'Không kiểm soát được ma túy ở trẻ nếu mở đường cho thuốc lá điện tử'

Ông Nguyễn Trọng Khoa kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện với các sản phẩm thuốc lá mới trước khi việc dùng trở nên phổ biến.

Hiểu lầm về giảm hại của thuốc lá nung nóng

Sáng 5/7, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này.

Bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam xấp xỉ 380.000 ca/năm, chiếm 73% tổng số ca tử vong và làm giảm đáng kể tuổi thọ trung bình của người dân. Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm được biết rất rõ là sử dụng thuốc lá, thực phẩm nhiều chất béo có hại, muối, đường, lạm dụng rượu bia ...và thiếu hoạt động thể chất.

Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và trên 40% các bệnh ung thư.

Quốc hội cũng đã thông qua 2 Luật quan trọng là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Việt Nam đã tham gia công ước Khung về kiểm soát thuốc lá từ rất sớm. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 với 92,18% đại biểu Quốc hội tán thành với cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Quốc hội lần đầu tiên có Phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới. Tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. "Như vậy, có thể thấy, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, chăm lo, chú trọng đến sức khỏe của người dân", bà Thủy cho hay.

Hiện nay, do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này đang được nhập lậu vào Việt Nam, đã tiếp cận giới trẻ và dẫn đến tình trạng nhập viện gia tăng do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam thông tin thêm một số hiểu lầm về giảm hại của thuốc lá nung nóng. Cụ thể là, bằng chứng về giảm hại của thuốc lá nung nóng cho đến nay còn hạn chế và chủ yếu do ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra.

Bằng chứng hiện tại cũng không đủ để hỗ trợ các tuyên bố giảm phơi nhiễm cho thuốc lá nung nóng. Mặc dù hàm lượng một số chất độc trong khói tỏa của thuốc lá nung nóng thấp hơn so với khói thuốc thông thường, nhưng hàm lượng của nhiều chất độc khác lại không được báo cáo, hoặc thực sự cao hơn.

Ông Lâm cũng cho hay, thêm một hiểm lầm về giảm hại của thuốc lá nung nóng nữa là có một số chất độc mới trong khói tỏa của thuốc lá nung nóng mà không có trong khói thuốc lá thông thường. Từ khói tỏa một sản phẩm khá phổ biến đã thấy nhiều chất độc mới không có trong khói tỏa thuốc lá, ít nhất 4 trong số này có thể gây ung thư, và 15 chất có khả năng gây tổn thương gen.

Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam.

Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam.

“Bằng chứng hiện tại không đủ để hỗ trợ các tuyên bố rằng thuốc lá nung nóng giảm nguy cơ hoặc tác hại sức khỏe. Dữ liệu cho thấy không có sự cải thiện trong một số chỉ số phổi và tim mạch và tỉ lệ sử dụng kép cao (với hút thuốc) ở những người tham gia nghiên cứu chuyển đổi. Do đó, việc bắt đầu sử dụng thuốc lá nung nóng của người hút thuốc không thể làm giảm đáng kể tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến hút thuốc”, BS. Tuấn Lâm nói.

Song song với đó, ông Lâm cho hay quảng cáo thuốc lá nung nóng nhắm tới giới trẻ, theo đó, các công ty thuốc lá sử dụng phương pháp tiếp thị tách rời, sử dụng cả thiết bị và điếu thuốc rời để thu hút khách hàng tiềm năng:

Thông qua các thiết kế và chức năng thiết bị ngày càng phát triển mà các công ty sử dụng để thu hút cảm giác mới lạ và khơi dậy niềm đam mê công nghệ tiên tiến của chủ yếu là giới trẻ; và thông qua những trải nghiệm giác quan mới, bằng cách cung cấp thêm hương vị của điếu thuốc lá… Chiến lược tiếp thị tách rời hy vọng sẽ vượt qua các giới hạn quy định hiện hành về quảng cáo...

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng nêu ra nhiều thách thức trong quản lý thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử như: Có thể lách luật bằng cách chỉ quảng cáo thiết bị hút thuốc lá nung nóng thay vò quảng cáo phần điếu thuốc (bị cấm); có hình thức khuyến mại khi mua thiết bị hoặc tặng tiền cho người giới thiệu người khác mua thiết bị. Thậm chí, công nghiệp thuốc lá sử dụng “chiêu bài” thuốc lá điện tử không có nicotine để “che mắt” người dùng và cơ quan quản lý.

Ngăn ngừa thế hệ trẻ sử dụng thuốc lá mới

BS.Tuấn Lâm cũng thông tin khuyến nghị của WHO với Việt Nam đó là các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả sẽ có nguy cơ tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine và “nhấn chìm” những kết quả của phòng chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây.

Các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại.

Các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại.

Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.

WHO khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

“Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ Nghị quyết vào trong Luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, cuộc chiến với thuốc lá mới là cuộc chiến cam go.

Ông Nguyễn Trọng Khoa kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện với các sản phẩm thuốc lá mới.

Ông Nguyễn Trọng Khoa kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện với các sản phẩm thuốc lá mới.

“Chúng ta sẽ không thể kiểm soát được ma túy ở trẻ em nếu chúng ta mở đường cho thuốc lá điện tử. Ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm tới giới trẻ là khách hàng tiềm năng, lâu dài của họ. Nếu chúng ta không nhanh mà chậm trễ trong việc cấm, chỉ cần chờ đến khi ra Luật thì e rằng khi đó con em mình đã sử dụng thuốc lá điện tử”, ông Khoa nói.

Bên cạnh đó, ông Khoa thông tin gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam. Theo ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020 người dân bỏ ra 49 nghìn tỷ đồng/năm để mua thuốc lá.

Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108 nghìn tỷ đồng một năm.

Khẳng định nhất quán chính sách của Bộ Y tế là bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, phải bảo vệ thế hệ tương lai và ngăn ngừa thế hệ trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Ông Khoa kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện với các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn bao gồm: Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-kiem-soat-duoc-ma-tuy-o-tre-neu-mo-duong-cho-thuoc-la-dien-tu-a671562.html
Zalo