Không gian phát triển rộng mở, cơ hội vươn mình thịnh vượng

Ngày 1-7-2025 đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử của Việt Nam khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Cùng với đó là việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành. Đây là một cuộc cải cách hành chính toàn diện, sâu rộng, mở ra không gian phát triển mới, bền vững và hiệu quả hơn cho cả nước.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ là thay đổi về mặt tổ chức, mà là bước đi chiến lược trong tiến trình đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước, tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh đất nước đang hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, việc tổ chức lại không gian hành chính và điều hành quản lý theo hướng quy mô lớn, năng lực cao, linh hoạt và kết nối chặt chẽ là yếu tố then chốt, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.

Việc sáp nhập 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai mới mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với quy mô dân số, diện tích, tài nguyên thiên nhiên và tiềm lực kinh tế được mở rộng, tỉnh Đồng Nai mới được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn tới.

Tỉnh Đồng Nai (cũ) vốn là một trong những tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, với hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hệ thống khu công nghiệp lớn và kết nối giao thông liên vùng mạnh mẽ. Đặc biệt, Đồng Nai được ví như “đại công trường” khi đang triển khai hàng loạt dự án mang tầm vóc quốc gia, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong khi đó, tỉnh Bình Phước (cũ) có thế mạnh về đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản và đặc biệt là vị trí chiến lược trong hành lang kinh tế Đông - Tây. Sự kết hợp giữa 2 vùng đất này hứa hẹn tạo nên một không gian phát triển rộng lớn, hài hòa giữa công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, giữa đô thị hóa hiện đại và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Người dân ở cả 2 địa phương đang kỳ vọng rất lớn vào việc sáp nhập 2 tỉnh, bởi đây không chỉ đơn giản là thay đổi tên gọi hay địa giới hành chính mà điều quan trọng nhất khi mở rộng không gian phát triển chính là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, phát triển hạ tầng và phúc lợi xã hội. Khi bộ máy hành chính được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, người dân sẽ được phục vụ nhanh chóng, thuận tiện hơn; nguồn lực đầu tư sẽ được phân bổ hợp lý hơn, tránh lãng phí.

Tỉnh Đồng Nai mới trên nền tảng của 2 vùng đất giàu tiềm năng trong tương lai không xa sẽ cho thấy sức mạnh của sự hợp lực, hội nhập và đổi mới. Đây không chỉ là cơ hội, mà còn là trách nhiệm lớn lao của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh: cùng nhau xây dựng một địa phương phát triển toàn diện, hiện đại, giàu có và trở thành vùng đất đáng sống.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính trên toàn quốc là một cuộc cải cách có tính lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quyết đoán của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Sáp nhập là cơ hội để tạo nên một tư duy phát triển mới, tích hợp, đa ngành và mang tính bền vững lâu dài. Tỉnh Đồng Nai mới với tầm vóc rộng lớn và tiềm năng vượt trội đang đứng trước cơ hội vàng để vươn mình trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ - logistics tầm khu vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước.

Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202507/khong-gian-phat-trien-rong-mo-co-hoi-vuon-minh-thinh-vuong-0491d72/
Zalo