Kì cuối: Những vòng lặp và vùng ranh pháp luật

Vĩnh Ô từng là điểm nóng về 'vàng tặc' suốt nhiều năm. Cơn khát vàng không chỉ xới tung từng triền núi, lòng suối, mà còn làm rạn vỡ niềm tin và cướp đi sự bình yên của người dân miền sơn cước. Những lán trại mọc sâu trong rừng. Những đường hầm, giếng đất khoan cắm thẳng vào lòng núi. Những bóng người lạ mặt từ khắp nơi kéo đến, ăn ở hàng tháng, hàng năm giữa đại ngàn, sống lầm lũi như những chiếc bóng bên các mạch suối đầu nguồn.

Có thời điểm, theo lời ông Hồ Văn Đàn, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô (cũ), số lượng phu vàng lên tới hơn 100 người, hoạt động rải rác khắp các khe suối, triền đồi, điểm tập kết trong rừng. Lực lượng chức năng đã nhiều lần truy quét, xử lý vi phạm, có lúc ra quân quy mô lớn. Nhưng hết đợt này đến đợt khác, "vàng tặc" vẫn lén lút quay trở lại.

Những vòng lặp không dứt

Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Ô (cũ), từ năm 2000 đến 2015, địa phương đã tổ chức tới 173 lượt truy quét, đẩy đuổi "vàng tặc", trong đó có 7 đợt quy mô lớn với sự tham gia của lực lượng Công an tỉnh, huyện và xã. Hơn 137 đối tượng bị đẩy đuổi, phần lớn là người ngoài địa phương, một số là người dân bản địa bị dụ dỗ, lôi kéo làm thuê. Có thời điểm, nhiều người nghiện ma túy cũng theo vào rừng, không phải để tìm vàng, mà để tìm thuốc.

Một lán trại do "vàng tặc" đang xây dở ở Khe Môn.

Một lán trại do "vàng tặc" đang xây dở ở Khe Môn.

Trong các đợt truy quét, lực lượng chức năng phát hiện không ít đối tượng nằm bẹp trong lán trại, không còn đủ tỉnh táo để bỏ chạy, vì đói thuốc, vì kiệt sức. Sau đợt cao điểm năm 2016, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Vũ Chiến Thắng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị thời điểm đó, một kế hoạch tổng lực được triển khai: truy quét đồng loạt, siết chặt tuần tra, và đặc biệt là đi từng nhà, gõ từng cửa, vận động người dân không tiếp tay cho "vàng tặc". Chính người dân được phân công khoanh giữ địa bàn, phối hợp tuần rừng.

Phải mất tới nửa năm kiên trì, Vĩnh Ô mới tạm yên, rừng mới dần lấy lại hơi thở. Nhưng sự bình yên ấy cũng mong manh như lớp rêu phủ trên đá núi, chỉ cần một trận mưa bất chợt, là trôi hết. Giữa năm 2025, lực lượng bảo vệ rừng lại phát hiện các bãi vàng tái hoạt động ngay tại khu vực từng bị truy quét. Máy móc, lán trại, hệ thống tời kéo, tất cả đều được dựng lại, âm thầm và bài bản. Đặc biệt, vào ngày 7/7/2025, lực lượng bảo vệ rừng tiếp tục phát hiện 3 lán trại mới mọc lên giữa tiểu khu 576 và 582. Dấu vết khai thác cho thấy mức độ quy mô, có tổ chức và liều lĩnh hơn trước. Cứ mỗi lần vắng bóng lực lượng chức năng, rừng lại bị tái chiếm, như một quy luật bất thành văn. "Vàng tặc" ở Vĩnh Ô chưa bao giờ thật sự rời đi. Chúng chỉ ẩn mình, rồi lén lút quay trở lại, luồn lách qua từng khe rừng, bám theo từng mạch suối, sống trong những vòng lặp chưa từng dứt.

Sự dai dẳng của "vàng tặc" không chỉ đến từ lòng tham, mà còn từ chính địa hình hiểm trở, phức tạp của vùng rừng giáp ranh. Ngoài con đường chính từ đồng bằng lên Vĩnh Ô qua xã Vĩnh Hà (cũ), còn vô số lối mòn nối từ các địa phương như Cam Thành (huyện Cam Lộ cũ), Hướng Lập (Hướng Hóa cũ) và Kim Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình cũ) vào rừng. Những con đường rừng không tên, hoang vắng, ngoằn ngoèo như mê cung, đã trở thành huyết mạch thầm lặng để máy móc, nhiên liệu và cả người đào vàng luồn sâu vào lõi núi mà không bị phát hiện. Đường bị chặn chỗ này, "vàng tặc" đi lối khác. Vừa rút quân truy quét xong, chúng đã quay lại từ hướng chưa ai kịp canh. Không phải ngẫu nhiên. Không phải vô tổ chức. Mà là có cả một mạng lưới bám rừng. "Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Công an tỉnh, Tỉnh đội phối hợp. Đây không còn là hoạt động tự phát. Đây là tội phạm có tổ chức, biết địa hình, có người cảnh giới, và có cả những mắt xích hậu cần phía sau", ông Trương Quang Long, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng - Ban quản lý RPH lưu vực sông Bến Hải, nói. Theo ông Long, hiện nay tại vùng rừng Vĩnh Ô có không dưới 20 hầm vàng quy mô lớn, hoạt động luân phiên theo mùa, theo nhịp truy quét, thậm chí có dấu hiệu quay vòng theo nhóm khai thác chuyên nghiệp. "Bãi vàng cố định. Đẩy đuổi xong, họ rút vào rừng. Vắng lực lượng là quay trở lại như chưa từng có lệnh cấm…", ông nói trong một tiếng thở dài.

Ai tiếp tay cho "vàng tặc"?

Câu hỏi nhức nhối nhất vẫn là: vì sao biết có "vàng tặc" nhưng vẫn không thể dẹp sạch? Tại sao một vùng rừng được quản lý chặt chẽ, có kiểm lâm, có công an xã, có dân quân… lại tồn tại những hoạt động khai thác trái phép kéo dài hàng năm? Một cán bộ xã xin giấu tên thẳng thắn nói: "Khó lắm. Mình biết, nhưng phải có lực lượng, phải có kế hoạch, phải xin ý kiến cấp trên. Trong khi tụi kia thì cơ động, tổ chức theo kiểu băng nhóm nhỏ, rút nhanh, vào rừng ban đêm, ra ban ngày. Không ai bắt được quả tang, không đủ căn cứ xử lý hình sự, thì cũng chỉ cảnh cáo, phạt hành chính là cùng". Người dân thì nghi ngại hơn. Có tin đồn rằng một số đối tượng là người có tiền, có quan hệ, thuê người địa phương làm "lính rừng": dẫn đường, canh gác, vận chuyển. Mỗi chuyến khai thác có thể thu được hàng trăm triệu đồng, chia ra vẫn lời. Sự hấp dẫn của vàng khiến nhiều người bất chấp luật pháp.

Vĩnh Ô không giàu. Ngược lại, địa phương miền núi này là một trong những vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Đường đi hiểm trở, điện lưới chưa phủ hết, sóng điện thoại chập chờn, thu nhập chủ yếu từ rừng và nông nghiệp tự cấp. Một người dân ở bản Tám gọi vàng là cách kiếm sống nhanh nhất của người nghèo. Nhưng cái giá của "vàng tặc" không chỉ là những đồng tiền đổi bằng sức lao động. Đó là đất rừng bị đào bới, là nguồn nước đầu nguồn bị nhiễm hóa chất, là sự rạn vỡ trong cộng đồng khi có người tiếp tay, người bị bắt, người lẩn trốn. Một cán bộ tư pháp xã Vĩnh Ô (cũ) từng chứng kiến một gia đình có ba thế hệ cùng tham gia “vàng tặc”, cha lái xe, con canh gác, cháu vào hầm, người lớn bị xử phạt, trẻ nhỏ bỏ học.

Thống kê từ UBND huyện Vĩnh Linh (cũ) cho biết: từ năm 2020 đến giữa năm 2025, lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 20 đợt truy quét vàng tặc tại Vĩnh Ô, phá dỡ hàng chục lán trại, thu giữ máy móc, dụng cụ khai thác. Tuy nhiên, không có vụ án hình sự nào được khởi tố. Tất cả đều dừng ở mức xử phạt hành chính hoặc cảnh cáo, do thiếu yếu tố cấu thành tội phạm. Một lãnh đạo Phòng TN&MT huyện cũ này thừa nhận: "Việc xử lý gặp khó vì địa hình phức tạp, lực lượng mỏng, các đối tượng hoạt động tinh vi, không để lại chứng cứ. Nhiều khi biết rõ họ đang khai thác, nhưng đến nơi thì hầm đã được lấp lại, người đã rút đi, không ai nhận"(?). Luật Bảo vệ khoáng sản hiện hành cũng gặp nhiều giới hạn trong thực tế: khai thác dưới ngưỡng quy mô, không có tang vật, không bắt được tại trận, đồng nghĩa với việc… vô can!?.

Luật sư Đặng Linh, Trưởng văn phòng luật Linh Đặng ở Đông Hà, cho rằng, điểm mấu chốt để chấm dứt “vàng tặc” là phải có một vụ án điểm, đó là khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe đủ lớn. "Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng kéo dài nhiều năm vì xử lý chưa đủ mạnh. Chưa có ai đi tù vì đào vàng lậu, thì chưa ai sợ. Khi chỉ phạt hành chính, họ xem đó là chi phí vận hành”, ông Linh nhấn mạnh.

Muốn cứu rừng, muốn giữ rừng, phải giữ người. Vĩnh Ô không thể bị bỏ mặc, không thể bị lãng quên như một "vết thương sâu" trong lòng đất Quảng Trị.

Ở miền Trung, hàng chục năm qua, tài nguyên liên tục bị rút ruột. Từ đá vôi đến cát sông, từ rừng gỗ quý đến vàng lò, vàng sa khoáng - tài nguyên ở dải đất này cứ thế bị móc ruột, bị tận thu, bị rút tủy. Đất đai nơi đây dần trở nên rỗng ruột ngay giữa lúc người dân còn đang túng thiếu nhiều thứ, phải ngửa tay xin từng suất hỗ trợ giảm nghèo. Cái giá của mỗi gam vàng, mỗi chuyến xe khoáng sản, không chỉ là mất mát thiên nhiên, mà còn là sự suy kiệt của luật pháp và niềm tin. Vàng không mọc lại. Rừng cũng không. Nhưng hậu quả thì lan ra từng thế hệ", nhà báo Dương Thang Tùng, Trưởng Văn phòng Báo Đại đoàn kết tại Đà Nẵng, đau xót nói.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/ki-cuoi-nhung-vong-lap-va-vung-ranh-phap-luat-i775400/
Zalo