Không khí ô nhiễm khiến trẻ em Ấn Độ... 'thất học'

Với tình trạng ô nhiễm nặng nề, các trường học ở thủ đô Delhi, Ấn Độ, buộc phải chuyển sang hình thức học trực tuyến để bảo vệ sức khỏe học sinh.

Bụi mịn dày đặc tại Delhi, Ấn Độ ngăn cản trẻ em đến trường.

Bụi mịn dày đặc tại Delhi, Ấn Độ ngăn cản trẻ em đến trường.

Tuy nhiên, chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ, mà còn làm trầm trọng thêm những vấn đề xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em từ các gia đình nghèo.

Ô nhiễm không khí ở Delhi, nơi sinh sống của hơn 30 triệu người, đạt mức báo động trong những tháng mùa Đông. Nồng độ bụi mịn PM2.5 đã vượt mức cảnh báo 60 lần vào giữa tháng 11 và có nguy cơ gây ung thư.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong sớm ở Ấn Độ mỗi năm. Các biện pháp giảm ô nhiễm của chính phủ, như hạn chế giao thông hay phun nước, chưa mang lại kết quả đáng kể.

Trong bối cảnh trên, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép trường học tại những nơi có nồng độ bụi mịn cao đóng cửa, chuyển sang dạy trực tuyến cho đến khi không khí về ngưỡng an toàn. Dù hành động này bảo vệ sức khỏe học sinh nhưng nó lại tạo ra nhiều khó khăn cho các gia đình nghèo.

Nhiều gia đình không có đủ điều kiện để mua máy lọc không khí hay các thiết bị hỗ trợ học trực tuyến. Điều này khiến việc học của các em trở nên khó khăn, đặc biệt là khi kết nối mạng thường xuyên bị gián đoạn.

Em Harshita Gautam, 9 tuổi sống ở khu vực phía Tây Delhi, là một trong số gần 2 triệu học sinh bị ảnh hưởng khi các trường học đóng cửa. Gia đình em sống trong một ngôi nhà tồi tàn, phải học qua chiếc điện thoại di động giá rẻ mà mẹ em mượn của hàng xóm.

Harshita chia sẻ: “Em không thích các lớp học trực tuyến. Em muốn đến trường và chơi ngoài trời, nhưng mẹ bảo ô nhiễm quá nặng nề”.

Tại các khu ổ chuột như Lalbagh, nhiều gia đình không có đủ thiết bị điện tử để con học trực tuyến. Các hộ dân chỉ có một chiếc điện thoại thông minh, khiến các em phải thay phiên nhau học hoặc đôi khi phải nghỉ học hoàn toàn. Chị Soni Kumari, bà mẹ hai con, cho biết: “Khi lớp học của các con tôi trùng nhau, chúng phải tranh giành chiếc điện thoại”.

Tuy nhiên, việc các em trở lại trường vẫn chưa thể thực hiện khi các biện pháp bảo vệ sức khỏe chưa đạt chuẩn.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là các bệnh về hô hấp như hen suyễn. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy cứ 3 trẻ ở Delhi thì có một em bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tình trạng này càng tồi tệ hơn trong mùa ô nhiễm.

Bà Sunita Bhasin, Hiệu trưởng Trường Swami Sivananda, cho biết: “Việc đóng cửa trường học đột ngột khiến quá trình học tập của trẻ em bị gián đoạn nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi ở nhà, các em cũng tiếp tục hít phải không khí ô nhiễm”.

Khi các trường học chuyển sang học trực tuyến, những bất cập này càng trở nên rõ ràng. Các em không chỉ phải đối mặt với chất lượng học tập giảm sút, mà còn chịu thiệt hại về sức khỏe và phúc lợi. Chính phủ cần có những giải pháp lâu dài và hiệu quả hơn để bảo vệ sức khỏe và tương lai của trẻ em Ấn Độ trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng.

Đối với những đứa trẻ không có thiết bị điện tử, việc nghỉ học trực tuyến đã trở thành thói quen. Một bà mẹ sống tại Delhi, Ấn Độ tâm sự: “Gia đình tôi chỉ có một chiếc điện thoại phổ thông để nghe gọi. Nếu chính phủ duy trì việc học trực tuyến trong 15 ngày, điều đó có nghĩa là con tôi sẽ phải nghỉ học 15 ngày”.

Theo The Straits Times

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-khi-o-nhiem-khien-tre-em-an-do-that-hoc-post710149.html
Zalo