Không vùng cấm trong chống buôn lậu
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang len lỏi dưới nhiều hình thức tinh vi, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương, đời sống người dân. Trước thực trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU, thể hiện quyết tâm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đấu tranh chống buôn lậu, xử lý nghiêm mọi vi phạm, không có 'vùng cấm', không có ngoại lệ.

Lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực tân dược, vật tư nông nghiệp.
Thực hiện quyết liệt, liên tục
Thời gian qua, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an, hải quan, bộ đội biên phòng đã phối hợp đồng bộ, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, góp phần giữ ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong tháng cao điểm gần đây, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 220 vụ, phát hiện 102 vụ vi phạm, với tổng trị giá hàng hóa hơn 730 triệu đồng; nộp ngân sách trên 642 triệu đồng. Các con số này cho thấy công tác đấu tranh ngăn chặn và phòng, chống buôn lậu đang được thực hiện quyết liệt, liên tục.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung kiểm soát tốt hoạt động lưu thông hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá. Các giải pháp điều tiết thị trường được thực hiện đồng bộ, góp phần ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất tại các chợ đầu mối, kho chứa hàng, tuyến giao thông trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm theo phương châm xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Tăng cường kiểm soát, tuyên truyền
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng nhận định, tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực biên giới, chợ truyền thống và trên các nền tảng thương mại điện tử. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. “Chúng ta phải xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, không được lơ là, chủ quan”, đồng chí Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.
Từ thực tiễn trên, Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành, với yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác phòng, chống buôn lậu. Chỉ thị xác định rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời quán triệt quan điểm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm, đặc biệt đối với hành vi bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài.
Bên cạnh đó, chỉ thị yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác giám sát, kiểm soát hàng hóa, nhất là trên không gian mạng; củng cố lực lượng chức năng chuyên trách; đẩy mạnh kiểm tra nội bộ, ngăn ngừa tiêu cực trong thi hành công vụ. Ngành công thương phối hợp lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường… tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề, xử lý các mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cùng với biện pháp hành chính, công tác tuyên truyền, vận động người dân được chú trọng. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Việc tuyên truyền sẽ hướng đến đa dạng hóa hình thức, nội dung phong phú, trực quan, phù hợp từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức xã hội về hậu quả nghiêm trọng của hàng giả, hàng lậu và hành vi gian lận thương mại.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương Bùi Thái Hoàng cho rằng: “Trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vai trò của người dân rất quan trọng, do đó cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, giám sát, cung cấp thông tin và phản ánh kịp thời hành vi vi phạm đến cơ quan chức năng. Cần tiếp tục phát huy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất các điểm nóng, xử lý nghiêm để răn đe”.
Chống buôn lậu không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của cả cộng đồng. Việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ Chỉ thị số 32-CT/TU sẽ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.