Kích cầu tiêu thụ hàng Việt, siêu thị giảm giá khủng
Nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng Việt, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội phối hợp với các nhãn hàng tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá. Trong đó, chú trọng đến sản phẩm Việt Nam chất lượng cao.
Siêu thị đồng loạt giảm giá sản phẩm Việt
Từ nay đến ngày 29/7, hệ thống siêu thị Lotte Mart triển khai chương trình khuyến mãi “Hè cool giá chill” với rất nhiều sản phẩm giảm giá đến 50%.Theo đó, khách hàng khi mua nho xanh Shine Muscat 450g sẽ có giá khuyến mại 399.000 đồng/hộp; kem Caleno cao cấp 800ml các loại, giảm giá 41%; nước ép trái cây Twister cam 1L, giảm giá 29%. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm khác cũng được áp dụng giảm giá như: kem sữa chua Hạ Long vị truyền thống 900ml, giá khuyến mại còn 79.500 đồng/hộp; choice L kem 400ml các loại, giảm giá 35%; nước ép Vinamilk lựu táo/kiwi táo 1L, giảm giá 24%; choice L hạt macca 250g/hạt dẻ cười 220g, giá khuyến mại 109.900 đồng/hộp.
Lotte Mart cũng áp dụng giảm "giá cực sốc" dành cho khách hàng thành viên. Cụ thể, với những khách hàng thành viên mua sắm lượng hàng hóa trị giá từ 400.000 đồng trở lên được mua 1 sản phẩm giá sốc. Cụ thể, combo 2 sữa tươi tiệt trùng Vinamilk 1L các loại, giảm giá 36%; dầu đậu nành Simply 2L, giảm giá 36% …

Người tiêu dùng mua sản phẩm giảm giá tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam
Ngoài ra, Lotte Mart cũng triển khai chính sách ưu đãi “Siêu coupon - Siêu rẻ” áp dụng cho khách hàng thành viên có đơn hàng siêu thị từ 200.000 đồng. Cụ thể, phô mai Les Enfants 8M x 112G, giá khuyến mại còn 25.900 đồng/hộp; dầu gội Sunsilk 900g, giảm giá 21%; ruột gối ép Premier 40x60cm, giảm giá 48%; hạt nêm Knorr 1,2kg, giảm giá 20% và được tặng 1kg gạo ST25; chảo Colosseum EL5762RE 20cm, giảm giá 50%.
Tương tự, hệ thống siêu thị GO! áp dụng chính sách “Ưu đãi chưa từng có - không khó để săn deal”, áp dụng với hàng loạt sản phẩm thiết yếu từ thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng đến hóa mỹ phẩm đồng loạt tung ưu đãi mạnh từ 15 - 45% tùy mặt hàng. Một số mặt hàng như chả ốc, tôm thịt đông lạnh, kim chi cải thảo, chuối, bánh mỳ que, nấm kim châm… vừa áp dụng giảm giá đồng loạt 35%, vừa khuyến mại mua 2 tặng 1. Các mặt hàng giặt xả và đồ gia dụng nhà bếp cũng áp dụng mức giảm đến 37%.
Nhằm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ hoa quả đang vào chính vụ thu hoạch, hệ thống siêu thị GO! còn triển khai chương trình kích cầu các sản phẩm trái cây với chủ đề “Lễ hội trái cây Bắc Bộ”. Chương trình mang đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm hàng loạt trái cây nội địa với mức giá siêu ưu đãi lên đến 35%. Cụ thể, mận hậu 32.000 đồng/kg (giảm 35%); vải thiều Lục Ngạn: 35.000 đồng/kg (giảm 29%); nhãn lồng Hưng Yên: 42.000 đồng/kg (giảm 14%); dứa 12.000 đồng/kg (giảm 33%)…
Không chịu thua kém hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc triển khai chương trình "Đại tiệc giảm giá mừng Ngày Quốc tế hợp tác xã", giới thiệu hàng loạt đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP và hàng nhãn riêng Co.op với mức giảm lên đến 50%.
Các sản phẩm tiêu biểu trong chương trình gồm: nước mắm Khải Hoàn OCOP, mắm tôm Lê Gia OCOP, nước màu đường ATK OCOP, cá dứa một nắng, miến sắn dây, bơ đậu phộng mịn Đạt OCOP, bưởi da xanh, chôm chôm, dưa lưới vàng, bắp cải trắng, bí đao... có giá chỉ từ 6.000 đồng.

Người tiêu dùng mua sản phẩm khuyến mại tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam
Đặc biệt, khách hàng thành viên Co.op sẽ được nhân 5 lần số điểm tích lũy cho mỗi sản phẩm từ 10.000 đồng trở lên. Trên kênh mua sắm trực tuyến, chương trình khuyến mãi online áp dụng mức giảm giá đến 50%, tặng điểm thưởng, phiếu mua hàng lên đến 700.000 đồng cho khách hàng khi đặt hàng qua ứng dụng Co.op Online hoặc website cooponline.vn.
Để hàng Việt chiếm lĩnh hệ thống siêu thị
Thông tin từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, sau 16 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đến nay hàng Việt đã chiếm tỷ lệ 90% tại các điểm bán lẻ của doanh nghiệp (DN) trong nước, tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60- 96%. Các sản phẩm đều có xuất xứ rõ ràng, có các chứng nhận như hàng Việt chất lượng cao, sản phẩm OCOP.
Giám đốc Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon Hà Đông Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết, siêu thị Aeon Hà Đông luôn ưu tiên để đưa sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao nội vào trong siêu thị tiêu thụ số lượng lớn nhiều nhất. “Hiện nay, chúng tôi có khoảng 85% mặt hàng đang trưng bày tại siêu thị là hàng nội. Đặc biệt, đối với những mặt hàng rau, củ, quả tươi sống lên đến 95%. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp cùng với các cơ quan chính quyền ban, ngành, địa phương tổ chức các chương trình như khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP” - bà Nguyễn Thị Hải Thanh chia sẻ.

Người tiêu dùng mua sản phẩm giảm giá tại siêu thị Go! Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống bán lẻ hiện đại nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng Việt phản ánh, trong quá trình đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Bởi vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng mang tâm lý chuộng hàng ngoại nhập khiến hàng Việt khó mở rộng thị phần ngay trên sân nhà.
Để tiếp tục tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên sân nhà trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho rằng, để hàng Việt mở rộng thị phần tại thị trường nội địa đòi hỏi DN sản xuất cần phải xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo đó, các DN Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn. Đồng thời, chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa. Qua đó, tạo cơ hội cho hàng Việt đến với người tiêu dùng nhiều hơn.
Đồng quan điểm, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam Lê Việt Nga khuyến nghị, DN Việt cần tập trung xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chiến lược người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; đi sâu vào chất lượng sản phẩm, tập trung công nghệ mới, nâng cấp các dịch vụ để phục vụ khách hàng nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tối ưu hóa sản xuất để giảm giá thành. “Song song với đó, cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử… Đây là cách để hàng Việt không chỉ có chỗ đứng ngày càng vững chắc tại thị trường trong nước mà còn vào kênh phân phối của nước ngoài” - bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.