Kiểm toán nhà nước: Linh hoạt, đổi mới, chuyển mình cùng đất nước

Bám sát bối cảnh đổi mới nhanh chóng của đất nước, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong những tháng đầu năm 2025 tiếp tục được điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn tình hình, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Những thành tựu này đã đóng góp quan trọng vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đồng thời thúc đẩy thực hành tiết kiệm, ngăn ngừa lãng phí và phòng, chống tiêu cực một cách hiệu quả.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị phải chủ động, linh hoạt thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán trong tình hình mới. Ảnh: N.LỘC

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị phải chủ động, linh hoạt thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán trong tình hình mới. Ảnh: N.LỘC

Kiến nghị tài chính hơn 17.500 tỷ đồng

Theo báo cáo của KTNN, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn Ngành đã xét duyệt 119 kế hoạch kiểm toán (KHKT), triển khai 118 Đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 50 Đoàn; lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 59 Dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành 16 BCKT. Nhìn chung, KHKT được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt. BCKT được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.

Tính đến 30/6/2025, KTNN đã chuyển 02 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ; đang làm các thủ tục để chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra. KTNN cũng cung cấp 19 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để phục vụ công tác điều tra.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 43 dự thảo BCKT và 16 BCKT đã phát hành thuộc KHKT năm 2025, KTNN kiến nghị tăng thu - giảm chi NSNN 8.344 tỷ đồng (tăng thu NSNN 2.410 tỷ đồng, giảm chi NSNN 5.934 tỷ đồng), kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng. Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Để chủ động thích ứng với sự thay đổi trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong 6 tháng cuối năm, KTNN sẽ tiếp tục tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng phù hợp với quy mô hành chính mới tại các địa phương sau sáp nhập. Đồng thời, chú trọng tăng cường liên kết giữa các vùng kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trình bày BCKT quyết toán NSNN năm 2023 và Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2024 trước Quốc hội với nhiều phát hiện được Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. Đồng thời, KTNN đã tích cực tham gia ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, chủ trương đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm; qua đó góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các chương trình, dự án khi triển khai trong thực tiễn và tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động kiểm toán sau này.

Những kết quả ấn tượng trên đến từ sự quyết liệt, bài bản, khoa học trong chỉ đạo, điều hành, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức toàn Ngành, ngay từ công tác xây dựng KHKT đến tổ chức thực hiện kiểm toán. Với quan điểm xuyên suốt là “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Chỉ thị về việc tổ chức thực hiện KHKT năm 2025, Phương án tổ chức kiểm toán năm 2025, Hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2025 và các đề cương, hướng dẫn kiểm toán nhằm triển khai hoạt động kiểm toán thống nhất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, lãnh đạo KTNN thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Chúng ta đã thích nghi rất nhanh, rất linh hoạt với bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đến nay, toàn Ngành đã hoàn thành các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương để phục vụ việc tổng hợp quyết toán. Trong Ngành đã sắp xếp lại nguồn lực, bố trí lại kế hoạch để đáp ứng nhiệm vụ với tinh thần và chất lượng cao nhất.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Đặc biệt, trong vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, KTNN đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh chống lãng phí và thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán. Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có văn bản chỉ đạo tập trung kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm như: quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản. Trong quá trình kiểm toán, cần lưu ý các dự án sử dụng vốn không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng, chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc… Đồng thời, KTNN đã ban hành Hướng dẫn một số nội dung về kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, từ đó giúp nhận diện rõ và thống nhất trong việc đưa ra đánh giá, kiến nghị đối với nội dung này.

Ý thức rõ trách nhiệm của Ngành trong việc đồng hành, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, KTNN đã linh hoạt, chủ động điều chỉnh KHKT, phương án tổ chức kiểm toán theo hướng giảm một số cuộc kiểm toán tại các Bộ, ngành, các cuộc kiểm toán liên quan đến cấp huyện, ưu tiên tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Xây dựng kế hoạch kiểm toán phù hợp với tình hình mới

Để hoàn thành thắng lợi, toàn diện Kế hoạch công tác năm 2025, trong 6 tháng cuối năm, toàn Ngành xác định tập trung tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2025 theo kế hoạch bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, xây dựng KHKT trung hạn 2026 - 2028 và KHKT năm 2026, trong đó trọng tâm định hướng tổ chức hoạt động kiểm toán bảo đảm phù hợp với mô hình chính quyền 3 cấp (Trung ương - cấp tỉnh - cơ sở) và việc thực thi các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua.

Việc triển khai Luật NSNN mới và các văn bản luật khác cũng như việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác kiểm toán cũng như các hoạt động của Ngành. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm và có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa để tránh lúng túng, khó khăn trong xây dựng, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, cũng là thời điểm KTNN lập KHKT năm 2026 để thực hiện kiểm toán niên độ ngân sách năm 2025, trong đó có việc đánh giá nửa cuối năm 2025 khi đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đây là vấn đề đặt ra cần được các đơn vị kiểm toán quan tâm, lưu ý trong xây dựng KHKT. Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành cần rà soát sắp xếp, chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện kiểm toán trong bối cảnh mới để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng thời chuẩn bị tốt KHKT năm 2026. “Vụ Tổng hợp phối hợp với các đơn vị chuyên ngành, khu vực xây dựng ngay kế hoạch điều chỉnh cho 6 tháng cuối năm phù hợp với bối cảnh đối tượng kiểm toán đã thay đổi, cùng với những nhiệm vụ mới phát sinh” - Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu.

Các đơn vị kiểm toán cần chủ động chuẩn bị sớm hơn các chủ đề kiểm toán trong năm 2026, đồng thời xây dựng đề cương kiểm toán chu đáo hơn vì đây là khâu rất quan trọng, tác động đến chất lượng kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ

Liên quan đến việc xây dựng KHKT năm 2026, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị các đơn vị kiểm toán cần chủ động chuẩn bị sớm hơn các chủ đề kiểm toán trong năm 2026, đồng thời xây dựng đề cương kiểm toán chu đáo hơn vì đây là khâu rất quan trọng, tác động đến chất lượng kiểm toán. Từ góc độ đơn vị tham mưu, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Hoàng Văn Lương cho biết, theo tiến độ và hướng dẫn xây dựng KHKT năm 2026, đến ngày 30/8/2025, KTNN phải cơ bản hoàn thành kế hoạch để hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. “Trong bối cảnh đặc thù năm 2025 diễn ra việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính, đồng thời Luật NSNN (sửa đổi) đã có hiệu lực với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung, Vụ Tổng hợp đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn xây dựng KHKT. Vì vậy, các đơn vị kiểm toán cần bám sát, khi có hướng dẫn thì khẩn trương triển khai để bảo đảm tiến độ đề ra” - ông Lương thông tin.

Toàn ngành Kiểm toán đã sẵn sàng hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Ảnh: H.THOAN

Toàn ngành Kiểm toán đã sẵn sàng hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Ảnh: H.THOAN

Bên cạnh đó, để xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kiểm toán trong tình hình mới, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các Vụ chức năng tham mưu ban hành ngay hướng dẫn để thực hiện thống nhất trong toàn Ngành về việc gửi thông báo kết quả kiểm toán đối với cấp huyện trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương vừa kết thúc kiểm toán; nội dung kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các phát hiện kiểm toán, nhất là phát hiện kiểm toán về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đảm bảo thống nhất, khả thi. Đồng thời, các đơn vị cần tham mưu hướng dẫn việc tổ chức theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị sau khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy để đảm bảo việc theo dõi kiến nghị kiểm toán được thường xuyên, liên tục, rõ trách nhiệm của đơn vị theo dõi…

Chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động kiểm toán thời gian tới

Với những yêu cầu đặt ra cho nhiệm vụ kiểm toán ngày càng cao, khối lượng công việc ngày càng lớn, đòi hỏi các đơn vị trong toàn Ngành phải tiếp tục tập trung, nỗ lực đổi mới, bám sát thực tiễn tình hình của đất nước sau sắp xếp đơn vị hành chính để bảo đảm tốt nguồn lực cho hoạt động kiểm toán.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, việc triển khai Luật NSNN mới và các văn bản luật khác cũng như việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác kiểm toán cũng như các hoạt động của Ngành. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm và có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa để tránh lúng túng, khó khăn trong xây dựng, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo đó, các ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN; trong đó chú trọng, tập trung sửa đổi các quy định, hướng dẫn của Ngành để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền 3 cấp và các quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động của KTNN đảm bảo hoàn thành trong năm 2025 để kịp thời tổ chức thực hiện trong năm 2026. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của KTNN theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bố trí, sắp xếp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Đồng thời, toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu, toàn Ngành cần khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, đặc biệt là tập trung thể chế hóa 4 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của KTNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng kiểm toán.

Trong đó, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Ngành theo Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới cần được triển khai khẩn trương, đồng bộ, đi trước một bước để phục vụ hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, bối cảnh vận hành chính quyền ba cấp, Luật NSNN thay đổi, yêu cầu của Đảng, Nhà nước về chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; thực hiện 4 Nghị quyết trụ cột… là những vấn đề cần quan tâm, rà soát để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ngành, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. “Từ nay đến ngày 01/01/2026 phải xong tất cả các nhiệm vụ về xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của năm 2025 và năm 2026; đồng thời phải tính đến mục tiêu xa hơn là sửa Luật KTNN và Chiến lược phát triển KTNN cũng như các văn bản kèm theo” - Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, việc đảm bảo khuôn khổ pháp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng kiểm toán, để mỗi kết luận kiểm toán đưa ra phải rõ sai phạm, rõ trách nhiệm, đặc biệt là đưa ra được các khuyến nghị về mặt chính sách.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Kiểm toán nhà nước, cùng với việc tập trung quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 và xây dựng KHKT năm 2026, các đơn vị trong toàn Ngành cũng đang tập trung cao độ để chuẩn bị tốt các nguồn lực, điều kiện cho hoạt động KTNN trong bối cảnh mới. Với sự quyết tâm, đồng lòng, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, toàn Ngành đã sẵn sàng hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, từ đó góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay./.

HỒNG LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-linh-hoat-doi-moi-chuyen-minh-cung-dat-nuoc-41676.html
Zalo