Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 4: Những giàn khai thác khí vẫn vẹn nguyên giá trị sau gần nửa thế kỷ

Gần nửa thế kỷ kể từ khi dòng khí đầu tiên từ giếng khoan số 61 được đưa vào buồng đốt tuabin tại Tiền Hải (tỉnh Thái Bình cũ, nay là tỉnh Hưng Yên) - đánh dấu bước khởi đầu của ngành công nghiệp dầu khí, năng lượng Việt Nam, nhiều cấu kiện thiết bị, đặc biệt là hệ thống giàn khai thác khí và tuyến ống dẫn từ thập niên 1980, vẫn giữ nguyên giá trị kỹ thuật, lịch sử và tính nguyên bản đáng kinh ngạc. Những hiện vật ấy, sau khi hoàn thành sứ mệnh, giờ đây đang được thu gom để phục dựng và trưng bày tại Khu lưu niệm Dầu khí, như những 'nhân chứng thép' kể lại một giai đoạn phát triển đầy gian khó nhưng rất đỗi tự hào.

Tại khuôn viên chính của khu lưu niệm, những ống thép lớn từng nằm sâu hàng nghìn mét dưới lòng đất, giờ nằm lặng lẽ, chờ phục dựng để du khách có thể tận mắt quan sát. Mỗi đoạn ống, mỗi lớp nhựa đường hay bích nối sần sùi, hoen rỉ, đều mang theo dấu tích thời gian và ký ức sống động về một hành trình bền bỉ suốt gần 50 năm qua.

Kỹ sư Hoàng Văn Nhuận - người có hàng chục năm gắn bó với công tác khoan tại mỏ Tiền Hải đã chia sẻ với PetroTimes những thông tin chi tiết về cấu trúc giếng, các tầng ống khai thác từng vận hành hiệu quả suốt nhiều năm.

Theo kỹ sư Hoàng Văn Nhuận, giếng khoan 204 tại xã Đông Phong (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cũ), thuộc cấu tạo Đông Hoàng, có chiều sâu đáy 3.850,87m, khởi công ngày 23/12/1980 và kết thúc khoan vào ngày 4/12/1981. Cấu trúc giếng gồm các ống chống có đường kính từ 146 - 530mm. Ống thứ nhất có đường kính 530mm, được hạ xuống độ sâu khoảng 34,57m, còn gọi là ống chống định hướng. Tiếp đó, từng lớp chống ống khác được đưa xuống giếng theo thiết kế: ống thứ hai đường kính 426mm, sâu 205m; ống thứ ba sâu 1.697,73m; ống thứ tư sâu 1.580m - 2779m; ống thứ 5 sâu 3.850m. Chiều sâu bộ cần phun khai thác là 3.100m. Toàn bộ hệ thống giếng đã được thu hồi từ tháng 4/2024 đến tháng 1/2025 và chuyển về Khu lưu niệm Dầu khí.

Cùng với giếng khoan 204, tại khu vực Tiền Hải còn quy tụ nhiều giếng khoan có cấu tạo và độ sâu khác nhau, phản ánh một chặng đường dài trong công cuộc thăm dò, khai thác tài nguyên dưới lòng đất.

Các lớp ống chống và ống khai thác khí từ những năm 1980 được chuyển về Khu lưu niệm Dầu khí sau khi mỏ kết thúc chức năng khai thác.

Các lớp ống chống và ống khai thác khí từ những năm 1980 được chuyển về Khu lưu niệm Dầu khí sau khi mỏ kết thúc chức năng khai thác.

Trong số đó, giếng khoan 74, nằm trên địa bàn xã Tây Ninh (huyện Tiền Hải cũ), được khoan từ ngày 13/10/1982 và hoàn thành vào ngày 31/01/1983. Với cấu tạo địa chất thuộc tầng Tiền Hải C, giếng có độ sâu 2.340,76m, thể hiện nỗ lực chinh phục những tầng địa chất sâu hơn nhằm tìm kiếm nguồn khí đốt quý giá phục vụ phát triển kinh tế địa phương và đất nước.

Cũng tại địa bàn xã Tây Ninh, giếng khoan số 56 được thực hiện từ ngày 8/10 đến ngày 12/12/1985. Đây cũng là một giếng có cấu tạo thuộc tầng Tiền Hải C, nhưng có độ sâu thấp hơn - khoảng 1.202,42m. Sự chênh lệch về độ sâu giữa các giếng khoan phản ánh tính phức tạp của tầng địa chất khu vực này và khả năng ứng phó linh hoạt của đội ngũ kỹ sư Việt Nam.

Một giếng khoan quan trọng khác là giếng số 75, nằm tại xã Đông Cơ (huyện Tiền Hải cũ), có tọa độ địa lý X - 22.57.320; Y - 186.59.910. Giếng được khoan từ ngày 15/10 và hoàn thành chỉ sau hơn một tháng, vào ngày 19/11/1980, với độ sâu đạt 1.201,3m. Việc đưa giếng khoan số 75 vào khai thác góp phần mở rộng mạng lưới khai thác khí đốt tại khu vực Tiền Hải, qua đó gia tăng sản lượng, bảo đảm nguồn cung khí ổn định cho các hoạt động sản xuất, dân sinh trong vùng.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến giếng khoan số 200 tại xã Đông Hoàng - khu vực có cấu tạo địa chất đặc biệt, thuộc tầng Đông Hoàng. Đây là một trong những giếng khoan có độ sâu lớn, lên tới 3.705m. Được triển khai từ ngày 03/6/1978 và hoàn thành vào ngày 11/5/1979, giếng 200 đánh dấu bước tiến vượt bậc về kỹ thuật khoan sâu cũng như năng lực chinh phục những tầng đá phức tạp của đội ngũ kỹ sư, công nhân ngành dầu khí Việt Nam trong thời kỳ đầu phát triển.

Các van, bích nối mang dấu tích thời gian, như những nhân chứng thầm lặng kể lại một hành trình khai thác bền bỉ suốt gần 50 năm qua.

Các van, bích nối mang dấu tích thời gian, như những nhân chứng thầm lặng kể lại một hành trình khai thác bền bỉ suốt gần 50 năm qua.

Kỹ sư Hoàng Văn Nhuận chia sẻ: “Đây là những giếng sâu, yêu cầu kỹ thuật cao. Tuy nhiên đến khi thu hồi, các lớp ống, đầu giếng, bích nối... vẫn còn nguyên vẹn, chứng minh chất lượng thiết kế và thi công ngày ấy cực kỳ chuẩn mực. Với hệ thống lắp ghép chặt chẽ, từng lớp ống chống áp suất, kết cấu đầu giếng với các bích nối vẫn giữ được nguyên trạng, như mới được lắp đặt cách đây chỉ vài năm".

Công đoạn thi công ống thời ấy tuy còn thủ công, nhưng được thực hiện vô cùng tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Kỹ sư Nhuận nhớ lại: “Giữa các đoạn ống có ren kết nối, chúng tôi hàn 3 lớp để bảo đảm kín khí, sau đó đánh sạch rỉ, quét sơn chống rỉ. Tiếp đó là quét sơn vàng để nhận diện, rồi đến các lớp nhựa đường, giấy dầu để chống ăn mòn khi chôn dưới lòng đất".

Điều đáng kinh ngạc là sau gần nửa thế kỳ, những đoạn ống vừa được thu hồi vẫn giữ nguyên lớp nhựa đường và giấy dầu. Đây là minh chứng rõ nét cho độ bền vật liệu và tay nghề thi công đáng khâm phục ngày đó. Những đoạn ống này đang được trưng bày trang trọng tại Khu lưu niệm Dầu khí, trở thành "nhân chứng sống" cho trình độ kỹ thuật tiên phong của thế hệ kỹ sư dầu khí Việt Nam thời kỳ đầu.

Choòng khoan 3 chóp xoay và các bích nối chuyển tiếp được lưu giữ tại Khu lưu niệm Dầu khí

Choòng khoan 3 chóp xoay và các bích nối chuyển tiếp được lưu giữ tại Khu lưu niệm Dầu khí

Sau khi hoàn thành sứ mệnh khai thác khí trong nhiều thập kỷ, các mỏ Tiền Hải C như Đông Quan B, D14, Đông Hoàng chính thức bước vào giai đoạn thu dọn từ năm 2024. Theo kế hoạch, toàn bộ 10 giếng khoan sẽ được hủy, với hơn 13km đường ống được thu dọn. Trong đó có 4 giếng sâu, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, do đó quá trình hủy giếng phải kết hợp với thiết bị của nhà thầu địa vật lý (với các giếng DQD-2X, 200, 204 & D14-1X) và thiết bị bơm áp suất cao của nhà thầu bơm xi măng (với giếng khoan 204 & D14-1X).

Đáng chú ý, trong 10 giếng được hủy, có 5 giếng được PVEP Sông Hồng trực tiếp đảm nhiệm, 4 giếng sâu được xử lý với sự hỗ trợ thiết bị của các nhà thầu. Với sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm, PVEP Sông Hồng đã hoàn thành công tác thu dọn công trình dầu khí trên đất liền - lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam - bảo đảm tuân thủ đúng quy định, an toàn và hiệu quả.

Điều ý nghĩa nhất là các đầu giếng, cây thông, cần khai thác, tuyến ống... sau khi được thu hồi không bị bỏ phế, mà được bảo quản, phục dựng, tạo nên không gian trưng bày hệ thống khai thác dầu khí nguyên bản đầu tiên tại Khu lưu niệm Dầu khí.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những giàn khai thác khí, những ống giếng và tuyến ống từ thuở ban đầu ấy vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ về mặt vật chất, mà còn là biểu tượng tinh thần và di sản kỹ thuật quý báu của Petrovietnam và ngành công nghiệp - năng lượng quốc gia. Giờ đây, tại khu lưu niệm - nơi ghi dấu dòng khí công nghiệp đầu tiên được khai thác, những hiện vật ấy tiếp tục thực hiện một sứ mệnh mới: truyền cảm hứng, lan tỏa niềm tự hào và lưu giữ ký ức về một thời tiên phong đáng nhớ.

Đình Khương - Trần Trung

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/khu-luu-niem-dau-khi-ky-4-nhung-gian-khai-thac-khi-van-ven-nguyen-gia-tri-sau-gan-nua-the-ky-730134.html
Zalo