực hiện giải ngân kế hoạch vốn của chương trình, các địa phương còn chưa có giải pháp quyết liệt để hoàn thành theo đúng cam kết khi tham gia thực hiện chương trình…

Việc chậm triển khai phân bổ vốn dẫn đến việc một số công trình đưa vào giải ngân chậm do thủ tục hành chính chưa đầy đủ nên không thể giải ngân được...

Nghị định số 43 quy định Kiểm toán Nhà nước định kỳ kiểm toán và báo cáo kết quả với Quốc hội. Theo đó, từ năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã bổ sung vào Kế hoạch kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 43.

Tháng 10/2022, Kiểm toán Nhà nước báo cáo việc phân bổ vốn đầu tư công và khuyến nghị rõ, đến cuối năm 2023 sẽ có những công trình nào không được thực hiện được. Quốc hội sau đó đã ban hành Nghị quyết cho kéo dài đến hết năm 2024, do khuyến nghị của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có khuyến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Ông Lê Đình Thăng cho biết, qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn này, Kiểm toán Nhà nước cũng khuyến nghị công trình nào đến năm 2024 không xong thì chuyển thành công trình đầu tư công và coi Nghị quyết 43 đã kết thúc “sứ mệnh”.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đến 30/6/2023, tổng số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ, dự án cho Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong 02 năm 2022 - 2023 là 116.848,3 tỷ đồng; các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ vốn hằng năm cho các dự án thuộc Chương trình là 81.801,26 tỷ đồng, đạt 70%.

Số vốn còn lại chưa được các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ là 48.416,52 tỷ đồng.

Lũy kế vốn giải ngân của các dự án thuộc Chương trình đến 30/6/2023 là 24.143 tỷ đồng, đạt 18,4% so với số vốn được giao trong 02 năm 2020-2023, đạt 29,5% so với số vốn hằng năm mà các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ.

Đến 31/03/2024, còn 20.491 tỷ đồng của hạn mức vốn Chương trình chưa được các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ, điều chỉnh linh hoạt, chiếm tỷ lệ 15,7% tổng mức.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kiem-toan-nha-nuoc-nhieu-muc-tieu-tai-nghi-quyet-43-se-khong-dat-duoc-post581691.antd
Zalo