Khuyến cáo về an toàn điện mùa mưa bão 2025
Để đảm bảo an toàn điện trước cơn bão số 3 và mùa mưa bão 2025, các cơ quan chức năng và ngành điện khuyến cáo rộng rãi tới người dân.
Chủ động ứng phó trong mọi tình huống
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10h ngày 20/7, tâm bão ở khoảng 21,8°N; 114,2°E, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh–Hải Phòng khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11–12 (103–133km/h), giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20–25km/h.
Dự báo, bão số 3 sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, sau chuyển Tây Tây Nam với tốc độ 20–25km/h. Dự kiến đến 10h ngày 21/7, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cấp 11, giật cấp 14.
10h ngày 22/7, ven biển Quảng Ninh – Thanh Hóa, cấp 10–11, giật cấp 14; 10h ngày 23/7, trên đất liền Thượng Lào, suy yếu thành áp thấp, < cấp 6.
Tại khu vực Bắc Biển Đông gió cấp 8–10, gần tâm bão cấp 11–12, giật cấp 15; sóng cao 5,0–7,0m. Biển động dữ dội. Cảnh báo nguy cơ mưa to, nước dâng và ngập lụt ở nhiều nơi.
Ảnh hưởng của bão số 3 có thể gây gián đoạn cung cấp điện mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn về điện cho người dân và doanh nghiệp.
Liên quan đến phòng chống bão và an toàn điện, Bộ Công Thương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp phòng chống bão; yêu cầu các sở Công Thương nghiêm túc thực hiện toàn diện các chỉ đạo của Trung ương và Bộ; Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia huy động các nguồn điện hợp lý để hệ thống điện Quốc gia vận hành an toàn, liên tục, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện để cập nhật tình hình thủy văn thực tế, tình hình lũ về và yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo hiệu quả phát điện; lập kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện đảm bảo tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phối hợp với các đơn vị liên quan để tối ưu chế độ vận hành của nhà máy điện và lưới điện, hạn chế các nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện, sự cố tổ máy phát điện.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo dõi, chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; sẵn sàng mọi phương án để cung cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão...

Khuyến cáo của ngành điện trong mùa mưa bão
Người dân cần chú ý an toàn
Nhằm đảm bảo an toàn về điện, ngành điện cũng khuyến cáo người dân không đứng cạnh cột điện, trạm điện tiếp xúc với các thiết bị điện khi trời khi có bão, mưa to, giông lốc hoặc cột gia súc, phương tiện khác vào trụ điện. Đồng thời, nên ngắt nguồn điện (cắt cầu dao) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn; cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo...). Cầu dao, cầu chì, aptomat và các ổ cắm nên bố trí cao trên 1m40, đảm bảo khô ráo, tránh để trẻ em tiếp xúc hoặc gây chập điện khi nước ngập. Các thiết bị điện như máy bơm, bình nóng lạnh, tủ lạnh cần được nối đất an toàn, lắp đặt đúng hướng dẫn kỹ thuật.
Ở các khu vực vị ngập lụt (nếu có), khi nước rút, chỉ cho phép đóng điện khi đã kiểm tra toàn bộ thiết bị điện trong nhà nhằm phát hiện cũng như loại trừ được toàn bộ các hư hỏng, hiện tượng mất an toàn trên hệ thống điện.
Khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng cắt nguồn điện, hô hoán để được hỗ trợ. Trong trường hợp chưa thể cắt điện ngay, phải dùng gậy gỗ khô, sào tre gạt dây điện ra hoặc kéo nạn nhân bằng quần áo khô, tuyệt đối không chạm trực tiếp vào người bị nạn.
Đối với nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải bảo đảm không xâm phạm: Đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không, nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.
Trong trường hợp phát hiện sự cố điện trong nhà hoặc ngoài đường, người dân không nên tự sửa chữa khi không có kiến thức, kỹ năng và không có dụng cụ đồ nghề phù hợp, có thể gây ra tai nạn về điện. Trong trường hợp này, lập tức liên hệ với cơ quan chức năng, ngành điện để được hỗ trợ kịp thời.