Khu lăng mộ vị vua trị vì lâu nhất triều Nguyễn được đầu tư 100 tỷ trùng tu có gì đặc biệt?

Lăng của vua Tự Đức (Khiêm Lăng) là một trong những khu lăng tẩm có cảnh quan, kiến trúc thuộc vào loại đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn vừa được đầu tư 99 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo.

Di tích lăng Tự Đức được xây dựng vào năm 1864, tọa lạc tại Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP. Huế.

Di tích lăng Tự Đức được xây dựng vào năm 1864, tọa lạc tại Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP. Huế.

Nằm dưới chân đồi Vọng Cảnh ở phường Thủy Xuân, TP Huế, Khiêm Lăng, với kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình, là nơi chôn cất vua Tự Đức (1829-1883), vị vua có thời gian trị vì triều Nguyễn lâu nhất với 36 năm. Khu lăng mộ xây dựng từ năm 1864 có diện tích khoảng 12ha, được bao bọc bởi vòng thành xây bằng đá núi dài khoảng 1.500m. Toàn bộ khu lăng có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ.

Trung tâm của lăng có hồ Lưu Khiêm với diện tích hơn 1,5ha, đóng vai trò là khu vực cảnh quan chính. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm - nơi thuở trước được vua Tự Đức cho nuôi nhiều loài chim muông quý hiếm.

Trải qua gần 200 năm tồn tại, một số hạng mục công trình ở lăng Tự Đức đã xuống cấp trầm trọng. Năm 2015, 6 hạng mục công trình tại đây là Lương Khiêm Điện, Chí Khiêm Đường, Lễ Khiêm Vu, Pháp Khiêm Vu, Tiểu Khiêm Trì và hồ Lưu Khiêm đã được trùng tu.

Các công trình điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường và Ôn Khiêm Đường sẽ được tu bổ để khôi phục vẻ đẹp vốn có, tái hiện không gian kiến trúc xưa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Các hạng mục tu bổ tập trung vào gia cố nền móng, phục hồi khung gỗ, mái ngói, đồ nội thất và các chi tiết trang trí tinh xảo.

Đơn vị trùng tu sẽ hạ giải điện Hòa Khiêm (nơi thờ tự chính của nhà vua) để phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, cửa, liên ba, sàn gỗ và các chi tiết bằng gỗ nhóm II; phục hồi mái lợp ngói âm dương hoàng lưu ly…

Thành sẽ được phục hồi bằng gạch vồ, mặt ngoài trát vữa màu truyền thống. Cổng và bình phong của Vụ Khiêm Môn cũng được tu bổ bằng gạch vồ, tô trát màu truyền thống, ô hộc ốp gạch gốm tráng men. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các điểm di tích và không gian kết nối sẽ được bổ sung.

Việc trùng tu dự kiến kéo dài đến tháng 10/2027. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã thông báo đến các đơn vị lữ hành, cộng đồng du khách nắm thông tin và lựa chọn hành trình tham quan phù hợp khi đến lăng Tự Đức.

Chất lượng các bức tường vẫn còn khá tốt

Ông Đặng Hùng Sơn (Phụ trách Giám sát của BQL Dự án Di tích Cố đô Huế, thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) cho biết, nhà thầu thi công đang nỗ lực thực hiện lắp dựng hoàn chỉnh hệ khung gỗ của Minh Khiêm Đường, sau đó bắt tay phục dựng hệ khung gỗ Hòa Khiêm Điện, phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành phần lắp dựng.

Trước đó, các thợ có tay nghề hạ giải xong 3 công trình Hòa Khiêm Điện, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, toàn bộ cấu kiện gỗ được đưa vào nhà để bảo quản.

Những năm qua, các công trình thuộc lăng vua Tự Đức được quan tâm, đầu tư trùng tu từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hạng mục quan trọng đang xuống cấp, hư hỏng chưa được bảo tồn, tu bổ. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định đầu tư gần 100 tỷ đồng từ ngân sách để trùng tu, tôn tạo di tích lăng vua Tự Đức (Ảnh Nguyễn Phong)

Ông Nguyễn An (Chỉ huy công trình lăng Tự Đức) phân tích, qua kiểm tra đánh giá, ngói lợp, bờ nóc, bờ quyết phần trên mái hầu hết đã hư hỏng. Các cấu kiện gỗ ước lượng chỉ còn khoảng 50% tái sử dụng được, số còn lại đa phần bị mối ăn xuyên tâm… Riêng các bức tường của 3 ngôi điện và hệ móng công trình vẫn còn tốt, chỉ cần xử lý vết nứt, tu bổ tường xây theo hiện trạng.

Theo ông An, quá trình thi công các hạng mục sẽ cố gắng giữ gìn yếu tố gốc, nguyên bản của di tích. Chỉ có chân móng công trình trước đây thực hiện đơn sơ thì nay tính toán lại kết cấu để đảm bảo độ lún, độ an toàn.

Ông Hoàng Việt Trung (Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế) thông tin, quá trình thi công được tiến hành thận trọng để đảm bảo vật liệu gốc không bị hư hỏng. Ngoài ra, nếu có nguồn tư liệu mới phát sinh, hội đồng khoa học sẽ “ngồi lại” phân tích đánh giá.

Trang trí đặc trưng tại Khiêm Lăng (Ảnh Nguyễn Phong)

“Như mới đây, qua những bức ảnh đấu giá được của các cá nhân yêu di sản Huế, phát hiện công trình tại di tích lăng Tự Đức có mái lưa nhưng thực tế hiện hữu không có, hội đồng khoa học thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền, Cục Di sản để điều chỉnh bổ sung. Với những hạng mục quan trọng như trên được trùng tu, công trình sau khi hoàn thành sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới”, ông Việt Trung nói.

Lê Tám Bảy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khu-lang-mo-vi-vua-tri-vi-lau-nhat-trieu-nguyen-duoc-dau-tu-100-ty-trung-tu-co-gi-dac-biet-post533144.html
Zalo